Châu Thành (Tiền Giang) phát triển đồng bộ hạ tầng

LÊ TRANG 12/08/2020 15:21

Châu Thành đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế theo giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010), nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng bình quân 10% - 11%.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2025, huyện Châu Thành (Tiền Giang) sẽ tập trung phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị và gắn kết phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển.

  Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với huyện Châu Thành

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với huyện Châu Thành

Theo ông Huỳnh Văn Bé Hai, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, hạn, mặn xâm nhập và dịch COVID- 19 đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của huyện. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất ước đạt 49,79% kế hoạch, giảm 14,73% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành nông nghiệp giảm 6,04%; công nghiệp - xây dựng giảm 18,69%. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác thực hiện đạt kết quả khả quan như: Khu vực thương mại- dịch vụ tăng 21,7%; tổng thu ngân sách nhà nước tính đến 30/6/2020 đạt 89 tỷ đồng, đạt 50,84% so kế hoạch, tăng 4,97% so với cùng kỳ 2019; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 3.532 tỷ đồng, đạt 50,46% Nghị quyết.

Đột phá hạ tầng giao thông

Nhờ vị trí địa lý kinh tế khá thuận lợi, toàn huyện có quốc lộ 1A đi xuyên qua chiều dài của huyện, nằm cặp bờ sông Tiền; cửa ngõ của Tiền Giang với TP. HCM nên những năm gầy đây, kinh tế của huyện Châu Thành phát triển khá nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và thương mại - dịch vụ.
Theo định hướng phát triển của tỉnh, Châu Thành thuộc vùng trung tâm phát huy vai trò là hạt nhân, giao lưu trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ các vùng trong tỉnh; tập trung ưu tiên và liên kết vùng để nâng cao hiệu quả trên các lĩnh vực phát triển đô thị, khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch đa dạng.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển cũng như phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương, tại buổi làm việc với huyện Châu Thành mới đây, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Huyện Châu Thành cần tạo đột phá về hạ tầng giao thông, khi giao thông hình thành thì thương mại - dịch vụ và đô thị sẽ phát triển. Để làm được điều này phải tính toán nguồn vốn, lãnh đạo UBND huyện cùng lãnh đạo các ngành liên quan tính toán cân đối nguồn vốn để đấu nối các trục giao thông chính trên địa bàn huyện, trong đó lưu ý nghiên cứu đầu tư đường vành đai 2 bên bờ Kinh Xáng, mở đường đấu nối Khu công nghiệp Tân Hương và Khu công nghiệp Long Giang... Bên cạnh đó, huyện cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Mục tiêu cụ thể

Với những nền tảng đã có, Châu Thành đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế theo giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010), nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng bình quân 10% - 11%. Đến năm 2025 diện tích gieo trồng cây lương thực là 8.600 ha, sản lượng 50.780 tấn… Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đến năm 2025 là 50.600 tỷ đồng.

Trong nhiệm kỳ, Châu Thành thu ngân sách từ kinh tế địa phương 1.000 tỷ đồng; đầu tư công từ ngân sách huyện 500 tỷ đồng; phát triển mới 410 doanh nghiệp. Phấn đấu trong nhiệm kỳ xây dựng từ 1 - 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu và 100% xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020, đến năm 2023 xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.

Ông Huỳnh Văn Bé Hai cho biết: UBND huyện đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong nhiệm kỳ tới. Cụ thể là địa phương thuộc vùng Trung tâm của tỉnh, để đạt được tốc độ đô thị hóa 19,8% đến năm 2025, huyện cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị và gắn kết phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển. Đặc biệt, huyện xây dựng thị trấn Tân Hiệp đạt đô thị loại IV, xã Vĩnh Kim và xã Long Định đạt đô thị loại V; đồng thời, lập Đề án Thành lập thị trấn Vĩnh Kim sau khi xã Vĩnh Kim được công nhận là đô thị loại V.

Cùng với đó, huyện tiếp tục phát huy hiệu quả Khu công nghiệp Tân Hương, Cụm công nghiệp Song Thuận, triển khai đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Lý Đông... Đồng thời, huyện kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của huyện…
Huyện sẽ tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi dựa vào thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch. Đồng thời, xây dựng mô hình Cánh đồng lớn, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích thu hút đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã về sản xuất nông nghiệp nhằm tạo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng…” ông Huỳnh Văn Bé Hai chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang và những điểm sáng trong đầu tư

    Tiền Giang và những điểm sáng trong đầu tư

    13:46, 05/08/2020

  • Tiền Giang: “Hoá giải” môi trường đầu tư kinh doanh

    Tiền Giang: “Hoá giải” môi trường đầu tư kinh doanh

    11:21, 03/08/2020

  • Hiệp hội doanh nghiệp Tiền Giang: Gắn kết hội viên theo chiều sâu

    Hiệp hội doanh nghiệp Tiền Giang: Gắn kết hội viên theo chiều sâu

    16:30, 31/07/2020

  • OCOP- Nền tảng phát triển kinh tế nông thôn Tiền Giang

    OCOP- Nền tảng phát triển kinh tế nông thôn Tiền Giang

    13:38, 29/07/2020

LÊ TRANG