Sau khi dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đưa vào sử dụng thì người dân xã Đức Bồng (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) hằng ngày phải leo, bò, trượt theo dốc đứng của công trình để đi làm đồng.
Dân leo, bò, trượt ra đồng
Theo phản ánh của người dân thôn 1 và thôn 2 xã Đức Bồng, sau khi dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang được khởi công xây dựng người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, sau khi siêu dự án này được hoàn thành đưa vào sử dụng thì con đường giao thông nội đồng bao lâu nay của người dân bỗng dưng bị chắn ngang. Người dân sinh sống ở bên này nhưng chủ yếu đi làm đồng ở bên kia kênh và người dân ở bên kia kênh lại đi làm đồng ở bên này nên rất khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 28/11/2018
06:36, 23/11/2018
07:42, 19/11/2018
05:00, 07/11/2018
11:00, 12/11/2018
06:45, 03/12/2018
Vừa dừng xe trên bờ kênh, chị Lan (thôn 1) ném cuốc xuống trước rồi từ từ trượt theo bờ kè để xuống đồng. Chị Lan bức xúc: “Con đường dân sinh này được hình thành từ hàng chục năm nay. Trước đây, mỗi lần đi làm đồng, hoặc chăn thả trâu bò người dân đều đi theo con đường này. Thế nhưng, khi dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang được xây dựng thì người dân phải đi theo đường vòng mất vài km. Đáng nói hơn, dù phải đi đường vòng nhưng người dân vẫn không có bậc thang mà phải leo, trượt để xuống đồng”.
Để thuận tiện, người dân thôn 1 cùng nhau dựng chiếc cầu tre bắc qua con kênh thủy lợi này, đồng thời làm một chiếc thang bằng tre dựng theo vách kênh để trèo lên. Tuy nhiên mới được nửa năm những cây tre được kết nối với nhau đã dần mục nát.
Một người dân cho biết: “Toàn bộ phân tro, hoa màu đều được người dân gồng gánh đi qua chiếc cầu tre này. Biết là không đảm bảo an toàn nhưng đi đường vòng xa quá. Hơn nữa dù có đi đường vòng người dân cũng phải băng qua cánh đồng của thôn khác, hoặc phải trượt, trườn trên dốc mới xuống được đồng. Đồng chưa gieo trỉa gì còn đi băng qua được chứ gieo trỉa rồi thì chịu. Cứ đến mùa thu hoạch người dân phải cõng từng bao lạc, bao ngô leo lên dốc thẳng đứng, rất vất vả”.
Không chỉ riêng việc đi làm đồng mà kênh thủy lợi này còn chia cắt thôn 1 thành hai cụm dân cư cách biệt. Bà Hoa cho biết: “Nhà tôi ở bên này kênh nhưng hội quán thôn lại ở bên kia kênh. Trước đây, mỗi lần đi họp thôn, xóm chỉ đi vài trăm mét là đến. Từ khi có con kênh này, chúng tôi phải đi vòng mấy km mới tới nơi nên lâu nay người dân bên này rất ít đi sinh hoạt thôn, xóm”.
Người dân mong chờ một cây cầu
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bồng cho biết: “Đức Bồng có khoảng hơn 500 nhân khẩu của thôn 1 và thôn 2 gặp khó khăn trong việc đi lại sản xuất do dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang chắn ngang đường dân sinh. Trong quá trình xây dựng thấy đường đi làm đồng bị chắn, người dân đã có đề xuất về việc mở lại con đường này.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng kiến nghị về việc bắc cây cầu qua con đường cũ nhưng phía cơ quan chức năng cho rằng đã có cầu vượt số 2 nên không được chấp thuận. Tuy nhiên, cầu vượt này nối với các thôn phía trong, còn người dân thôn 1 và thôn 2 đi làm rất bất tiện. Vì đây là công trình thủy lợi do huyện và tỉnh quản lý, phía xã chỉ có thể dừng lại ở việc đề xuất thôi”.
Cũng theo ông Trường, trước đây, người dân có dựng hai cầu tre bắc qua kênh để đi lại, vận chuyển phân tro, nông sản nhưng sau đó ban quản lý công trình yêu cầu tháo dỡ. Người dân đã tháo dỡ một cây cầu và xin giữ lại một cái để đi ra đồng. Hơn nữa, để xuống được đồng, người dân phải đi vòng qua cánh đồng của thôn khác hoặc trượt theo con dốc rất nguy hiểm.
Ông Lê Văn Thuận, trưởng thôn 1 cho rằng nguyện vọng làm cây cầu bắc qua kênh đoạn đi qua thôn 1 là hoàn toàn chính đáng. Khi xây dựng họ nói sẽ hoàn trả hiện trạng bằng hoặc tốt hơn hiện trạng cũ nhưng đến khi hoàn thành thì kênh mương cao hơn nhiều so với mặt ruộng khiến người dân lên xuống rất khó khăn.