Tiền Giang chủ động ứng phó hạn, mặn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Tiền Giang đã đẩy mạnh công tác chống hạn mặn, đặc biệt là chuyển đổi cây trồng vật nuôi.
Trong chuyến đi khảo sát mô hình nông nghiệp “trái mùa nghịch vụ” ứng phó hạn, mặn tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trồng sầu riêng của địa phương.
Ông Mai Văn Âu, nông dân ấp Hiệp Thạnh chia sẻ: “Cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi 1 ha thu hoạch khoảng 20- 25 tấn sầu riêng, với giá khoảng 60-70 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lãi khoảng 1,1 tỷ đồng”.
Ông Mai Văn Âu, nông dân ấp Hiệp Thạnh chia sẻ: “Cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi 1 ha thu hoạch khoảng 20- 25 tấn sầu riêng, với giá khoảng 60-70 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lãi khoảng 1,1 tỷ đồng”.
Sáng tạo, hiệu quả
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của hạn, mặn, ảnh hưởng lớn đến cây sầu riêng, ông Mai Văn Âu kiến nghị Nhà nước làm cửa ngăn mặn cho một số tỉnh ĐBSCL, hỗ trợ kinh phí cho huyện Cai Lậy làm kênh nội đồng để tăng lượng trữ nước ngọt, có cơ chế hỗ trợ người dân phục hồi vườn cây suy kiệt. Ông mong muốn các cơ quan chức năng cử cán bộ xuống giúp nông dân sản xuất sầu riêng theo quy trình VietGap, có thương hiệu, xuất xứ để đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Từ thành công của hộ nông dân Mai Văn Âu, Thủ tướng Chính phủ gợi mở nên chuyển giao kinh nghiệm cho nhiều hộ khác.
Về lâu dài, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh sắp tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng thì việc tích nước ngọt cũng rất quan trọng. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xâm nhập mặn cũng như đầu tư chế biến sâu.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Tiền Giang đã đẩy mạnh công tác chống hạn mặn, đặc biệt là chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Đây là cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt, Tiền Giang có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước. Chính vì vậy, Bộ sẽ bàn với tỉnh Tiền Giang để đưa nơi đây trở thành vùng sản xuất sầu riêng lớn nhất Việt Nam và trong năm tới sẽ tổ chức hội thi sầu riêng ở đây, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu sầu riêng Cai Lậy.
Thích ứng mới
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 80 ngàn ha cây ăn trái, giá trị sản lượng ước khoảng 25 ngàn tỷ đồng (ước tính theo giá hiện hành). Trước diễn biến hạn mặn phức tạp, kéo dài, Tỉnh đã có nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, kịp thời nên đã phần nào hạn chế được thiệt hại. Chẳng hạn như: Kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, mặn trên sông và thông tin rộng rãi để các địa phương ứng phó kịp thời; Tận dụng các ô bao ngăn lũ và triều cường của các địa phương để ngăn mặn, trữ ngọt; Đóng các cống, đắp các đập thép trên đường tỉnh 864 để ngăn không cho mặn xâm nhập từ sông Tiền vào nội đồng. Tổng kinh phí phòng chống hạn, mặn vừa qua là gần 388 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc với các địa phương ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện dự án "Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải" phục vụ 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, tích hợp vào các quy hoạch liên quan đang được triển khai thực hiện; đồng thời cho Tiền Giang đầu tư cống điều tiết trên sông Hàm Luông của tỉnh Bến Tre và sông Vàm Cỏ của tỉnh Long An để chủ động ngăn mặn trữ ngọt nhằm bảo vệ sản xuất và đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre, tỉnh Long An và ngăn mặn xâm nhập qua tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị cho tỉnh đầu tư các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 cùng với công trình trữ nước trên kênh Nguyễn Tấn Thành đang được Bộ NN&PTNT nghiên cứu đầu tư sẽ góp phần ngăn mặn, giữ ngọt cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười là Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp.
Thích ứng mới
Liên quan đến ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2020. Trong đó, lưu ý các vấn đề mới của thời đại nhưng đồng thời nghiêm túc kế thừa nhiều nghiên cứu rất sâu sắc về ĐBSCL trước đây, từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Tiền Giang trong thời gian vừa qua, Thủ tướng cho rằng: Phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính”. Mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, “tự lo cho mình trước”. Nhà nước tập trung chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn.
Thủ tướng nhắc nhở các địa phương tập trung rà soát lại phương án sản xuất nông nghiệp, trong đó cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; chủ động kiểm soát mặn, trữ nước ngọt. Đồng thời, Thủ tướng nhất trí việc ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để đầu tư công trình thủy lợi nhằm chủ động thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn.
Có thể bạn quan tâm
Cải cách thủ tục hành chính tại Tiền Giang: Đồng bộ nhiều giải pháp
06:38, 02/09/2020
Tiền Giang: Đồng bộ các giải pháp trong xây dựng chính quyền điện tử
06:00, 25/08/2020
Tiền Giang và những điểm sáng trong đầu tư
13:46, 05/08/2020
Tiền Giang tìm giải pháp khôi phục, thúc đẩy sản xuất sau hạn mặn
04:36, 06/07/2020