Để TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế
Cơ hội để TP HCM trở thành trung tâm tài chính mới là rất lớn, trong bối cảnh Hồng Kông xảy ra những bất ổn, có khả năng lung lay vị trí trung tâm tài chính thế giới.
Tại diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2019 vừa diễn ra với chủ đề “Phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND thành phố đã không ngần ngại bày tỏ mục tiêu này.
Lập ban chuyên gia thúc đẩy phát triển TPHCM
Tất nhiên, đó không phải là điều dễ dàng thực hiện. Chỉ đặt mục tiêu phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thôi là chưa đủ. Chúng ta cần một lộ trình đầy đủ, một kế hoạch chi tiết, có nghiên cứu đầy đủ tình hình quốc tế, xu hướng kinh doanh quốc tế, những lợi thế của thành phố là gì và từ đó xây dựng chương trình hành động cụ thể.
Tóm lại, xây dựng một trung tâm tài chính, cũng như xây dựng một công ty hay một đô thị, trước hết cần nghiên cứu, phân tích chi tiết các điều kiện trong và ngoài, vi mô và vĩ mô, từ đó lên kế hoạch và lộ trình thực hiện, mới có thể đi đến đích nhanh nhất, đúng hướng nhất.
Để có kế hoạch chi tiết, cần lập một ban nghiên cứu và thúc đẩy phát triển trung tâm tài chính TP HCM, với các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, bao gồm cả các chuyên gia quốc tế là những người đóng góp định hình nên các trung tâm tài chính Hồng Kông, Singapore hiện nay. Ban chuyên gia xây dựng kế hoạch cũng cần có đại diện chính quyền và đại diện doanh nghiệp một số doanh nghiệp lớn để có thể lên kế hoạch đầy đủ, bao quát nhất.
Rất, rất khó để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế nếu TP HCM vẫn được đặt trong hệ thống chính sách chung như hiện nay, theo đó đồng tiền không được chuyển đổi nhanh chóng, tài khoản vốn không được tự do hóa, thuế áp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư không ưu đãi hơn…
Sở dĩ Hồng Kông và Singapore gây dựng thành công danh hiệu đế chế tài chính bởi vì họ có những chính sách riêng cho hai thành phố này, và mọi nguồn lực dễ dàng được tập trung để phát triển mảng dịch vụ, tài chính cho thành phố. Một ví dụ đơn giản là nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp ở hai thành phố này đều được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp siêu ưu đãi (thường từ 0% đến 3%) bên cạnh mức phí gần như bằng không và thủ tục hết sức dễ dàng.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM đủ điều kiện là Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
00:00, 18/10/2019
Chủ tịch TP HCM "kêu cứu" Trung ương về 2 tuyến metro
14:15, 08/10/2019
TP HCM phủ sóng IoT diện rộng đầu tiên trên cả nước
21:56, 14/09/2019
TP HCM cần gì?
Nếu không thể trở thành một “đặc khu” được toàn quyền ra các chính sách liên quan đến thương mại dịch vụ, đầu tư nước ngoài như vậy, ít nhất TP HCM cũng cần được cơ chế riêng để tự quyết các vấn đề mấu chốt với một trung tâm tài chính: cho phép tự do lưu chuyển tiền tệ, chuyển đổi đồng tiền, ưu đãi thuế quan, cam kết an toàn vốn, hoặc các ưu đãi mềm để ‘lôi kéo’ các nhà đầu tư và doanh nghiệp, ngân hàng trên thế giới đến với thành phố.
Đồng thời, thành phố cũng cần được tự chủ ngân sách hay được giữ lại tỉ trọng cao hơn để phân bổ cho nâng cấp hạ tầng, công nghệ thông tin, môi trường, nhân lực… là những yếu tố nền tảng cho một trung tâm tài chính phát triển.
Song song với việc xây dựng chính sách riêng, nâng cấp bộ mặt thành phố, cũng cần tích cực quảng bá về một TP HCM đang chuyển mình sẵn sàng cho vị thế trung tâm tài chính mới, với những thông điệp rõ ràng lợi thế của chúng ta là gì, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân đến với chúng ta sẽ có lợi ích gì và được đảm bảo ra sao.
Lựa chọn một vài tập đoàn tiếng tăm làm trụ sở và trung chuyển tài sản tại đây với những chính sách ưu đãi đặc biệt ban đầu cũng sẽ là một hình thức quảng bá hiệu quả lôi kéo được đông đảo các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới.
Và điều đương nhiên là TP cần tập trung vào lợi thế cạnh tranh, bởi sơ bộ đánh giá tổng quan tình hình hiện nay cũng có thể thấy rằng chúng ta không thể “ôm” được tất cả mọi lĩnh vực tài chính. Chúng ta không đủ lực, và không thể cạnh tranh được nếu định giỏi mọi thứ, mạnh trong mọi thứ’.
Cần tập trung vào khu vực chúng ta có lợi thế nhất hoặc dễ “đánh bật” các thành phố đối thủ nhất. Liệu có thể là một thành phố Fintech nơi tập trung các doanh nghiệp Fintech? Hay có thể là một “thành phố giao lưu của đại gia tài chính”, tận dụng thế mạnh hiện nay thành phố đang được bình chọn là một trong những nơi dễ sống nhất với chuyên gia nước ngoài, để lôi kéo, thu hút thêm nhiều tài phiệt và nhân sự tài chính quốc tế tới sinh sống làm việc, biến thành phố thành một điểm hẹn của giới tài chính?... Những câu hỏi này sẽ là nền tảng cho mọi chính sách và giải pháp xây dựng TPHCM trung tâm tài chính quốc tế.