Cải cách thủ tục hành chính tại Tiền Giang: Đồng bộ nhiều giải pháp

Lê Trang 02/09/2020 06:38

Xác định sự cần thiết của việc xây dựng, phát triển quyền điện tử, gắn với cải cách hành chính, các cấp, các ngành tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong những năm qua, xác định tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, Tiền Giang đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ này và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Người dân nộp hồ sơ làm thủ tục tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang.

Người dân được hướng dẫn khi đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang.

Đảm bảo nguồn nhân lực xây dựng chính quyền điện tử

Để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, nguồn nhân lực chính là điểm mấu chốt. Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang, để bảo đảm nguồn lực xây dựng chính quyền điện tử, trong giai đoạn từ 2019 - 2025, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức, viên chức về chính quyền điện tử, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Bên cạnh việc quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một điểm nổi bật nữa ở Tiền Giang là từ năm 2017 đến nay, tỉnh thường xuyên tổ chức chuyên đề thi đua “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan Nhà nước” với các  tiêu chí rất cụ thể, phù hợp với từng nhóm đơn vị

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, với mong muốn tạo sự lan tỏa, quan tâm tìm hiểu về chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải các hành chính, tỉnh cũng đang tổ chức cuộc thi tìm hiểu về chính quyền điện tử, chính quyền số trên môi trường mạng. Đến thời điểm giữa tháng 7/2020 đã có khoảng 20.000 tài khoản người dùng vào thi trên cổng trực tuyến của tỉnh. Thông qua việc tham dự cuộc thi, người dân có cơ hội tìm hiểu và nắm rõ về các bộ thủ tục hành chính, cách nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu, tương tác trực tuyến với chính quyền. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ nắm rõ hơn các thủ tục, quy trình thực hiện để phục vụ người dân tốt hơn. 

Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, Tiền Giang cũng là một trong những địa phương rất chú trọng thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển ngành công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới cũng như toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Một trong những điểm nhấn về phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin là Đề án Công viên phần mềm Mekong đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, có địa điểm triển khai xây dựng tại ấp Phong Thuận, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho trên cơ sở hạ tầng có sẵn của trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin III (cũ) do Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của Đề án Công viên phần mềm Mekong là cung cấp hạ tầng cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, nhất là công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tại tỉnh Tiền Giang và Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; cung cấp hạ tầng kỹ thuật, giải pháp cho triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh của tỉnh Tiền Giang; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tạo môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ông Dương Văn Thái, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển hạ tầng Công viên phần mềm Mekong cho biết thêm, đơn vị đang hoàn tất các thủ tục để gia nhập chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung - công viên phần mềm đầu tiên và lớn nhất Việt Nam ở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, để thực hiện hiệu quả hơn việc liên kết chuỗi, thu hút và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chính quyền và người dân tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang đột phá cải cách thủ tục hành chính

    Tiền Giang đột phá cải cách thủ tục hành chính

    15:52, 28/08/2020

  • Tiền Giang: Đồng bộ các giải pháp trong xây dựng chính quyền điện tử

    Tiền Giang: Đồng bộ các giải pháp trong xây dựng chính quyền điện tử

    06:00, 25/08/2020

  • Tiền Giang tiếp sức nhà đầu tư

    Tiền Giang tiếp sức nhà đầu tư

    13:54, 21/08/2020

  • Châu Thành (Tiền Giang) phát triển đồng bộ hạ tầng

    Châu Thành (Tiền Giang) phát triển đồng bộ hạ tầng

    15:21, 12/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cải cách thủ tục hành chính tại Tiền Giang: Đồng bộ nhiều giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO