Mỗi mùa lũ về, nước sông dâng cao, ruộng vườn, nhà cửa của gần 100 hộ dân tại thôn Phú Hòa, xã Hương Xuân (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) lại bị uy hiếp nghiêm trọng.
Tình trạng này diễn ra hằng năm, đe dọa đến cuộc sống của người dân sinh sống dọc sông Tiêm.
Thấp thỏm sống bên dòng sông
Theo phản ánh của người dân thôn Phú Hòa, xã Hương Xuân, cứ mỗi mùa lũ, diện tích vườn tược lại bị thu hẹp thêm. Tài sản, cây cối, thậm chí cả con đường chạy quanh thôn cũng bị lũ sông cuốn trôi hết. Người dân hằng ngày sống trong thấp thỏm lo âu khi tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 05/11/2018
12:35, 02/11/2018
16:00, 23/10/2018
15:30, 30/10/2018
08:30, 25/10/2018
Nằm ở mép cuối của nhánh sông Tiêm đổ về con sông Ngàn Sâu, gia đình ông Nguyễn Gà đã bị sông “ngoạm” gần nửa diện tích vườn. Bờ sông chỉ nằm cách nhà chưa đầy 5m. Chỉ tay về phía dòng nước đang cuồn cuộn chảy, một người dân sống cạnh nhà ông Gà lo lắng: “Trước đây vườn của những gia đình sống dọc bờ sông ra đến tận phía ụ đất nhấp nhô ngoài kia. Mấy năm nay, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, không những đường bị cuốn trôi mà nhiều diện tích đất vườn, chuồng bò của gia đình ông cũng bị dòng nước lũ cuốn trôi. Con đường bê tông mới đổ chạy dọc những rặng tre quanh làng cũng bị sông “nuốt” chửng. Nếu cứ tình trạng này thì chẳng bao lâu nữa dân làng này sẽ mất đất, mất nhà”.
Gia đình ông Lê Hữu Ngoạn cũng bị dòng sông lấn vào hàng chục mét đất. Theo ông Ngoạn, mỗi năm người dân xã Hương Xuân phải gánh chịu nhiều trận lũ, trung bình mỗi năm có khoảng 3 – 4 trận lũ, có những năm hơn 5 trận lũ. Cứ mỗi trận lũ đi qua là hàng chục mét đất biến thành sông khiến diện tích đất của làng ngày càng bị thu hẹp. Tình trạng này không được cải thiện sớm, nguy cơ “xóa sổ ngôi làng này rất cao.
Không riêng gì gia đình ông Gà, ông Ngoạn mà nhiều hộ dân ở làng Phú Hòa này như gia đình Phan Trọng Vĩnh, Lê Hữu Tiến, Phan Trọng Tộ… cũng bị nước lũ cuốn trôi nhiều diện tích đất, cây bưởi, cam, uy hiếp đến ngôi nhà đang sinh sống.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, kéo dài hàng chục mét, ăn sâu vào nền nhà dân. Một số vết sạt lở mới xuất hiện, dựng vách đứng rất nguy hiểm. Để giảm tình trạng sạt lở, người dân đã trồng một số loại cây như tre, tro, chuối… dọc bên mép sông nhưng tất cả đều bị cuốn theo dòng nước. Hàng trăm mét đất cùng tài sản, cây ăn quả của người dân đều bị dòng sống “nuốt” chửng.
Nguy cơ mất làng
Theo thống kê của xã Hương Xuân, đến thời điểm hiện tại có khoảng gần 100 hộ dân thuộc thôn Phú Hòa bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở của dòng sông Tiêm. Trong đó có khoảng 15 hộ dân sinh sống dọc theo bờ sông đã bị mất hàng trăm mét đất.
Nói về tình trạng này, ông Trịnh Xuân Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Xuân cho biết: “Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Tiêm đi qua xóm Phú Hòa đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng từ năm 2016 trở lại đây diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có nơi lấn sâu nhất khoảng 35m chiều ngang. Ngoài ra, con đường bê tông chạy quanh làng cũng bị con sông “nuốt” gọn. Trung bình mỗi năm có khoảng trên 50 mét đất của làng biến thành sông. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng việc này nằm ngoài khả năng của xã. Chúng tôi cũng làm tờ trình báo cáo và có ý kiến thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri ở huyện”.
Cũng theo ông Thắng, đã có nhiều đoàn về kiểm tra thực địa, còn phương án thì phải chờ quyết định của huyện và tỉnh. “Hiện địa phương cũng đang có khó khăn về quỹ đất nên chưa thể di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở được. Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, chính quyền xã lại tổ chức di chuyển các hộ dân trong vùng ảnh hưởng về địa điểm khác. Tuy nhiên, đây là phương án tạm thời, về lâu dài tình trạng này không được khắc phục nguy cơ mất cả thôn Phú Hòa là rất cao”, ông Thắng nói.