Bến Tre nỗ lực vì môi trường kinh doanh minh bạch
Từ năm 2017 trở lại đây, tỉnh Bến Tre luôn đứng trong TOP 10 bảng xếp hạng chỉ số PCI. Năm 2020, Chỉ số PCI của Bến Tre xếp vị trí thứ 8 cả nước và thứ 4 ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chia sẻ với DĐDN, ông TRẦN NGỌC TAM, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đưa kinh tế - xã hội Bến Tre ngày càng phát triển.
- 4 năm gần đây, Bến Tre luôn đứng trong TOP 10 bảng xếp hạng chỉ số PCI, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt. Theo ông đâu là điểm nhấn trong kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh của Bến Tre trong thời gian qua?
Thời gian qua, Bến Tre đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp đối với bộ máy quản lý hành chính của chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở.
Bến Tre xác định, công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh cũng đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, phấn đấu năm 2021, giải quyết 100% thủ tục hành chính qua môi trường mạng, đảm bảo tính minh bạch, để mọi người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính mà không cần đến các cơ quan hành chính công. Bến Tre thực hiện công khai các định hướng, quy hoạch, đề án, chiến lược phát triển của tỉnh trên từng ngành, lĩnh vực… qua đó nâng cao tính minh bạch, coi đây như một biện pháp cải cách hành chính để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia đóng góp ý kiến, thực hiện, giám sát.
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu xây dựng Bến Tre trở thành “địa phương khởi nghiệp”, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ và “đồng hành cùng doanh nghiệp” trong quá trình đầu tư, phát triển tại địa phương. Bến Tre đã đa dạng các hình thức, nội dung trong tiếp xúc, đối thoại, họp mặt doanh nghiệp để gia tăng sự tương tác giữa chính quyền - doanh nghiệp, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...
Với những giải pháp quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 63 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1.651,2 triệu USD và 268 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 59.358,8 tỷ đồng; Trên địa bàn tỉnh có 4.903 doanh nghiệp với vốn đăng ký 44.242 tỷ đồng, trong đó 3.659 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn đăng ký 35.941,7 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư với quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, Lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục nêu gương, khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt của các ngành, các cấp trong chỉ đạo thực hiện các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp; xây dựng nhiều kênh đối thoại với doanh nghiệp - tạo sự gần gũi, thân thiện và tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Xác định công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương cùng tham gia thực hiện nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến với Bến Tre…
- Theo ông đâu là lợi thế của Bến Tre trong thu hút đầu tư?
Là tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, tiếp giáp biển Đông, được phù sa của bốn trong chín nhánh sông Cửu Long bồi đắp và hình thành ba vùng sinh thái tự nhiên: ngọt, lợ, mặn khá phong phú, trong đó: vùng ngọt và lợ là vùng trọng điểm trong phát triển kinh tế vườn, với nhiều chủng loại cây trồng nổi tiếng trong khu vực như: dừa, cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng các loại... tạo thành một hệ sinh thái miệt vườn sông nước, giúp cho Bến Tre không chỉ có nền sản xuất nông nghiệp đơn thuần mà còn có những tiềm năng, thế mạnh rất lớn về phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, kết hợp với tham quan những địa danh lịch sử, văn hóa.
Tiếp giáp với biển Đông, với bờ biển dài trên 65 km và bốn cửa sông lớn, Bến Tre có một hệ sinh thái mặn, đa dạng về chủng loài thuỷ, hải sản, là điều kiện rất thuận lợi trong phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện từ nuôi trồng, đánh bắt đến hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá,… kết hợp với phát triển du lịch biển. Nhờ lợi thế bờ biển dài, thềm lục địa nông, rộng… Bến Tre đang có ưu thế cạnh tranh cao trong cả nước về phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Bến Tre cũng giữ vị trí địa kinh tế quan trọng trong giao thương, khi chỉ cách TP Cần Thơ 120 km, cách TP Hồ Chí Minh 87 km; ở vị trí trung tâm của tuyến giao lưu kinh tế với TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua hệ thống đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - cầu Rạch Miễu - kết nối cầu Cổ Chiên nối với tỉnh Trà Vinh và các tỉnh phía Nam ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Với sự kết nối thông suốt về giao thông, cùng hạ tầng được tập trung đầu tư khá đồng bộ, Bến Tre đặt mục tiêu sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động nhất của vùng ĐBSCL và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Bến Tre còn có nguồn lực lao động dồi dào, trẻ, năng động và có tinh thần kỷ luật, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động và sản xuất... sẽ cung cấp kịp thời lực lượng lao động trẻ, khỏe, năng động cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi có nhu cầu tuyển dụng lao động tại địa phương.
