Tiền Giang đón “sóng” đầu tư mới

Lê Trang - thực hiện 24/06/2020 05:00

"Tiền Giang đang đón những làn “sóng” đầu tư mới chất lượng hơn, hiệu quả hơn" - ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Từ đầu năm đến nay, Tổ xúc tiến đầu tư của tỉnh đã tổ chức 35 cuộc họp giải quyết thủ tục đầu tư, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc lập hồ sơ dự án, tiếp các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư, hỗ trợ cung cấp thông tin quy hoạch và tổ chức khảo sát thực tế vị trí dự án.

- Với phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, xin ông cho biết tình hình thu hút đầu tư vào Tiền Giang thời gian gần đây?

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh thu hút được 23 dự án (07 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký mới 8.644,32 tỷ đồng, tăng 10 dự án so với cùng kỳ năm 2019; có 7 dự án đăng ký tăng vốn 833,85 tỷ đồng, tăng 4 dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 68,6% so cùng kỳ 2019. Nâng tổng vốn đầu tư mới thu hút được trong 6 tháng là 9.598,17 tỷ đồng.

Trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang đang là tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài khá cao. Tỉnh đã thu hút được 31 dự án và 36 dự án đăng ký tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm là 980 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có 120 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký 2.570 triệu USD. Đã có 21 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án đầu tư tại tỉnh.

Tiền Giang huy động đa dạng nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đáng chú ý, tổng số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng 3.340 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động lên 5.664 doanh nghiệp. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn đều có doanh nghiệp hoạt động.

- Kết quả này tác động như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa ông?

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2019 đạt 11.260 tỷ đồng (Nghị quyết đề ra đến 2020 đạt 9.116 tỷ đồng). Tính chung giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 45.799,2 tỷ đồng (Nghị quyết 36.875 tỷ đồng); tăng bình quân 15,9%/năm. Tiền Giang đã đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo.

Tiền Giang đang hướng tới mục tiêu tự chủ về ngân sách và quan trọng hơn đó là tạo ra nền tảng và dư địa phát triển mới trong những năm tiếp sau.

 Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tiếp và làm việc với nhà đầu tư.

Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tiếp và làm việc với nhà đầu tư.

- Xin ông cho biết, tỉnh Tiền Giang có những giải pháp gì để đón làn sóng đầu tư mới?

Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư cũng như đón làn sóng đầu tư mới, các sở, ngành tỉnh và các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp để giải quyết nhanh các hồ sơ dự án đầu tư; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ dự án để sớm tổ chức thẩm định và đề xuất UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Tỉnh cũng tập trung thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp khẩn trương xây dựng và phát hành các tài liệu xúc tiến đầu tư. Song song với đó tỉnh nâng cao chất lượng trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư lập hồ sơ dự án, thực hiện các thủ tục về xây dựng, đất đai, môi trường...

Các sở ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã... tăng cường phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư sớm có thể triển khai xây dựng và đi vào hoạt động.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố lân cận để sớm đầu tư hoàn thành các công trình liên kết với vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, tiểu vùng Đồng Tháp Mười và tiểu vùng duyên hải phía Đông.

Về lâu dài, Tiền Giang đang tổ chức triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, phù hợp với Luật Quy hoạch để tìm ra ý tưởng mới, phương pháp mới, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

- Cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang đón đầu cơ hội mới

    Tiền Giang đón đầu cơ hội mới

    20:05, 02/06/2020

  • Tiền Giang: Lan tỏa sức hút đầu tư từ các nhà đầu tư lớn

    Tiền Giang: Lan tỏa sức hút đầu tư từ các nhà đầu tư lớn

    06:00, 11/05/2020

  • Sức bật của Tiền Giang

    Sức bật của Tiền Giang

    11:30, 09/05/2020

  • Tiền Giang coi nhà đầu tư là cầu nối

    Tiền Giang coi nhà đầu tư là cầu nối

    11:30, 24/04/2020

  • Nông nghiệp: Trụ đỡ kinh tế Tiền Giang

    Nông nghiệp: Trụ đỡ kinh tế Tiền Giang

    11:30, 18/04/2020

Lê Trang - thực hiện