Hải Phòng: Hạ tầng giao thông quyết định sự phát triển của ngành logistics

HẢI NGÂN 27/04/2021 02:09

Những ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội nghị "Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng" đã khẳng định Hải Phòng cần có hệ thống giao thông đồng bộ để thúc đẩy logistics phát triển.

TP Hải Phòng hiện có 50 bến cảng biển và khoảng 444 bến cảng thủy nội địa; 30 kho dịch vụ với hơn 160.000 m2. Năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đạt hơn 142 triệu tấn, tăng bình quân 17,55%. Điều này thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ.

Theo định hướng đến năm 2030, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục nâng cấp mở rộng và đầu tư theo chiều sâu 6 trung tâm logistics. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết TP Hải Phòng phải cơ bản hoàn thiện được hạ tầng giao thông, do hạ tầng giao thông tại Hải Phòng hiện chưa phát triển đồng bộ, đặc biệt là đường sắt và đường thuỷ nội địa.

Sản lượng hàng hoá thông qua cảng Hải Phòng chủ yếu thông qua hệ thống giao thông đường bộ

Sản lượng hàng hoá thông qua cảng Hải Phòng chủ yếu thông qua hệ thống giao thông đường bộ

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng có lợi thế hội tụ đầy đủ 5 loại hình giao thông gồm: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thuỷ nội địa và đường hàng hải. Tuy nhiên, hệ thống đường sắt của TP Hải Phòng cũng như chung của cả nước hiện rất lạc hậu. Một con số chứng minh là sản lượng hàng hoá thông qua cảng Hải Phòng bằng đường sắt chỉ chiếm 1%, trong khi đó đường bộ chiếm trên 80%, đường thuỷ nội địa chiếm từ 15-17%. Như vậy, do tập trung hết vào đường bộ đã dẫn đến việc ùn tắc giao thông, chi phí thời gian cho các doanh nghiệp đến cảng biển, KCN, CCN kéo dài; từ đó chi phí vận tải tăng cao. Trong mắt chuỗi của logistics, điều này đã độn giá thành của logistics tăng cao.

“Mục tiêu của chúng ta trong phát triển dịch vụ logistics là phải phát triển hài hoá các phương thức vận tải, đặc biệt là đường sắt, đường thuỷ nội địa. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, điểm ùn tắc giao thông để tạo được thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp vận tải rút hàng được nhanh”, ông Thọ nhấn mạnh.

Còn theo ông Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, kiêm Chủ tịch HĐTV Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng cho biết, đối với các nước Châu Âu, Hoa Kỳ hoặc các nước châu Á phát triển, vận tải đường sắt chiếm thị phần rất cao. Tuy nhiên tại Việt Nam, thị phần đường sắt rất nhỏ, cơ sở hạ tầng đường sắt đầu tư lâu nên kích cỡ không đảm bảo để đạt được tốc độ vận tải hàng hoá. Do vậy, trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cụ thể là vận tải đa phương thức thì đường sắt đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển kinh tế, tắc nghẽn giao thông. Hơn nữa, chúng ta cũng cần nghiên cứu thêm vận tải thuỷ nội địa, nó vừa là vận tải thân thiện với môi trường, vừa giúp kết nối trung tâm cảng biển của Hải Phòng với khu kinh tế trọng điểm phía Bắc bằng đường sông.

Hoạt động bốc dỡ hàng hoá tại cảng HITC, TP Hải Phòng

Hoạt động bốc dỡ hàng hoá tại TC-HITC, TP Hải Phòng

Hoạt động của dịch vụ logistics tại Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, để có giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách logistics, theo PGS. TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TP Hải Phòng cần khẩn trương phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng giao thông đi liền với chuẩn bị đủ ngân sách để triển khai quy hoạch.

Còn theo ông Cao Hồng Phong, Giám đốc CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ – Gemadept cho biết, TP Hải Phòng Hải Phòng có kết nối cao tốc với 17 tỉnh, thành phố nhưng không thể chỉ phụ thuộc vào đường bộ, như thế không thể phát triển được ngành logistics. Do vậy, Hải Phòng cần phát triển lại hệ thống đường thủy nội địa.

Thực tế, trong những năm qua, Hải Phòng đã nỗ lực đầu tư về hạ tầng giao thông. Nhiều công trình trọng điểm được Hải Phòng ưu tiên nguồn lực tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng như: Đường cao tốc ven biển, các cây cầu kết nối liên tỉnh Hải Phòng với các địa phương lân cận gồm: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình; các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3...

Tuy nhiên, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông đường bộ nhằm giảm tải ùn tắc giao thông như hiện nay vẫn là chưa đủ. Hải Phòng cần cải thiện kết nối về đường sắt và đường thuỷ nội địa như đưa tuyến đường sắt: Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, Hải Phòng - Hà Nội - Lạng Sơn vào kết nối vùng để kết nối với phía nam Trung Quốc; hay kết nối các địa phương với cảng quốc tế Lạch Huyện bằng tuyến đường sắt: Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, Lạng Sơn… để có thể khai thác triệt để tiềm năng của ngành dịch vụ logistics.

Có thể bạn quan tâm

  • Chung cư cũ Hải Phòng chờ thay “áo mới”

    Chung cư cũ Hải Phòng chờ thay “áo mới”

    04:00, 26/04/2021

  • PCI 2020 lý giải sức hút đầu tư của Hải Phòng

    PCI 2020 lý giải sức hút đầu tư của Hải Phòng

    10:41, 25/04/2021

  • Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng

    Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng

    00:10, 25/04/2021

  • Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hải Phòng: Mong muốn đưa nghề đầu bếp vươn ra thế giới

    Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hải Phòng: Mong muốn đưa nghề đầu bếp vươn ra thế giới

    11:00, 24/04/2021

  • Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng

    Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng

    08:30, 23/04/2021

HẢI NGÂN