Bình Phước: Vươn lên TOP đầu về cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử
Sau “chiến dịch 50 ngày đêm”, Bình Phước đã vươn lên dẫn đầu cả nước, khi 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của địa phương này kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ngày 18/5, tỉnh Bình Phước đã long trọng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW; công bố Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, về “100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 của tỉnh Bình Phước kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia"; khai trương Tổng đài giải đáp thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Bình Phước.
Bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho hay từ ngày 31/3, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch 108, thực hiện 3 mục tiêu, gồm: đến ngày 19/5/2021 sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn và 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã trễ hạn, tồn đọng kéo dài sẽ được giải quyết dứt điểm, đồng thời sẽ khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc để thực hiện cho được dịch vụ chứng thực điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo bà Trần Tuyết Minh, "sau "chiến dịch 50 ngày đêm" triển khai quyết liệt, từ vị trí 47/63 tỉnh, thành phố, Bình Phước đã vươn lên đứng đầu cả nước khi được rà soát, kết nối thành công 1.224 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia. 777 dịch vụ công mức độ 4 của Bình Phước kết nối lên cổng, cấp trên 1.400 hồ sơ chứng thực điện tử, trở thành tỉnh có kết quả tốt, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về cung cấp dịch vụ này. Đặc biệt, từ việc có trên 15.000 hồ sơ quá hạn, chiếm 10%, đến nay đã không còn hồ sơ trễ hẹn".
Tỉnh Bình Phước đang và sẽ thực hiện cho được "hai không", gồm nộp hồ sơ và trả kết quả không gặp mặt, và thanh toán nghĩa vụ tài chính không dùng tiền mặt.
Tiếp nối thành công về đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, UBND tỉnh đã khai trương Tổng đài giải đáp thông tin dịch vụ công 1022.
Tổng đài sẽ tiếp nhận các thông tin phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức, doanh nghiệp để ghi lưu, điều phối, chuyển cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng, kịp thời về các lĩnh vực: Quá trình giải quyết thủ tục hành chính ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); các vấn đề về kinh tế - xã hội, dịch vụ công, công ích; thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật; chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; thông tin về 113, 114, 115 và về đơn, thư khiếu nại, tố cáo sẽ được tổng đài hướng dẫn đúng đầu số cần liên hệ.
Dịp này, tỉnh Bình Phước cũng công bố nghị quyết về chuyển đổi số để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra: “Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước hoàn thành chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số”. Phấn đấu đến năm 2026, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo Bí thư tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cùng toàn bộ hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số và Đề án của tỉnh về xây dựng địa phương thông minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao, vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và phát triển chính quyền điện tử, phát huy hiệu quả Tổng đài giải đáp thông tin dịch vụ công 1022 để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.
Bí thư tỉnh ủy Bình Phước cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch vừa điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Khánh thành Công viên Suối Cam, phát động trồng cây nhớ ơn Bác Hồ
Sáng cùng ngày, tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ khánh thành Công viên Suối Cam và phát động trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021).
Công viên Suối Cam được xây dựng tại khu vực hồ Suối Cam (P. Tân Phú, TP. Đồng Xoài) với 2 khu, tổng diện tích 4,4ha. Công viên trồng nhiều loại cây gỗ quý, thảm cỏ và hoa các loại. Cùng với đó là các lối đi bộ lát đá, hệ thống điện chiếu sáng, nhà vệ sinh… Trong đó, phần kinh phí trồng cây xanh với trị giá 10,5 tỷ đồng do công ty TNHH Cây xanh Công Minh tài trợ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết: Công viên Suối Cam là công trình được kết hợp đầu tư từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa. Việc đầu tư xây dựng Công viên Suối Cam có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo cảnh quan xanh, hiện đại trong không gian kiến trúc đô thị Đồng Xoài, từng bước tiến đến mục tiêu TP. Đồng Xoài đạt tiêu chí đô thị loại 2 vào năm 2025 và cơ bản đạt tiêu chí thành phố thông minh vào năm 2030.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các địa phương và mỗi gia đình, người dân hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng làm đẹp cảnh quan môi trường. Mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất 1 cây xanh, mỗi nhà góp 1 mảng cây xanh, mỗi khu dân cư góp một vùng xanh để Bình Phước ngày càng xanh hơn, đời sống nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn.
Năm 2021, tỉnh đã và đang tổ chức triển khai trồng 1 triệu cây xanh, chủ yếu là cây xanh đô thị, cây lâm nghiệp phân tán và một phần diện tích trồng rừng tập trung.
Có thể bạn quan tâm
Bình Phước: 100% dịch vụ công trực tuyến kết nối thành công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
14:21, 17/05/2021
Bình Phước cải thiện 11 bậc thứ hạng chỉ số PCI năm 2020
12:45, 15/04/2021
Bình Phước: Điểm sáng hút đầu tư
10:16, 15/04/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hơn 1119 tỷ đồng đầu tư xây dựng KCN Hoa Lư (Bình Phước)
20:27, 08/04/2021
Bình Phước hướng tới nền hành chính hiện đại
14:50, 02/04/2021