Kinh tế Đông Nam Bộ: Muốn đi xa phải đi cùng nhau…
Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, TPHCM chỉ cần đồng hành, hỗ trợ các tỉnh khác trong khu vực phía Nam thì sẽ đi được xa hơn.
Chia sẻ tại sự kiện "Lãnh đạo TPHCM đối thoại, gặp gỡ với doanh nhân trẻ" ngày 24/3, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, TP.HCM có lực lượng lao động, GDP địa phương dẫn đầu cả nước. Ngoài ra, tỷ lệ thu ngân sách của TP.HCM cũng dẫn đầu và cao gấp nhiều lần các tỉnh thành khác, riêng TP.HCM đã chiếm khoảng 1/4 nguồn thu ngân sách cả nước.
Ở quốc tế, theo cập nhật xếp hạng và triển vọng 120 thành phố toàn cầu năm 2020, thứ hạng thành phố toàn cầu của TPHCM đứng thứ 97, cách khá xa so với một số thành phố khác trong khu vực như Jakarta (hạng 70), Kuala Lumpur (hạng 58), Bangkok (hạng 36), Singapore (hạng 9).
Tuy vậy, Tiến sĩ Tự Anh cho rằng động cơ bứt phá thiên về số lượng và chiều rộng trước đây tại TP.HCM đã hết đà, nhưng những động cơ mới đang dần định hình rõ nét hơn nên TP cần nắm bắt thời cơ để bứt tốc.
Ông chỉ ra 4 yếu tố mà TPHCM cần tập trung: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân; phát triển đô thị; phát triển khu vực tài chính và phát triển môi trường sống, môi trường văn hóa, xã hội. Cụ thể:
Thứ nhất, về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, giai đoạn 2015-2019, khu vực kinh tế tư nhân vẫn giữ vai trò then chốt, chiếm ổn định từ 52-54% trong cơ cấu các thành phần kinh tế. Trong khi đó, các thành phần kinh tế khác như thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế cá thể có xu hướng giảm. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua được Chính phủ thường xuyên khuyến khích và tạo điều kiện.
Thứ hai, về phát triển đô thị, chuyên gia cho rằng các đô thị lớn trên thế giới là động lực phát triển kinh tế của toàn thế giới. Cụ thể, 123 đô thị lớn nhất thế giới tuy chỉ giữ 13% dân số thế giới nhưng chiếm đến 32% GDP toàn cầu, 27% dòng FDI, 65% bằng phát minh và 82% tổng vốn mạo hiểm.
Dù vai trò của đô thị của TP.HCM đang dẫn đầu cả nước nhưng chuyên gia cho rằng tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn, nên sẽ có nhiều dư địa để cải cách và bứt phá.
Thứ ba, về việc đưa TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, theo ông là nên thực hiện bởi giai đoạn 10 năm qua, nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tại TP.HCM đã có nhiều bứt phá và TP cũng có lợi thế cạnh tranh về ngành này nhiều hơn so với các tỉnh thành khác.
Thứ tư, TP.HCM cần phải phát triển môi trường sống, môi trường văn hóa xã hội lẫn môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiến sĩ cho rằng đây là điều kiện rất cần thiết để TP.HCM trở thành nơi "đất lành chim đậu", nếu không cải thiện các điều kiện này cũng khó thu hút người lao động, nhà đầu tư để phát triển kinh tế.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận định, thế mạnh của TP.HCM chính là ngành dịch vụ, tài chính - bảo hiểm - ngân hàng, logistics, y tế. Theo ông, TPHCM không cần cạnh tranh với nghề chế biến vốn là thế mạnh của Tây Nam Bộ hay ngành công nghiệp của các tỉnh còn lại trong khu vực Đông Nam Bộ. TPHCM chỉ cần đồng hành, hỗ trợ các tỉnh khác trong khu vực phía Nam thì sẽ đi được xa hơn.
Quan điểm “muốn đi xa phải đi cùng nhau” đối với kinh tế khu vực Đông Nam Bộ - vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đã được TS. Vũ Thành Tự Anh đề cao, nhấn mạnh trong nhiều năm nay. Tại các Diễn đàn Kinh tế vùng trọng điểm phía Nam do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, trên cương vị cố vấn, diễn giả, TS. Vũ Thành Tự Anh từng chia sẻ quan điểm “cộng sinh” trong vùng kinh tế. TS cho rằng luôn tồn tại lợi ích chung giữa các địa phương trong một vùng kinh tế. Lợi ích ấy càng ràng buộc, gắn bó trong không gian mở nhưng ranh giới địa lý và quy mô mỗi địa phương khá nhỏ như ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam-Việt Nam.
Ở góc độ xác định 3 cấp độ và chủ thể của liên kết vùng kinh tế, bên cạnh cấp độ Trung ương (và pháp luật ngân sách), cấp vùng, TS. TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng cấp độ địa phương có vai trò lớn trong kết nối, phát triển vùng kinh tế. “Bản thân các địa phương ai cũng nhìn thấy liên kết vùng là quan trọng. Và thực tế, ai cũng thấy có sự cộng sinh giữa mình và các địa phương khác. Không ai phủ nhận liên kết vùng là không hiệu quả. Nhưng đến lúc phải đặt vấn đề liên kết vùng lên trên bàn hoặc khi phải thực hiện các biện pháp liên kết vùng, triển khai các hành động cụ thể, thì các địa phương lại chạy theo lợi ích cục bộ. Tức là Trung ương có thể làm tốt, vùng có thể làm tốt nhưng nếu đến địa phương làm không tốt thì chiến lược phát triển kinh tế vẫn không hiệu quả. Hay nói cách khác đây là một hiệu ứng tổng thể và muốn vỗ tay ra âm thanh lớn, thì phải có hai bàn tay cùng vỗ. Nếu nỗ lực chỉ từ một phía là không đủ. Và đó là một phía từ cấp chính quyền”.
Hiểu cách khác là TP. Hồ Chí Minh hiện có vai trò đầu tàu lớn trong vùng kinh tế, nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức và sự “tới ngưỡng” của giai đoạn tăng trưởng vừa qua. Để phát triển tốt cho chính TP Hồ Chí Minh, lấy lại vị thế và đà tăng trưởng để dẫn đầu, kích thích vùng phát triển, không chỉ TP HCM không cần cạnh tranh với các địa phương ở các lĩnh vực họ có lợi thế, mà còn phải xem TP. Hồ Chí Minh và các địa phương cùng “vỗ tay” như thế nào.
Có thể bạn quan tâm
“Tắc vốn”, TP HCM "cầu cứu" Chính phủ gỡ vướng tuyến metro số 1
04:00, 23/03/2021
Tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ và TP HCM: Làm gì để chống "đuối sức"?
10:59, 13/03/2021
TP HCM: Rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án bất động sản
11:50, 04/03/2021
TP HCM: Hàng loạt sai phạm tại quận 12 và quận Tân Phú
04:50, 08/02/2021