Nông nghiệp: Trụ đỡ kinh tế Tiền Giang

Diendandoanhnghiep.vn Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng bởi tác động của dịch COVID- 19, nông nghiệp trở thành một trụ đỡ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của Tiền Giang.

Sau thời gian dài gồng mình với hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh Tiền Giang thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống hạn, mặn và giữa tháng 4/2020, người dân Tiền Giang vui mừng đón cơn mưa đầu mùa. Cơn mưa "vàng" cùng với các giải pháp cấp nước tưới của tỉnh đã phần nào giải quyết được nhu cầu nguồn nước cho các loại cây trồng của tỉnh.

p/Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng kiểm tra việc vận chuyển nước ngọt bằng sà lan về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng kiểm tra việc vận chuyển nước ngọt bằng sà lan về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm.

Dù chịu tác động lớn của hạn, mặn, dịch bệnh nhưng kết quả cơ bản đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là sản lượng của ngành phát triển tương đối vững chắc. Dù còn nhiều khó khăn đan xen nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và thủy sản Tiền Giang qua các năm đều có tăng trưởng dương, các mục tiêu về sản lượng phần lớn đã đạt và gần đạt các mục tiêu đặt ra đến năm 2020, trở thành nền tảng ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 của ngành Nông nghiệp đạt được là 3,8%, trong khi tăng trưởng bình quân nông nghiệp cả nước chỉ đạt 2,55%.

Chủ động ứng phó

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, hạn, mặn thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, có trên 30.000 ha vườn trồng cây ăn trái ở phía Nam Quốc lộ 1 bị tác động mạnh bởi thiếu nước tưới. Trong tình thế khẩn cấp do hạn mặn, tỉnh Tiền Giang đã quyết định dùng ngân sách, chở nước ngọt cấp miễn phí cho người dân cứu vườn cây ăn trái, rau màu bằng sà lan. Giải pháp này bắt đầu từ giữa tháng 3/2020 và kéo dài đến hết tháng 4/2020, dự kiến chuyển đến hơn 3 triệu m3 nước giúp nông dân vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu chống hạn, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, bảo vệ cây trồng.

Trước đó, từ ngày 15 tháng 3, hàng chục sà lan đã được huy động chở nước ngọt về tỉnh Tiền Giang. Một ha cây ăn trái, nhà vườn sẽ được cấp 20 m3 nước một ngày. Nhờ cách làm này mà 13.000 ha sầu riêng, hàng chục ngàn ha thanh long, bưởi da xanh ở Tiền Giang đã giải toả được cơn khát nước, mang đến hy vọng về những vụ mùa bội thu.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thực tế, chủ động ứng phó, thực hiện có hiệu quả những giải pháp phòng, chống hạn, mặn xâm nhập, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Những tín hiệu cây trái hồi sinh, đơm hoa kết trái sẽ là một trong những trụ cột quan trọng giúp địa phương duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh dịch COVID - 19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đó cũng là cơ sở để Tiền Giang xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế của địa phương năm 2020 đạt 7%. Và một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu trên là ổn định sản xuất nông nghiệp, không chỉ đóng góp cho chính ngành nông nghiệp của tỉnh mà còn tạo nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu và đặc biệt đảm bảo cho đời sống 1,4 triệu người dân nông thôn của tỉnh.

Xoay trục nông nghiệp giúp địa phương duy trì ổn định kinh tế là một hướng đi phù hợp phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

Đánh thức tiềm năng

Được mệnh danh là "vương quốc trái cây", Tiền Giang hiện đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng với hơn 79 ngàn ha và 1,5 triệu tấn, cụ thể: Huyện Cái Bè 18.916 ha, huyện Cai Lậy 14.310 ha, huyện Tân Phước 16.946 ha, huyện Châu Thành 8.513 ha và huyện Chợ Gạo 9.216 ha. Tiền Giang xác định 7 chủng loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu là: xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, dứa (khóm) Tân Phước, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công.

p/Người dân đến điểm cấp nước ngọt tại xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo để nhận nước ngọt về tưới Thanh Long.

Người dân đến điểm cấp nước ngọt tại xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo để nhận nước ngọt về tưới Thanh Long.

Ông Lê Văn Hưởng cho biết: Nhằm đưa nông nghiệp-nông dân-nông thôn đổi mới theo hướng hiện đại, cùng với xây dựng vùng chuyên canh, áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học công nghệ để nâng chất lượng nông sản hàng hóa, chiếm lĩnh thị trường, địa phương còn quan tâm gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ nhằm giải quyết đầu ra theo hướng có lợi nhất cho nông dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, hiện tại tỉnh có mạng lưới thu mua rộng khắp các vùng chuyên canh bao gồm: 150 cơ sở thu mua, sơ chế trái cây quy mô vừa và nhỏ, 42 hợp tác xã và tổ hợp tác chuyên doanh trái cây. Tiền Giang còn có 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động với công suất chế biến 47.000 tấn/năm. Đặc biệt, thanh long, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Cai Lậy… là những loại trái cây đặc sản đang được xuất khẩu sang nhiều nước.

Năm 2019, Tiền Giang xuất khẩu trái cây đạt 22.884 tấn, đạt 41,6 triệu USD, tăng trên 151,8% về lượng và tăng 160% về trị giá so với năm 2018; trong đó, thanh long chiếm 38,7%, sầu riêng 10%, chuối gần 4%, xoài gần 3%... Thủy sản xuất khẩu 134,8 ngàn tấn, kim ngạch 350,8 triệu USD, tăng 25,1%; gạo xuất khẩu 143,4 ngàn tấn, kim ngạch 68,7 triệu USD. Ngoài ra, hàng năm tỉnh còn xuất khẩu lượng lớn nông sản sang các nước lân cận, nhất là Trung Quốc.

"Để phát huy tiềm năng sẵn có cùng với các giải pháp đồng bộ ứng phó với hạn, mặn, trong thời gian tới Tiền Giang tập trung phát triển chuỗi liên kết sản xuất và khuyến khích hợp tác, tiêu thụ nông sản. Trong đó, xác định lấy doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu với quy mô sản xuất tập trung. Từ đó, nông dân tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất với doanh nghiệp; thúc đẩy hình thành liên kết sản xuất như câu lạc bộ, tổ liên kết, HTX, trang trại; hình thành liên kết giữa tổ chức của người sản xuất với doanh nghiệp nhằm mở rộng quy mô sản xuất chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ..), chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu."- ông Lê Văn Hưởng chia sẻ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nông nghiệp: Trụ đỡ kinh tế Tiền Giang tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714421617 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714421617 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10