Hải Phòng nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư
Quý II/2021, Hải Phòng đặt mục tiêu đạt 1,5 tỷ USD về thu hút FDI. Hải Phòng sẽ làm gì để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, đạt được mục tiêu này?
Ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Hải Phòng cho biết, để đạt được mục tiêu thu hút FDI trong quý II/2021 đạt 1,5 tỷ USD, TP Hải Phòng sẽ thực hiện việc tăng cường đối thoại, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Đồng thời, thực hiện thu hút đầu tư chọn lọc, chú trọng thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Cũng theo ông Lê Trung Kiên, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý mở rộng KKT Đình Vũ - Cát Hải thêm 670 ha về phía huyện An Lão; cùng với đó, từ nay tới năm 2025, Hải Phòng sẽ tập trung đầu tư xây dựng 15 KCN mới với diện tích hơn 6.000 ha. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn để các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng quy mô, tăng vốn đầu tư tại Hải Phòng. TP Hải Phòng cũng luôn đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Có thể nói, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính được coi là những quyết sách phù hợp và hiệu quả, tạo sức hút mạnh mẽ đối với thu hút vốn FDI tại Hải Phòng. Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, sau khủng hoảng của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, làn sóng đầu tư FDI sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Trong đó, TP Hải Phòng được coi là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các nhà đầu tư: kiểm soát tốt dịch COVID-19, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi…
Không thể phủ nhận điều đó, khi đến nay, TP Hải Phòng đã thành lập và đi vào hoạt động 12 KCN, thu hút được 567 dự án trong và ngoài nước. Trong đó, 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 16 tỷ USD; 167 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 146.000 tỷ đồng. Một số dự án của các tập đoàn lớn như: Tập đoàn LG (5,84 tỷ USD), Bridgestone (1,2 tỷ USD), Pegatron (481 triệu USD), USI (200 triệu USD), Kyocera (187 triệu USD),... Hiện TP Hải Phòng đang tập trung triển khai các thủ tục thành lập mới 9 KCN với tổng diện tích hơn 3.500 ha để rộng mở con đường đón các nhà đầu tư đến với Hải Phòng.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - PCT UBND TP Hải Phòng, tính riêng trong quý I/2021, doanh thu của các doanh nghiệp trong KKT, KCN tại Hải Phòng ước đạt 103.453 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu ước đạt 4 tỷ USD, chiếm 86,6% kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI toàn thành phố; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.276 tỷ đồng.
Điều này đã chứng tỏ, các dự án trong KCN, KKT có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Qua đó, góp phần tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, tăng lượng hàng hóa qua cảng, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế Hải Phòng.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KKT, KCN chính là sự mời gọi đầu tư hiệu quả nhất đối với các nhà đầu tư mới đang có ý định vào Hải Phòng. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Hải Phòng, trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện ưu đãi thuế; hạ tầng giao thông tại một số KCN chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, hiện nay tổng số lao động đang làm việc tại các KCN, KKT của Hải Phòng khoảng hơn 154.000 lao động. Trong đó, lao động Việt Nam khoảng 150.000 người, lao động nước ngoài hơn 4.000 người. Nguồn nhân lực này còn hạn chế; nhất là nhân lực trẻ, có tay nghề cao còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
Để khắc phục điều này, theo ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng, thời gian tới, BQL KKT sẽ nâng cao hiệu quả công tác thu hút, giới thiệu việc làm; phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo các ngành nghề, tập trung cao cho bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực tại chỗ để có thể cung cấp cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, BQL KKT Hải Phòng sẽ áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 để tiếp thu nhanh nhất các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính cần sự tham gia của các sở, ngành, địa phương như: điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng; đánh giá tác động môi trường...
Có thể bạn quan tâm
Thực hư việc LG rao bán nhà máy smartphone tại Hải Phòng
01:00, 16/04/2021
LG nói gì trước tin đồn rao bán nhà máy ở Hải Phòng?
15:50, 15/04/2021
Hải Phòng: Giá đất “nhảy múa”, nguyên nhân do đâu?
11:00, 15/04/2021
Hải Phòng: Yếu tố nào quyết định lượng tàu đến cảng?
03:03, 15/04/2021
Trục giao thông kết nối An Dương - Thuỷ Nguyên (Hải Phòng): “Tắc” vì mặt bằng chưa thông
02:45, 14/04/2021