“Bệ đỡ” kinh tế Tiền Giang
Xây dựng nông thôn mới (NTM) góp phần hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững.
Đây chính là bệ đỡ cho kinh tế Tiền Giang trong bối cảnh dịch COVID- 19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Mới đây, Hội đồng Thẩm định Trung ương tổ chức họp xét, công nhận huyện Chợ Gạo đạt chuẩn NTM năm 2020 và thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.
Về đích sớm
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh về xây dựng NTM, có được kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của các ngành, các cấp, nguồn lực từ ngân sách được bố trí rất sớm so với các năm trước nên tạo thuận lợi cho các xã có điều kiện về đích NTM sớm trong năm nay.
UBND tỉnh cũng đã quan tâm, bố trí một phần kinh phí để hỗ trợ các xã thuộc kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2020 để các xã này chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ. Một điểm nữa là, vướng mắc liên tục trong những năm qua liên quan việc thỏa thuận nguồn vốn tạm ứng cho các dự án đầu tư, nâng cấp lưới điện trung, hạ thế cho các xã cũng đã được khắc phục, trong khi các năm trước đây thì đến khoảng giữa năm kế hoạch mới có được kết quả thỏa thuận với Tổng Công ty Điện lực Miền Nam.
Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang đã vượt mục tiêu 50% số xã NTM theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020 với 104 xã đã ra mắt NTM đạt 73%. Chính phủ đã công nhận thành phố Mỹ Tho hoàn thành NTM và huyện Gò Công Đông đạt chuẩn NTM. Từ nay đến cuối năm 2020, tỉnh Tiền Giang phấn đấu đạt 119 xã NTM và 4 huyện thành phố thị xã hoàn thành mục tiêu và đạt chuẩn NTM.
Phát triển nông thôn bền vững
Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2020, đã đề ra mục tiêu năm 2020, Tiền Giang có 02 huyện đạt chuẩn huyện NTM và 02 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2020, ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Tỉnh Tiền Giang sẽ triển khai nhiều giải pháp tổng hợp liên quan trách nhiệm các ngành, các cấp. Trong đó, trách nhiệm của các ngành sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách cho việc thực hiện Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ các địa phương theo kế hoạch, lộ trình đề ra, chủ động rà soát để điều chỉnh, bổ sung các hướng dẫn thực hiện cũng như đánh giá mức độ đạt các chỉ tiêu, tiêu chí theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Xây dựng NTM mới là nhiệm vụ toàn diện, lâu dài, thường xuyên và liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững. Đây là thành công nổi bật của tỉnh Tiền Giang trong 5 năm qua. “Nông nghiệp, nông thôn là bệ đỡ của kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm của các loại cây trồng chủ lực gắn với phát triển vùng trồng; đồng thời đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, chú trọng phát triển du lịch gắn với trang trại nông nghiệp sẵn có tại địa phương, qua đó nâng cao thu nhập của người dân”, ông Lê Văn Hưởng nhấn mạnh.
Đạt chuẩn nông thôn mới
Theo báo cáo thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế, huyện Chợ Gạo đã có 18/18 xã đạt chuẩn NTM và đạt 9/9 tiêu chí của huyện NTM. Cụ thể, toàn huyện có 24 tuyến đường huyện dài 135 km, đã được nhựa hóa 100%; hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân sử dụng điện thường xuyên an toàn; Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn hạng III, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện được đầu tư xây dựng đạt chỉ tiêu quy định; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hoàn thành giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định; 100% cơ sở nuôi trồng thủy sản và cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng đã có hồ sơ môi trường theo quy định.
Trong khi thị xã Cai Lậy đến nay đã có 10/10 xã đạt chuẩn NTM. Theo đó, 100% đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 23/29 trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thị xã đến tháng 6/2020 là 52,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của các xã giảm còn 1,41%. 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có đầy đủ hồ sơ thủ tục môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; 100% người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 94,51% số hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn…
Trước đó, thành phố Mỹ Tho hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM 2019, thị xã Gò Công hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM 2020 và huyện Gò Công Đông đạt chuẩn NTM.
Có thể bạn quan tâm