Hà Tĩnh: Chốt phương án tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác với kinh phí gần 500 triệu đồng
Trạm thu phí Cầu Rác vừa được Tổng Cục đường bộ Việt Nam phê duyệt phương án tháo dỡ, hoàn trả mặt đường với kinh phí gần 500 triệu đồng.
Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa phê duyệt phương án tháo dỡ, hoàn trả mặt đường Trạm thu phí Cầu Rác với kinh phí gần 500 triệu đồng. Dự án đã được phê duyệt quyết định báo cáo kinh tế kỹ thuật. Hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công tháo dỡ, hoàn trả mặt đường đang chờ Tổng Cục Đường bộ phê duyệt. Với kinh phí dưới 500 triệu đồng, dự án không phải đấu thầu mà chỉ định thầu.
Ông Nguyễn Thanh Hoài - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 2 - cho biết, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã quyết định phê duyệt phương án tháo dỡ, hoàn trả mặt đường Trạm thi phí Cầu Rác (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) với kinh phí dưới 500 triệu đồng.
Ngoài ra, kinh phí bán sắt vụn, phế liệu trạm thu phí sau khi tháo dỡ cũng sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Trước đó, DĐDN đã có bài viết "Phương án nào để tháo dỡ trạm thu phí BOT Cầu Rác?", trong đó phản ánh thông tin tháo dỡ Trạm thu phí Cầu Rác với chi phí hơn 3 tỷ đồng. Theo đó, Chi cục Quản lý đường bộ II.3 (thuộc Cục quản lý đường bộ 2, Tổng cục đường bộ Việt Nam) đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt dự án: "Sửa chữa đột xuất tháo dỡ, thanh lý trạm thu phí Cầu Rác km539+100, quốc lộ 1; hoàn trả nền mặt đường và hệ thống an toàn giao thông".
Dự án bao gồm các nội dung chính là tháo dỡ, thanh lý trạm thu phí Cầu Rác km539+100, quốc lộ 1; hoàn trả nền mặt đường và hệ thống an toàn giao thông này có kinh phí dự tính 3,3 tỷ đồng, chưa đối trừ giá vật tư thanh lý. Dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ.
Tuy nhiên, ông Hoài cho rằng, khi trình có 2 phương án gồm phương án 1 là tháo dỡ, hoàn trả đồng bộ mặt đường Quốc lộ tại trạm phu phí Cầu Rác bằng thảm nhựa thay thế mặt đường bằng bê tông với kinh phí hơn 3,3 tỉ đồng nhưng phương án đó không tiết kiệm được kinh phí nên không được duyệt. Còn phương án 2 là tháo dỡ và hoàn trả lại mặt đường bằng bê tông với diện tích ít hơn, tiết kiệm được kinh phí nên nay đã được phê duyệt phương án 2 với kinh phí dưới 500 triệu đồng để tiết kiệm nhất ngân sách.
Dự án đầu tư xây dựng QL1A đoạn tránh TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) có chiều dài khoảng 16 km, đưa vào khai thác từ tháng 1/2009. Tuyến đường tránh Tp Hà Tĩnh cũng được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) do Công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà (Tổng công ty Sông Đà) làm chủ đầu tư.
Sau gần 10 năm thu phí, từ 0 giờ ngày 21/2/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản yêu cầu Tổng công ty Sông Đà tạm dừng thu phí tại trạm thu phí Cầu Rác. Cuối tháng 12/2020, trạm thu phí Cầu Rác được bàn giao lại cho Chi cục Quản lý đường bộ II.3 thuộc Cục Quản lý đường bộ II (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) quản lý.
Mặc dù đã dừng hoạt động thu phí BOT được hơn 2 năm, nhưng đến nay trạm thu phí Cầu Rác tại Hà Tĩnh vẫn chưa được tháo dỡ. Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm cũng xảy ra khi các phương tiện lưu thông qua trạm này.
Có thể bạn quan tâm