Xuất khẩu năng lượng Đồng bằng sông Cửu Long: Gỡ rào cản thế nào?
Khu vực ĐBSCL có đường bờ biển dài, nhiệt bức xạ mặt trời cao nên có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời…
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở ĐBSCL hướng tới xuất khẩu, cần nhanh chóng tháo gỡ những rào cản hiện nay.
Nhiều nút thắt
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, cho rằng hiện nay các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đang phải đối mặt nhiều thách thức, trong đó chính sách có thời gian áp dụng quá ngắn đã gây khó khăn cho nhà đầu tư, chẳng hạn như cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam… Hay như mới đây, Chính phủ đưa ra chính sách đến cuối năm 2021 sẽ hết ưu đãi về giá điện gió, khiến các nhà đầu tư lại phải chạy đua với thời gian. Trong khi việc đầu tư dự án điện gió phải mất vài năm mới đi vào vận hành được.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiệu quả phát điện gió trên biển cao gấp 3- 4 lần so với điện mặt trời, mặt khác không chiếm diện tích nhiều như điện mặt trời. Trong khi đầu tư điện gió trên bờ thì được miễn tiền sử dụng đất, còn đầu tư điện gió ngoài khơi phải nộp tiền sử dụng khu vực biển có dự án. Nếu tính như trên, tiền trả cho toàn bộ diện tích điện gió lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư không có đủ tiền để đầu tư.
Thêm một bất cập nữa, đó là đầu tư điện mặt trời đang tập trung tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ điện tại chỗ của các địa phương này không lớn, nên phải truyền tải điện về vùng miền khác. Trong khi việc đầu tư lưới truyền tải mất từ 3-5 năm với kinh phí lớn. Cùng với đó, về mặt kinh tế thì giá EVN mua điện từ năng lượng tái tạo đang cao hơn giá bán lẻ nên càng mua nhiều càng lỗ....
Tháo gỡ bằng cách nào?
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, hiện nay, giá điện gió tại Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, giá bán điện của EVN cũng đang ở mức thấp nên không thể buộc EVN mua điện gió với giá cao. Do đó, điều mà các nhà đầu tư điện gió tha thiết kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương là nên gia hạn thời gian áp dụng giá điện gió ưu đãi đến năm 2023 cho các nhà đầu tư. Bởi vì từ khi nghiên cứu đến đầu tư một dự án điện gió mất rất nhiều thời gian, công sức.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ xem xét lại việc thu tiền sử dụng mặt biển làm điện gió sao cho hợp lý. Không nên xem năng lượng gió trên biển là tài nguyên biển, mà cần miễn tiền sử dụng khu vực biển đối với tổng diện tích của móng trụ tua bin gió, bao gồm cả diện tích bảo vệ móng, diện tích đặt các thiết bị đồng bộ tại chân cột điện gió, các đường cáp ngầm đấu nối điện gió, có như vậy mới khuyến khích được phát triển điện gió trên biển.
Theo đại diện của Bộ Công thương, Bộ Công thương đang dự thảo Luật sửa đổi Luật Ðiện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực năng lượng nhằm tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng theo hướng khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, hợp tác công tư (PPP) trong đầu tư lưới điện nhằm đáp ứng kịp thời đấu nối phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo.
Nhóm tác giả thực hiện Báo cáo kinh tế thường niên 2020 do VCCI và ĐH Fulbright thực hiện đề xuất cơ chế mua bán trực tiếp, cho phép các công trình trong khu công nghiệp lắp đặt thiết bị điện mặt trời lên đến 30MW để sử dụng và bán tại chỗ, tạo điều kiện pháp lý và cơ chế tài chính cho các tổ chức cung cấp dịch vụ năng lượng cũng có điều kiện phát triển.
Có thể bạn quan tâm