Phát triển thành phố Thanh Hóa xứng tầm là một mệnh lệnh
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.Thanh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đưa ra yêu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Yêu cầu đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, những định hướng đúng đắn để đưa TP. Thanh Hóa phát triển khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ của một tỉnh có quy mô nền kinh tế thuộc nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước.
“Địa” chiến lược quan trọng
Thành phố Thanh Hóa có vị trí đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ; giữ vai trò, vị trí trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật và quốc phòng – an ninh của tỉnh; cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với Bắc Trung Bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước. Cùng với Vinh và Huế, thành phố Thanh Hóa là một trong ba đô thị lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ và là một trong những thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích và dân số lớn nhất cả nước.
Là nơi hội tụ những giá trị truyền thống tốt đẹp, tinh thần dân tộc và ý chí cách mạng của người Thanh Hóa; với bề dày 216 năm xây dựng và phát triển Đô thị tỉnh lỵ (1804 – 2020), với 75 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ thành phố Thanh Hóa (15/11/1945 – 15/11/2020)... Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân thành phố Thanh Hóa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò của thành phố Thanh Hóa trong chiến lược phát triển chung của toàn tỉnh; hiểu thật sâu sắc, nhận thức thật đúng đắn về truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của Thành phố. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền về sự bứt phá đi lên mạnh mẽ về những thành tựu to lớn và toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và thành phố Thanh Hóa đạt được trong những năm qua. Từ đó, biến niềm tự hào thành sức mạnh của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân, quyết tâm xây dựng thành phố Thanh Hóa ngày càng văn minh, hiện đại, giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Theo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Thanh Hóa cuối tháng 9/2020 mới đây đã chỉ rõ. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ tỉnh ta có được tiềm lực và vị thế như ngày nay. Đặc biệt, việc Thanh Hóa được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ tạo động lực mạnh mẽ cả về nguồn lực vật chất và tinh thần, mở ra thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt để tỉnh ta tiếp tục cất cánh, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của tổ quốc. Đây là cơ hội, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thành phố Thanh Hóa trong thời gian tới.
Nhận thức rõ những thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn trong giai đoạn tới. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng định hướng phát triển của tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định phải tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo để giữ vững và phát huy mạnh mẽ những thành tựu đã đạt được, tạo đà, tạo thế cho sự phát triển đi lên của tỉnh trong giai đoạn tới.
Trước mắt, mục tiêu trong năm 2021 là phải cơ bản hoàn chỉnh các thể chế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra; xuyên suốt cả nhiệm kỳ phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, các cơ chế, chính sách đã ban hành, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Để góp phần đạt được mục tiêu ấy, với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của mình, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025 ở mức cao hơn, nhanh hơn các địa phương khác trong tỉnh. Muốn vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải thấm nhuần và triển khai thực hiện thật tốt phương châm “Quy hoạch tốt – Dự án lớn – Lãnh đạo năng động”. Có như vậy thì mọi khó khăn, thách thức, những việc lớn, việc khó ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển thành phố sẽ được giải quyết hiệu quả.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Trên tinh thần ấy, để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Trong thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy thành phố Thanh Hóa cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Mộtlà: Tập trung rà soát lại toàn bộ các công việc đã triển khai, thực hiện từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đến nay. Trước mắt, cần cập nhật, bổ sung các nội dung mới về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị và Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, để hoàn thiện chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI theo hướng cụ thể hơn, rõ ràng hơn; trong đó phải làm rõ nội dung từng việc, dự kiến nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đồng thời xác định thời gian và dự kiến kết quả theo tiến độ.
Đối với 3 chương trình trọng tâm và 2 khâu đột phá của nhiệm kỳ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó những chương trình trọng tâm, khâu đột phá có nhiều nội dung lớn, phải xây dựng kế hoạch thực hiện trên từng nội dung, lĩnh vực cụ thể; đồng thời phân công, phân nhiệm cho từng đồng chí lãnh đạo, từng ban, phòng để tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất...
Hai là: Tập trung hoàn chỉnh và thực hiện tốt công tác quy hoạch ở tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Yêu cầu khẩn trương làm tốt công tác quy hoạch mở rộng thành phố, kết nối với các vùng phụ cận và các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đối với các quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đã được cấp có thẩm quyền phế duyệt, cần tổ chức quản lý quy hoạch thật tốt và tập trung kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, dịch vụ, thương mại,... Đối với các quy hoạch chi tiết 1/500 ở các khu đô thị thì khẩn trương giao nhà đầu tư triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý chặt chẽ, kiên quyết không để phá vỡ quy hoạch. Phối hợp với các ban, sở, ngành chức năng, các đơn vị liên quan nghiên cứu thiết kế không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị các khu đô thị lớn, các tuyến đường quan trọng; cải tạo, chỉnh trang các quảng trường, các khu công viên, khuân viên; cải tạo, quản lý hệ thống cây xanh đô thị gắn với chỉnh trang hè phố; đồng thời tập trung lập các quy hoạch chuyên ngành vê sản xuất, hạ tầng đô thị, văn hóa - xã hội; lập hồ sơ quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị,...
Ba là: Đa dạng hóa và huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, ngoài nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất, để có nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường đấu mối với các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ ODA để huy động vốn đầu tư phát triển. Tích cực, chủ động hơn nữa trong kêu gọi, xúc tiến đầu tư để ngày càng có nhiều dự án đầu tư vào địa bàn. Trong tương lai, cần phải tính toán cân đối việc khai thác nguồn lực từ quỹ đất theo hướng giảm dần nguồn lực từ khai thác quỹ đất, tăng nguồn lực từ sản xuất kinh doanh và từ thu hút đầu tư.
Bốn là: Tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, phát huy tối đa năng lực sản xuất của các ngành, lĩnh vực và các thành phần kinh tế. Trước mắt, cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có trên địa bàn để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; đồng thời tiếp tục quan tâm phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, trong đó cần có chiến lược và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ để phát triển một số doanh nghiệp lớn, tạo ra sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh cao... Bên cạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, bền vững và hiệu quả cao. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp sạch, có hàm lượng công nghệ, khoa học – kỹ thuật cao, không ô nhiễm môi trường; phát triển các ngành nghề truyền thống; nghiên cứu đầu tư phát triển sản xuất một số sản phẩm mang thương hiệu của thành phố.
Đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại, ưu tiên phát triển một số loại hình dịch vụ có thế mạnh, như : Tài chính – ngân hàng, giáo dục, y tế, khoa học – công nghệ, thông tin – truyền thông, kinh doanh bất động sản, vận tải, logistic... Đồng thời nghiên cứu kết nối với hoạt động dịch vụ - thương mại của thành phố Sầm Sơn để tạo thành trung tâm động lực phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là các ngành dịch vụ chất lượng cao. Phấn đấu xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành trung tâm dịch vụ - thương mại hàng đầu của khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tiến tới hàng đầu của cả nước.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ công tác chuẩn bị đầu tư, tham gia thẩm tra, thẩm định đến giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án lớn của tỉnh trên địa bàn. Thành phố sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, tìm các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư lớn, các dự án chậm tiến độ; nghiên cứu đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư và cơ chế để giải quyết các “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai các dự án là nguyên nhân dẫn đến phát sinh các vụ việc khiếu kiện của người dân.
Năm là: Thường xuyên chăm lo nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa – xã hội đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa các mặt hoạt động. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”, trọng tâm là “Người dân thành phố nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”. Tuyên truyền vận động nhân dân cùng chung sức xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng khu phố kiểu mẫu, đô thị văn minh, hiện đại. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cốt cách, hình ảnh công dân thành phố đẹp, thanh lịch, văn minh, lịch sự, có văn hóa, xứng đáng là công dân của một đô thị tỉnh lỵ, xứng đáng với vai trò là “bộ mặt” của cả tỉnh – nơi chứa đựng những giá trị tinh túy nhất của đất và người xứ Thanh.
Đi đôi với việc chủ động, sáng tạo triển khai các chủ trương, biện pháp, phương án giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay tại địa bàn dân cư; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm phát luật, đẩy lùi các tệ nạn, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra,...
Với tinh thần đó, Đảng bộ thành phố sẽ tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng Đảng, khẩn trương xây dựng Quy chế làm việc và Chương trình công tác toàn khóa của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới... Tiếp tục giữ vững và nâng cao sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ trên cơ sở các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vì sự phát triển chung của thành phố. Đưa thành phố Thanh Hóa phát triển xứng tầm là một mệnh lệnh nhằm khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ của một tỉnh có quy mô nền kinh tế thuộc nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước.
Có thể bạn quan tâm