Không chỉ thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe, Tiền Giang luôn cho thấy nỗ lực hành động, đồng hành hiệu quả cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Tại buổi tiếp và làm việc với các nhà đầu tư về tình hình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh vừa được UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh đã gửi lời trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp đã chọn Tiền Giang làm điểm đến đầu tư. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới mỗi nhà đầu tư là cầu nối, tiếp tục mời gọi đầu tư tại Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng.
Gỡ khó
Sau khi các công ty trao đổi thông tin tiến độ, cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai dự án, ông Lê Văn Hưởng đã đề nghị Sở Xây dựng và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang kịp thời hỗ trợ để các công ty tháo gỡ khó khăn về thẩm định hồ sơ kỹ thuật. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Việt Nam đã tạm ngừng cấp visa, nên nhân viên, chuyên gia của công ty không nhập cảnh sang làm việc, đã ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án UBND sẽ lập danh sách cụ thể để kiến nghị Chính phủ giải quyết.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến gặp gỡ các doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ông Lê Văn Hưởng đã đề nghị các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh cần có sự đồng lòng với UBND tỉnh để kiến nghị với Trung ương về những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, giao các sở, ngành có liên quan nhanh chóng tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp trình Thường trực UBND tỉnh bàn bạc để kiến nghị với Chính phủ. Cuối tháng 4/2020, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kết hợp với đối thoại doanh nghiệp…
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, quý I/2020 Tiền Giang vẫn thu hút được 05 dự án với tổng vốn đăng ký mới 4.684 tỷ đồng. Nâng tổng vốn đầu tư thu hút trong quý đạt 5.035 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang, đến cuối tháng 3/2020, kết quả hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại bởi dịch COVID-19 của các tổ chức tín dụng bước đầu được ghi nhận: Có 119 khách hàng, với dư nợ 1.813 tỷ đồng được hỗ trợ; tháo gỡ khó khăn thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 6 khách hàng, giảm lãi vay cho 18 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu lại và giảm lãi là 144 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã cho 95 khách hàng vay mới, với dư nợ 1.669 tỷ đồng để ổn định, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe, Tiền Giang luôn cho thấy nỗ lực hành động, đồng hành hiệu quả cùng cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó cũng lý giải vì sao trong bổi cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, quý I/2020 Tiền Giang vẫn thu hút được 05 dự án (02 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký mới 4.684 tỷ đồng. Nâng tổng vốn đầu tư thu hút trong quý đạt 5.035 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong Quý I/2020 là trên 180 doanh nghiệp. Qua đó, đưa số doanh nghiệp đang hoạt động đến cuối tháng 3/2020 trên địa bàn tỉnh là 5.774.
Tiếp sức doanh nghiệp
Theo ông Lê Văn Hưởng, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu, có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Khẩn trương phục hồi và phát triển du lịch tỉnh, tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch trở lại sau khi chấm dứt dịch.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 18/04/2020
07:00, 14/04/2020
10:32, 09/04/2020
09:25, 13/12/2019
Đặc biệt, tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020; có chế tài xử lý nghiêm nếu để chậm trễ. Tỉnh cũng triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là đón bắt thời cơ dịch chuyển các dòng vốn đầu tư từ các nước. Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, tín dụng, thuế...
“Về lâu dài, để Tiền Giang sẽ xây dựng và tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp phù hợp theo Luật Quy hoạch để tìm ra ý tưởng mới, phương pháp mới nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Theo đó, cụ thể hóa theo hướng nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gia tăng năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tỉnh cũng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, cơ cấu lại các ngành nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch của tỉnh.”- ông Lê Văn Hưởng cho biết.