Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang đã tổng hợp và chuyển kiến nghị của 10 doanh nghiệp, Hội, Chi hội đến UBND các huyện xem xét, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc.
Không chỉ thực hiện vai trò là cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc tập hợp phản ánh, kiến nghị, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang còn chủ động xây dựng các chương trình đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với vai trò là cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID- 19 ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang đã tích cực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, Hiệp hội đã tổng hợp và chuyển kiến nghị của 10 doanh nghiệp, Hội, Chi hội đến UBND các huyện xem xét, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, Hiệp hội thường xuyên thăm và làm việc với các doanh nghiệp hội viên nắm bắt hình hình sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có hướng tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguyên liệu, chi phí duy trì hoạt động doanh nghiệp, nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất, nguồn nhân lực, ứng phó với hạn mặn.
Theo ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tiền Giang: Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền địa phương trong thời gian vừa qua hầu hết đã được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan giải quyết triệt để. Đối với các vấn đề ngoài thẩm quyền địa phương, UBND tỉnh đã có công văn gửi các cơ quan Trung ương như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Cục Thuế… để có cơ sở phản phản hồi và xử lý cho doanh nghiệp.
Các Hội, Chi hội, doanh nghiệp hội viện đã lập các cây ATM gạo để phát gạo miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch COVID-19 như: huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, HTX Rạch Gầm.
Đáng chú ý, trong những cuộc đối thoại gần đây, các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp đã giảm dần. Vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp ở quy mô cấp huyện hoặc theo từng cụm (2 - 3 huyện), theo ngành nghề như: Giao thông vận tải, nông nghiệp hay sản xuất công nghiệp…
“Việc gặp gỡ không phải chỉ để đối thoại hay giải quyết các vấn đề “nóng”, mà nhằm giúp chính quyền lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội của tỉnh.”- ông Liêm chia sẻ.
Cùng với các hoạt động hỗ trợ hội viên, từ đầu năm 2020 đến nay Hiệp hội đã tổ chức kết nạp 23 hội viên mới nâng tổng số hội viên lên 741. Đến thời điểm hiện tại, đã có có 03 Chi hội doanh nghiệp chuyển thành Hội doanh nghiệp là huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và thị xã Cai Lậy. Dự kiến Chi hội huyện Chợ Gạo, thị xã Gò Công sẽ tiến hành chuyển đổi tiếp theo. Các Chi hội còn lại sẽ tổ chức đại hội trong năm 2020.
Hiệp hội đã chủ động cung cấp thông tin chính sách pháp luật, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh ảnh kịp thời cho các Hội, Chi hội giới thiệu các doanh nghiệp hội viên tham gia chương trình xúc tiến thương mại. Trong đó có việc triển khai Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, đề nghị các Hội, Chi hội triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản có liên quan.
Hiệp hội cũng đã trả lời công văn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc phản ảnh cá mâu thuẫn, chồng chéo vướng mắc trong quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hội viên, mời hội viên tham gia phối hợp khảo sát, đánh giá việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19.
Đặc biệt, Hiệp hội đã ký chương trình hợp tác với Hiệp Hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam- Hàn Quốc, qua đó tạo cầu nối để các doanh nghiệp hội viên có nhu cầu, mong muốn hợp tác với đối tác Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh để trạo đổi các hoạt động hợp tác thời gian tới, trong đó có việc tổ chức Hội chợ “Triển lãm quốc tế nông nghiệp Việt Nam”.
“Hiệu quả hoạt động của Hội trong thời gian vừa qua ngoài nỗ lực của Ban chấp hành, sự tham gia tích cực của các hội viên có sự đồng hành sát sao của các cấp chính quyền.”- ông Liêm nhận định.
Hiện tại tỉnh Tiền Giang có hơn Hơn 5.600 doanh nghiệp đang hoạt động. Với dân số và quy mô nền kinh tế của tỉnh, số lượng doanh nghiệp phát triển vượt trội thời gian vừa qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên, hầu hết vẫn là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm tỷ trọng không đáng kể. Chính vì vậy vai trò của Hiệp hội là phải cùng với chính quyền địa phương xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển hội viên, Hiệp hội sẽ tăng cường vận động hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Theo ông Liêm: Cùng với các hoạt động đối thoại, gặp gỡ tiếp xúc doanh nghiệp, trong thời gian tới Hiệp hội sẽ triển khai các khoá đào tạo phù hợp với từng đối tượng cụ thể, thiết thực cho doanh nghiệp như: ứng dụng công nghệ thông tin, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Trước mắt là hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên thực hiện chuyển đổi sang hoá đơn điện tử trước ngày 31/12/2020. Chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu các văn bản pháp quy, nội dung và phương thức hoạt động phát triển kinh tế đêm của tỉnh.
“Chúng tôi cũng sẽ chủ động tham gia với chính quyền địa phương thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải thiện chất lượng, hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh. Thực hiện tổ chức chương trình “Cà phê doanh nghiệp”. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chúng tội sẽ tăng cường vận động doanh nghiệp hội viên liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa, sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau.”- ông Liêm chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm