Hải Phòng: Đồng ý chủ trương xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố

MINH HẢI 30/11/2020 15:07

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa đồng ý chủ trương xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố.

Để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng nói chung và huyện Thủy Nguyên nói riêng, trước đó tại báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2020-2025, ông Lê Văn Thành Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã trình bày về việc bố trí nguồn lực để đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm.

Ông Thành khẳng định, Hải Phòng sẽ bố trí nguồn lực để đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm, nhất là các khu đô thị dọc theo bờ các con sông chảy qua nội thành như sông Tam Bạc, sông Cấm, sông Hạ Lý... tạo thành các cảnh quan, công trình công cộng phúc lợi xã hội.

Vừa qua Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa đồng ý chủ trương xây dựng thành phố thuộc Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên như đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND TP Hải Phòng.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo việc xây dựng Đề án đúng theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố theo Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

Cầu Hoàng Văn Thụ kết nối huyện Thủy Nguyên với quận Hồng Bàng

Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố về việc xin chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên đã nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Thủy Nguyên được xác định là một trong ba hướng đột phá về không gian đô thị của thành phố Hải Phòng, là Trung tâm hành chính, chính trị thành phố, Trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị.

Theo quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025 đô thị thành phố phát triển về phía Bắc (huyện Thủy Nguyên) để hình thành đô thị mới Bắc sông Cấm, đô thị mới Bến Rừng, hai đô thị vệ tinh là thị trấn Minh Đức và thị trấn Núi Đèo, 2 xã được nâng cấp đô thị loại 5 là Lưu Kiếm và Quảng Thanh...

Tại Kết luận số 101-KL/TU ngày 24/6/2020 Hội nghị Thành ủy lần thứ 26, khóa XV về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND thành phố khóa XV, kỳ họp thứ 14 về việc thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: “Phía Bắc (huyện Thủy Nguyên): là trung tâm hành chính, chính trị thành phố Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch giải trí, y tế, giáo dục vùng duyên hải ven biển Bắc Bộ; xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố”.

Tuy nhiên, huyện Thủy Nguyên hiện là đơn vị hành chính nông thôn, mô hình quản lý chính quyền nông thôn hiện không còn phù hợp và không đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên để thiết lập chính quyền đô thị sẽ tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện Thủy Nguyên, đúng với tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/11/2019 của Chính phủ và Chương trình hành động số 76- CTr/TU ngày 8/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Một góc đô thị huyện Thủy Nguyên

Một góc đô thị huyện Thủy Nguyên

Thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủỵ Nguyên phù hợp với các quy định hiện hành, hoàn toàn tương xứng với vị thế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phù hợp với xu thế phát triển của huyện Thủy Nguyên; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, mặt khác sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng nói chung và huyện Thủy Nguyên nói riêng. Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên là yêu cầu khách quan và cấp thiết.

Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên trên cơ sở nguyên trạng 261,86 km2 diện tích tự nhiên, dân số 333.900 người và 37 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn.

Sau khi thành lập thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện; số đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm. Khắc phục việc một số xã không đáp ứng tiêu chuẩn nâng cấp thành phường; thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có cả xã và phường.

Thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên sẽ tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên địa bàn; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thủy Nguyên nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.

Quy hoạch huyện Thủy Nguyên trở thành trung tâm hành chính của TP Hải Phòng

Quy hoạch huyện Thủy Nguyên trở thành trung tâm hành chính của TP Hải Phòng

5 năm qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thủy Nguyên luôn vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra và duy trì ở mức cao. Nhiều dự án quan trong được triển khai như: Dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm . Giai đoạn 1 xây cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm, nối phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên), chiều dài hơn 1,1km, với tổng mức  đầu tư khoảng 2.176 tỷ đồng. Giai đoạn 2 là xây dựng tả đê sông Cấm, hệ thống giao thông chính và hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; Dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng. Hiện nay, Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ VSIP Hải Phòng hiện đã thu hút được 35 nhà đầu tư thứ cấp với tổng mức đầu tư trên 1,6 tỷ đô la Mỹ. Các dự án đã thu hút, tạo công ăn việc làm cho khoảng 22.000 lao động, trong đó 80% lao động thuộc huyện Thuỷ Nguyên; Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường Máng nước từ chân cầu Bính nối với đường 359 tại thị trấn Núi Đèo làDự án có tổng mức đầu tư 420 tỷ đồng với tổng diện tích thu hồi13,58ha của khoảng 300 hộ dân tại thị trấn Núi Đèo và các xã: Thủy Đường, Thủy Sơn, Tân Dương, Dương Quan; Dự án Đầu tư xây dựng Khu liên hợp và xử lý chất thải rắn Gia Minh thuộc Dự án Thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư khoảng 983,3 tỷ đồngvà tổng diện tích thu hồi là 58,4ha của 514 hộ dân xã Gia Minh; Dự án Đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và tuyến đường hai đầu cầu, cải tạo mở rộng đường tỉnh 352; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính Khu đô thị và công nghiệp Bến Rừng là Dự án có tổng mức đầu tư 992 tỷ đồng; Dự án Khu vui chơi, giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yênlà Dự án trọng điểm của thành phố với tổng mức đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng (tương đương 01 tỷ đô la); Dự án xây dựng nút giao Nam cầu Bính; Dự án đường tỉnh 359 đoạn từ cầu Bính đến xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên; Dự án tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, huyện Thủy Nguyên.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Phát triển đô thị phải là một trong những bước đột phá

    Hải Phòng: Phát triển đô thị phải là một trong những bước đột phá

    15:35, 28/11/2020

  • Hải Phòng: Chậm tiến độ xây dựng nhà ở cho công nhân

    Hải Phòng: Chậm tiến độ xây dựng nhà ở cho công nhân

    09:43, 27/11/2020

  • Hải Phòng: Đồng ý Quy hoạch chi tiết 1/500 DA xây dựng TTTM chợ Sắt

    Hải Phòng: Đồng ý Quy hoạch chi tiết 1/500 DA xây dựng TTTM chợ Sắt

    08:09, 27/11/2020

  • Hải Phòng mạnh tay với đất

    Hải Phòng mạnh tay với đất "treo"

    11:01, 25/11/2020

MINH HẢI