- Vậy những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Bến Tre trong thời gian tới là gì thưa ông?
Trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, Bến Tre xác định 04 trụ cột chiến lược để mời gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh gồm: Tăng giá trị và tiếp cận thị trường trong nông nghiệp; Phát triển mở rộng công nghiệp chế biến; Mở rộng hoạt động kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch; Nâng cao chất lượng cuộc sống và kiến tạo môi trường xanh bền vững…
Cùng với 4 trụ cột này, Bến Tre cũng ưu tiên mời gọi đầu tư các khu công nghiệp - dịch vụ ven biển, các khu đô thị biển, khu phức hợp - dịch vụ biển, đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu và các trung tâm dịch vụ logistics; các trung tâm năng lượng sạch. Đồng thời, ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án sản xuất phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin, giải pháp chuyển đổi số, đầu tư các trung tâm dữ liệu, nhà máy lắp ráp-sản xuất thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông…
- Phát triển về hướng Đông là một chủ trương hoàn toàn mới, với ý nghĩa sẽ quyết định sự phát triển đột phá cho Bến Tre trong giai đoạn tới. Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này?
Phát triển Bến Tre về hướng Đông là một trong những nội dung trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là một chủ trương hoàn toàn mới, với ý nghĩa sẽ quyết định sự phát triển đột phá cho Bến Tre trong giai đoạn tới.
Phát triển về hướng Đông nhằm tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh Bến Tre. Đặc biệt là phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng biển, thúc đẩy tích cực cho sự phát triển của cả khu vực, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới biển. Gắn kết liên kết vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh qua tuyến hành lang ven biển, mở ra không gian phát triển mới, rộng hơn so với điều kiện hiện tại của tỉnh và toàn vùng, tạo ra không gian phát triển mới để phát triển nhanh và bền vững hơn.
Để cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 29/01/2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Nghị quyết hướng đến mục tiêu đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực; mở rộng không gian phát triển nhằm tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên biển và vùng ven biển; thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp ven biển, hình thành ngành công nghiệp mới như năng lượng sạch; hình thành các khu đô thị, dân cư ven biển; đầu tư cảng nước sâu, trung chuyển trong nước và quốc tế, cảng phục vụ năng lượng khí (LNG); sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp, thủy sản phù hợp với bố trí dân cư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thích ứng biến đổi khí hậu; Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch, hình thành khu kinh tế biển tại Bến Tre...
- Bến Tre đã đưa ra các định hướng phát triển như thế nào nhằm hướng tới mục tiêu đưa Bến Tre trở tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL và của cả nước vào năm 2025, thưa ông?
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, Bến Tre là tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL và của cả nước; đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bến Tre sẽ có nền kinh tế phát triển khá thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu vùng ĐBSCL, tạo môi trường sống lý tưởng cho người dân, tỉnh Bến Tre triển sẽ khai 4 trụ cột chiến lược, đó là: Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, gắn với thị trường, xem đây là nền tảng ổn định kinh tế - xã hội; Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng, xem đây là mũi đột phá giúp đẩy nhanh tăng trưởng; Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là mũi đột phá tương lai của tỉnh; Nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo môi trường xanh bền vững, hướng tới xây dựng địa phương đáng sống.
Để hiện thực hóa 4 trụ cột tăng trưởng này, Bến Tre sẽ tập trung vào 2 trục phát triển. Thứ nhất, dựa vào Quốc lộ 60 để phát triển đô thị Bến Tre từ Châu Thành đến Mỏ Cày Nam thành đô thị loại 1 đến năm 2030. Thứ hai, hướng tới phát triển trục phía Đông. Không gian phát triển phía Đông này không chỉ riêng Bến Tre, mà nằm trong chuỗi phát triển của cả vùng duyên hải phía Đông, từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, qua Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An để kết nối, hình thành một trục giao thông ven biển. Trên cơ sở trục giao thông đó sẽ lan tỏa các ngành kinh tế biển. Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn khởi động của không gian phát triển này.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, vì vậy để đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tỉnh Bến Tre đã đặt mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm, quyết liệt theo phương châm “Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân và đồng hành cùng doanh nghiệp”.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm