Quảng Trị: Sức sống mới trên đảo Cồn Cỏ
Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ di dân ra đảo Cồn Cỏ. Từ con số 0, đến nay trên đảo có 20 hộ gia đình sinh sống ổn định.
Cồn Cỏ ngày nay đã khoác lên mình diện mạo mới mẻ. Nói đúng hơn, sỏi đá biến thành cơm bằng sức người, sức của và khát khao vươn lên chinh phục khó khăn của tuổi trẻ bằng bệ đỡ là chính sách đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền địa phương.
Trên hòn đảo này không ai không biết vợ chồng anh Sáng chị Mỹ - như một điển hình của “thanh niên xung phong thời bình”. Năm năm trước, từ đất liền đôi vợ chồng này khăn gói “Đông tiến” theo tiếng gọi của chính sách di dân phát triển kinh tế biển đảo, gắn với quốc phòng an ninh.
Những ngày đầu đặt chân lên miền đất mới đầy nắng và gió, không khỏi băn khoăn trăn trở với câu hỏi: Làm sao để sinh sống? Nhưng nỗi lo ấy nhanh chóng vơi vai khi tận thấy ngôi nhà khang trang kiên cố, hệ thống điện, đường, trường, trạm được nhà nước xây dựng bài bản - chị Mỹ hồi ức lại.
Thật vậy, nơi anh chị và hai đứa con nhỏ sinh sống là ngôi nhà màu mỡ gà hướng ra mặt biển rất lý tưởng, trần cimen kiên cố, trục đường chính thảm nhựa phẳng lì, nhánh phụ lót bê-tông, nguồn điện, nước được cung cấp 24/24.
Chồng chị Mỹ làm nghề biển, nhưng ở đây dường như không có khái niệm “ra khơi” bởi xung quanh đảo là ngư trường phong phú hải sản. Đánh bắt không đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch và các nhà hàng hải sản mới mọc lên.
Nhiều khi chị vừa làm việc nhà vừa nhìn thấy chồng tác nghiệp trên biển. Đối với chị, hình ảnh này đem đến sự an tâm chứ không như ở đất liền người ta ví nghề đi biển như “hồn treo cột buồm”.
Sau chừng ấy năm, gia đình nhỏ này đã thích nghi với cuộc sống nơi hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Các con có chổ học hành, thu nhập ổn định, có dư dã tích góp và tái đầu tư ngư cụ.
Cuộc trò chuyện ngắt quãng giữa chừng vì tiếng chuông điện thoại. Chị bảo, phải đi giao hàng cho khách, ở đảo này từ khi nhà nước cho khai thác du lịch cuộc sống trở nên nhộn nhịp hơn hẳn, chúng tôi có thêm việc làm, thêm thu nhập.
Cuối xóm mới này là ngôi nhà của vợ chồng anh Cảnh, một người bị khuyết tật nhẹ ở chân trái. Cảnh không trở thành ngư phủ mà chọn nghề làm nước mắm sau khi được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng vốn ban đầu.
Nước mắm ở đây nguyên chất 100% ủ tự nhiên bằng nắng, gió và cá cơm tươi rói nhập về trực tiếp từ các tàu đánh bắt xung quanh đảo. Vừa nói, Cảnh múc 1 thìa cho tôi thử, cảm giác tê rần rần ở đầu lưỡi, sực nức lên sống mũi, rồi đọng lại ngọt bùi nơi cuống họng. Quả thật chưa bao giờ tôi được thưởng thức thứ nước mắm vừa hung dữ vừa dịu dàng như thế.
Nước mắm của Cảnh đã được đăng ký nhãn mác, thương hiệu, 6 bể chứa to hàng trăm lít nhưng không đủ hàng bán vào đất liền. Tất cả phục vụ nhu cầu trên đảo.
Chúng tôi ngồi bệt trước hiên nhà, phóng tầm mắt nhìn vào đất liền, cảm giác nhớ nhung bồi hồi khôn tả. Tôi không hỏi thêm gì nữa. Trầm ngâm hồi lâu, Cảnh buông lời: “Có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay là nhờ chính sách của nhà nước hỗ trợ tối đa từ nhà cửa, gạo cơm, kế sinh nhai”
Nhớ lại trận bão kinh hoàng hồi tháng 11 năm ngoái, anh nhìn lên mái tôn còn dấu tích móp méo rồi quay sang tôi “trận đó nếu không có bộ đội chắc chúng tôi khó chống cự, họ đón dân về nơi an toàn, lo tất tần tật mọi thứ, bão qua bộ đội lại giúp dân sửa nhà, dọn dẹp, trở lại cuộc sống bình thường”.
Tôi thoáng nghĩ, đó là biểu hiện thiết thực và sinh động nhất của tình quân dân thắm thiết, là mỏ neo vững chãi để con người đủ mạnh mẽ trụ lại giữa biển khơi khắc nghiệt.
Giữa giờ chiều mà cái nắng như thiêu đốt, mặc cho từng cơn gió biển mang hơi nước phì phà vi vút. Trên đường về, ngang qua một “ngôi nhà thanh niên”, thấy cô gái nhỏ nhắn hí hoáy ngồi nhổ lông gà. Cô ấy là Oanh đã cùng chồng và hai con nhỏ ra đảo từ năm 2017.
Cô thoăn thoắt vặt từng đám lông làm lộ ra mảng da vàng ruộm của con gà mái dầu béo ngậy để ship cho khách du lịch muốn thưởng thức đặc sản “gà đảo”. Ơ kìa, cũng là một dịch vụ hái ra tiền.
Chị Oanh chia sẻ: “từ ngày đảo có khách du lịch, chúng tôi có thêm công ăn việc làm, thêm đồng ra đồng vào, cuộc sống tươi mới hẳn lên. Đàn gà, vịt béo mẫm sau vườn chính là thành quả của dự án khởi tạo sinh kế cho người dân, được ngân sách nhà nước cấp vốn không thế chấp”.
Đêm xuống, Cồn Cỏ mộng mơ đến gai người, ánh trăng chảy dài trên mặt biển như thể thiên nhiên dệt dải lụa bạc khổng lồ. Dọc cung đường chạy sát mép biển từng luồng gió mang hơi nước mát lạnh mân mê khắp cơ thể như muốn thứ tha khoảng ngày dài oi ả. Phía bên kia là những con đồi thoai thoải gối đầu vào nhau ngủ im lìm.
Từng tốp khách du lịch rảo bước chuyện trò rôm rả dưới ánh đèn đường rực rỡ, những bài ca về biển đảo liên tiếp cất lên sau mấy tuần men chếnh choáng càng thêm da diết nhớ thương.
Một ngày trên đảo, nhìn cuộc sống nơi đây, rồi cảm nhận tình người, tình đời - điều đó đã chứng minh tính đúng đắn của chính sách di dân ra đảo, hướng nghiệp, phát triển kinh tế, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ di dân ra đảo Cồn Cỏ. Cụ thể, mỗi hộ sẽ được cấp 1 ngôi nhà rộng 42m2 trên nền đất 200m2, được hỗ trợ lương thực bằng tiền mặt trong 18 tháng đầu. Ngoài ra, các hộ này còn được hỗ trợ sinh hoạt phí, giống vật nuôi và cấp vốn vay 50 triệu đồng không cần thế chấp. Từ con số 0, đến nay trên đảo có 20 hộ gia đình sinh sống ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Cồn Cỏ: "Đảo lửa, đảo say"
04:22, 28/06/2021
Quảng Trị: Cấp tập chuẩn bị cho kỳ bầu cử đặc biệt
05:30, 21/05/2021
Quảng Trị: Tăng thứ hạng vượt bậc các chỉ số quan trọng
16:07, 15/04/2021
Quảng Trị: Sắp có thêm dự án khu công nghiệp hơn 2000 tỷ
01:38, 25/03/2021
Quảng Trị và nhà đầu tư đặt mục tiêu khởi công sân bay vào tháng 9-2021
11:33, 12/04/2021
“Sâm tiến vua” trên vùng cao Quảng Trị
10:30, 13/02/2021