Hải Phòng: Đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp "lao đao"

HẢI NGÂN 07/06/2021 01:05

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng “lao đao”.

TP Hải Phòng hiện có gần 600 doanh nghiệp và hơn 150.000 lao động đang làm việc tại các KCN của Hải Phòng. Với việc đóng góp gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu của TP Hải Phòng, các doanh nghiệp trong KCN được đánh giá là có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng bát đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN gặp không ít khó khăn do thiếu linh kiện sản xuất cũng như thiếu nguồn lao động.

LĐLĐ TP Hải Phòng tổ chức hội nghịnắm bắt tình hình về hoạt động công đoàn và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các công đoàn cơ sở trong KCN

LĐLĐ TP Hải Phòng tổ chức hội nghị nắm bắt tình hình về hoạt động công đoàn và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các công đoàn cơ sở trong KCN

Theo đại diện công đoàn công ty TNHH Fuji Film, thuộc KCN Vsip, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng, do thiếu linh kiện phục vụ sản xuất nên một số bộ phận người lao động của công ty bị giãn hoãn việc làm. Tuy nhiên, các chế độ theo quy định của nhà nước phía công ty vẫn đảm bảo để động viên người lao động chia sẻ với tình hình hiện tại của công ty.

Còn theo đại điện công đoàn công ty TNHH Bluecom Vina, thuộc KCN Tràng Duệ, huyện An Dương, TP Hải Phòng, dự kiến từ 7/6 đến 21/6, phía công ty sẽ phải dừng hoạt động. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do hầu hết các nhà cung cấp vật tư của công ty đều đặt tại các KCN thuộc Bắc Giang, Bắc Ninh. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp tại các KCN này đang phải dừng sản xuất. Trước tình hình đó, phía công ty cùng công đoàn đã họp bàn để đưa ra phương án như cho người lao động hưởng chế độ nghỉ chờ việc để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc sau khi công ty có nguồn vật tư.

Khác với các công ty trên, tại công ty TNHH Crystal Sweater Việt Nam, thuộc KCN Tràng Duệ, huyện An Dương, TP Hải Phòng lại đang gặp vấn đề về lao động. Được biết, công ty hiện có khoảng 300 lao động người Hải Dương. Số lượng lao động này đang phải cách ly tại nhà do dịch COVID-19. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của công ty.

Theo đại diện công đoàn công ty TNHH Crystal Sweater, từ đầu năm đến nay, người lao động của công ty thường xuyên phải tăng ca, việc làm ổn định. Phía công ty hiện vẫn còn rất nhiều đơn hàng, tuy nhiên, tiến độ sản xuất và kế hoạch xuất hàng của công ty bị ảnh hưởng do một số lao động người Hải Dương đang phải cách ly tại nhà.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân đang làm việc trong KCN Tràng Duệ, TP Hải Phòng

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân đang làm việc trong KCN Tràng Duệ, TP Hải Phòng

Trước đó, tại hội nghị nắm bắt tình hình về hoạt động công đoàn và công tác phòng, chống dịch COVID-19 thuộc KCN Nomura, TP Hải Phòng do LĐLĐ TP Hải Phòng tổ chức, đại diện một số công đoàn cơ sở tại KCN Nomura cũng cho rằng, việc tạo việc làm cho lao động ngoại tỉnh tại Hải Phòng đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, TP Hải Phòng yêu cầu doanh nghiệp bố trí, hỗ trợ nơi ở cho người lao động đến từ các quận, huyện có dịch ở lại địa phương nhưng phía các nhà nghỉ, nhà trọ lại từ chối tiếp nhận các công nân đến từ các địa phương có ca nhiễm COVID -19. Vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải cho công nhân nghỉ tại nhà, dẫn đến thiếu hụt lượng lao động lớn…

Có thể nói, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến cho các doanh nghiệp “ngấm” đòn với COVID -19. Không chỉ các doanh nghiệp tại các KCN Hải Phòng gặp khó khăn mà nhiều doanh nghiệp hoạt động ngoài KCN cũng đang lao đao vì COVID -19.

