Bến Tre: Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với khoa học công nghệ

THÙY LINH 25/12/2020 01:10

Một chiến lược thương hiệu đúng đắn là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước, khẳng định vị thế doanh nghiệp trên thị trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn tham quan gian hàng tại Diễn đàn Mekong connect 2020.

Chia sẻ về bức tranh xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại tỉnh Bến Tre, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, Bến Tre hiện đang trong quá trình hội nhập và phát triển, Tỉnh ủy đã thông qua một số chương trình để định hướng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 03 về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực. 5 năm qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung phát triển chuỗi cây dừa, bưởi, con tôm, nghêu, bò, heo,…

Để phát triển các chuỗi giá trị, Bến Tre đặc biệt chú trọng việc áp dụng khoa học công nghệ vào nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản, nâng cao giá trị để sản phẩm tạo ra đi kèm với giá trị mang lại. Tỉnh Bến Tre cũng đã cho ra đời Không gian đổi mới sáng tạo (Mekong Innovtion Hub) nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tinh thần kinh doanh khởi nghiệp.

Hiện tỉnh đang kết nối tham gia chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung để nâng cao hơn nữa nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và cho ra đời Nghị quyết Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, các giải pháp phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản cần chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp, phát triển thương hiệu cần gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể và người dân để tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất mới có thể nâng cao giá trị, góp phần phát triển các sản phẩm địa phương, từ đó, tạo ra sự liên kết, tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới…

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: Thương hiệu là thứ tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, của địa phương và cao hơn nữa là của quốc gia. Mục đích của việc xây dựng thương hiệu không chỉ để đề phòng bị đánh cắp mà còn bảo vệ doanh nghiệp không bị kiện ngược khi gia nhập vào sân chơi toàn cầu. Do vậy, doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm hiểu, bắt kịp những xu hướng phát triển khoa học công nghệ, nhanh chóng thực hiện các hoạt động bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp trong từng khâu của chuỗi giá trị nông sản để cải tiến kỹ thuật, đầu tư sâu rộng… thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

Sản xuất cơm dừa nạo sấy tại Công ty xuất nhập khẩu Bến Tre

Sản xuất cơm dừa nạo sấy tại Công ty xuất nhập khẩu Bến Tre

Theo ông Trần Giang Khuê – Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, sở hữu trí tuệ là cách hữu hiệu tạo ra hình ảnh, giá trị, uy tín, giá trị sử dụng, giá trị gia tăng cho hàng hóa, sản phẩm. Đó là con đường tạo ra thương hiệu. Gốc rễ của xây dựng và phát triển thương hiệu chính là việc đảm bảo giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Điều này, không ai có thể làm thay cho doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp phải duy trì được danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm đặc sản địa phương, nhất là các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận…

Cùng quan điểm đó, bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long cho rằng, khi xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp không chỉ tạo ra nhiều lợi thế về thị trường, mà còn tạo ra lợi thế về phân phối sản phẩm, phát triển kinh doanh, giá trị khối tài sản vô hình… Các doanh nghiệp cần hình thành những lĩnh vực, nhóm sản phẩm chủ lực mang thương hiệu của tỉnh để đăng ký ra nước ngoài. Các doanh nghiệp sẽ sử dụng thương hiệu này với tên riêng của công ty để đưa sản phẩm đặc sản của tỉnh ra thị trường quốc tế ngày một tốt hơn.

Theo ông Trần Giang Khuê, với điều kiện tự nhiên ưu đãi, vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa gạo, trái cây, thủy hải sản của cả nước mà còn nổi tiếng với nhiều đặc sản địa phương có uy tín, danh tiếng và chất lượng cao, đặc thù. Trong đó, có bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, sầu riêng Cái Mơn, xoài cát Hòa Lộc (Bến Tre)…

Tuy nhiên, cũng có nhiều đặc sản nổi tiếng của vùng đang bị mai một, vì thế, các nhà sản xuất, kinh doanh phải duy trì được danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm đặc sản địa phương. Việc liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối, tiêu thụ chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cũng phải tính đến cả xuất khẩu để đặc sản để phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu mạnh của doanh nghiệp, địa phương, vùng miền và quốc gia.

Các doanh nghiệp cần đồng lòng, chung sức, tích cực tham gia vào các hoạt động của các hội, hiệp hội, làng nghề để cùng nhau xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho các đặc sản truyền thống của địa phương. Tránh trường hợp mạnh ai người ấy làm như lâu nay, dẫn đến tự cạnh tranh lẫn nhau, làm mai một danh tiếng, uy tín của đặc sản. Chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước ở địa phương để tiến hành quản lý tốt các quyền sở hữu trí tuệ sau khi đăng ký và cần xử lý nghiêm các sai phạm do lợi dụng uy tín, danh tiếng của đặc sản địa phương mà làm ăn gian dối, mang sản phẩm ở vùng khác đến bán để kiếm lời...”, ông Trần Giang Khuê nhấn mạnh.

Về phía cơ quan nhà nước, ông Trần Giang Khuê cho biết, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho các đặc sản địa phương. Cần có chính sách hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực cho các tổ chức tập thể - đại diện cho quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản địa phương để quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu chung của địa phương, vùng miền. Xây dựng các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm đặc sản địa phương, chuẩn hóa quy trình sản xuất đối với các sản phẩm đặc sản địa phương để đảm bảo chất lượng và uy tín của sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm

  • Bến Tre: Nâng cao chuỗi giá trị dừa

    Bến Tre: Nâng cao chuỗi giá trị dừa

    01:00, 30/11/2020

  • Bến Tre: Mục tiêu phát triển 5.000 doanh nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

    Bến Tre: Mục tiêu phát triển 5.000 doanh nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

    02:45, 23/11/2020

  • Techfest Mekong 2020 tại Bến Tre: Quảng bá sản phẩm, thu hút các nguồn lực đầu tư

    Techfest Mekong 2020 tại Bến Tre: Quảng bá sản phẩm, thu hút các nguồn lực đầu tư

    17:08, 21/11/2020

  • Bến Tre: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm

    Bến Tre: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm

    01:06, 09/11/2020

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre

    22:59, 06/11/2020

THÙY LINH