Lạng Sơn: PCI cần sự vào cuộc và hành động của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp
Xúc tiến đầu tư phải đi đôi với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2020, trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Tỉnh đã triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm, giãn thuế, phí; tăng cường đối thoại, tổ chức các hội nghị đối thoại chuyên đề, hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; đẩy mạnh CCTTHC thông qua mô hình “một cửa”, “ một cửa liên thông” tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ông Hồ Tiến Thiệu, những năm gần đây, tỉnh đã có bước phát triển nhanh, đồng bộ và toàn diện trên các mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tuy nhiên, những kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Thực tế vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, là rào cản kìm hãm sự phát triển hơn nữa của tỉnh. Trong đó, có điểm nghẽn về công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Được biết, tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm đến chỉ số PCI. Đây chính là thước đo quan trọng, khách quan đánh giá chất lượng điều hành phát triển kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh qua từng năm, nhằm có giải pháp điều chỉnh phù hợp trong chiến lược phát triển của mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thu hút tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Theo kết quả PCI năm 2020 do VCCI công bố, tỉnh Lạng Sơn thuộc nhóm tỉnh xếp hạng Trung bình, tăng 01 bậc so với năm 2019, xếp thứ 49/63 tỉnh, thành; xếp thứ 09 khu vực miền núi phía Bắc. Trong năm 2020, có 04/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2019; trong đó có Chỉ số gia nhập thị trường tăng 12 bậc từ thứ hạng 15/63 (năm 2019) lên thứ 3/63; Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, tăng 25 bậc từ thứ hạng 54 (năm 2019) lên thứ hạng 29/63. Bên cạnh đó, nhiều chỉ số thành phần của tỉnh còn thấp điểm như: tiếp cận đất đai; chi phí thời gian; tính năng động của chính quyền; chi phí không chính thức; Tính minh bạch...
Với mong muốn thống nhất từ quan điểm, nhận thức, hành động trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến công chức, viên chức, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến doanh nghiệp, người dân ở tất cả các cấp và các doanh nghiệp trên địa bàn từ kết quả đánh giá các chỉ tiêu thành phần PCI năm 2020 để hiểu đầy đủ, toàn diện sâu sắc hơn về phương pháp, cách thức đánh giá; vai trò, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là đối với các chỉ tiêu thấp điểm, sáng 14/5, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức “Hội nghị bàn giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn 2021”.
Chủ tịch tỉnh Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần phải có sự đồng lòng, quyết tâm của cả một hệ thống chính trị, huy động tối đa mọi nguồn lực. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với trách nhiệm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước. Nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là CCTTHC nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách nhằm huy động và kết hợp các nguồn lực; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, yếu tố quyết định sự phát triển; Hoạt động xúc tiến đầu tư phải đi đôi với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin và thân thiện với nhà đầu tư, kể cả quan hệ cá nhân.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện cần tiếp tục thay đổi tư duy, cách làm theo hướng tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển. Đối với các Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cần nâng cao chất lượng, hoạt động đi vào thực chất, đại diện được tiếng nói cho cộng đồng doanh nghiệp về chính sách, pháp luật và thực thi, nhất là việc giám sát thực hiện sau đối thoại, thực sự là tiếng nói phản biện có giá trị để thực sự là mái nhà chung, là nơi tụ hội của các doanh nghiệp, chia sẻ, gắn kết để cùng phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Đối với các doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh cho rằng cần nhanh chóng thay đổi tư duy, nắm bắt thời cơ, vận hội, chủ động đổi mới để hội nhập. Các doanh nghiệp cần rà soát, tự cơ cấu lại bộ máy quản lý, nâng cao năng lực quản trị, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tăng cường liên kết, hợp tác để chia sẻ cơ hội cũng như khó khăn; đẩy mạnh các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, tiết giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Lạng Sơn: Hoãn tổ chức Lễ động thổ dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn
15:05, 10/05/2021
Cao Lộc (Lạng Sơn): Lắng nghe để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp
17:39, 22/04/2021
Lạng Sơn: Tiếp sức doanh nghiệp từ thực tiễn
13:24, 31/03/2021
Quảng Ninh và hành trình tạo dấu ấn PCI
07:02, 03/05/2021
PCI 2020 lý giải sức hút đầu tư của Hải Phòng
10:41, 25/04/2021