Đơn cử như công ty TNHH May quốc tế Gleeco Việt Nam. Năm 2019, công ty đã hoàn thành một đơn hàng nhưng phía đối tác Hàn Quốc không nhận và không thanh toán, dẫn đến việc công ty bị thiệt hại lớn về kinh tế. Đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp không ít khó khăn. Để khắc phục điều này, phía công ty đã chủ động trong việc tìm đơn hàng, tuy nhiên mới chỉ duy trì được việc chi trả lương cho công nhân, người lao động. Còn về chế độ BHXH, BHYT cho công nhân, người lao động, phía công ty đã không thể chi trả theo đúng kế hoạch. Đến thời điểm cuối tháng 5/2021, công ty còn nợ BHXH TP Hải Phòng hơn 12,9 tỷ đồng.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đào Công Dụng - Đại diện công ty TNHH kết cấu thép và xây dựng Yến Huy cho biết, 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp ước đạt 40 tỷ, bằng khoảng 40% năm 2019. Đến cuối năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, doanh thu của công ty sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, đầu năm 2021, từ sau Tết Nguyên đán, tình hình thực sự bi đát hơn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt từng ngày, giá thép hình thép tấm tăng hơn 200% so với cuối năm 2020 khiến các nhà đầu tư khựng lại, không một ai dám đầu tư mới hay mở rộng vì giá thành quá cao. Các dự án công ty đã kí hợp đồng từ trước thì vẫn phải triển khai nhưng càng làm càng lỗ nên chỉ làm cầm chừng chờ giá nguyên liệu hạ nhiệt. 5 tháng đầu năm 2021, công ty chưa có một tờ hoá đơn đầu ra nào được xuất. Hiện, công ty đang phải hoạt động cầm chừng bằng vốn tự có để duy trì bộ máy nhân sự và vận hành nhà máy sản xuất. Mặt khác, phải huy động vốn tín dụng để đầu tư mở rộng thêm nhà xưởng sản xuất cho mình để lấy việc “nuôi” công nhân và cũng là để hy vọng đón đầu một “luồng gió mới” sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

LĐLĐ quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng tặng quà cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19

LĐLĐ quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng tặng quà cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19

Theo LĐLĐ TP Hải Phòng, tính đến tháng 5/2021, LĐLĐ TP Hải Phòng quản lý 2.843 công đoàn cơ sở, với 303.847 công nhân viên chức lao động, tổng số đoàn viên công đoàn là 287.525 người. Kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, LĐLĐ TP Hải Phòng đã triển khai, hướng dẫn hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ông Tống Văn Băng - Chủ tịch LĐLĐ TP Hải Phòng cho biết, trước những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, phía LĐLĐ Hải Phòng hết sức chia sẻ và sẽ đề xuất với BCĐ phòng, chống dịch TP Hải Phòng; phối hợp với các ban, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. LĐLĐ TP Hải phòng cũng yêu cầu các doanh nghiệp triển khai nghiêm các quy định phòng, chống dịch; kịp thời báo cáo tình hình phòng chống dịch tại các đơn vị để thành phố và các cấp công đoàn có phương án hỗ trợ, đảm bảo sản xuất được an toàn.

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh là điều không thể tránh khỏi. Cùng với việc động viên các doanh nghiệp duy trì hoạt động, sản xuất kinh doanh, việc chủ động nâng cao mức cảnh báo, sẵn sàng phương án ứng phó trong trường hợp xấu nhất cũng giúp các doanh nghiệp tại Hải Phòng không bị lúng túng, bị động trong tình huống bất ngờ xảy ra.

Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Phải chăng chính quyền thờ ơ với an toàn của trẻ?

    Hải Phòng: Phải chăng chính quyền thờ ơ với an toàn của trẻ?

    15:43, 06/06/2021

  • Hải Phòng: Cấp bách tìm lời giải cho bài toán giải ngân vốn đầu tư công

    Hải Phòng: Cấp bách tìm lời giải cho bài toán giải ngân vốn đầu tư công

    10:13, 05/06/2021

  • Sau phản ánh của DĐDN, doanh nghiệp vận tải Hải Phòng được xem xét tiêm vaccine COVID-19

    Sau phản ánh của DĐDN, doanh nghiệp vận tải Hải Phòng được xem xét tiêm vaccine COVID-19

    05:13, 05/06/2021

  • Cty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng: Tái cơ cấu để mở rộng thị trường

    Cty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng: Tái cơ cấu để mở rộng thị trường

    15:28, 03/06/2021

  • Hải Phòng: Xem xét tiêm vaccine cho lái xe kinh doanh vận tải

    Hải Phòng: Xem xét tiêm vaccine cho lái xe kinh doanh vận tải

    11:02, 03/06/2021

HẢI NGÂN