Quảng Ninh: Giải pháp nào cho những bãi thải của TKV?

LÊ CƯỜNG 24/07/2021 08:32

Từ nhiều năm nay, lượng đất đá thải dư thừa trong quá trình khai thác than tại Quảng Ninh đã được chất cao như núi với những hệ lụy khôn lường.

Loạt bãi thải của ngành than được ví như những “quả bom đất” gây ám ảnh với người dân vùng mỏ. Bãi thải Đông Cao Sơn có thể nói là “quả bom” với mức uy hiếp lớn nhất.

 Bãi thải của ngành than mỗi năm dư thừa hàng trăm triệu khối đất, đủ sức cho việc san lấp các dự án. Tuy nhiên, tại Quảng Ninh nhiều năm qua không sử dụng mà cấp đất đồi trồng rừng cho các nhà đầu tư khiến cảnh quan, môi trường bị phá vỡ. Một nghịch lý tại Quảng Ninh.

Bãi thải của ngành than mỗi năm dư thừa hàng trăm triệu khối đất, đủ sức cho việc san lấp các dự án. Tuy nhiên, tại Quảng Ninh nhiều năm qua không sử dụng mà cấp đất đồi trồng rừng cho các nhà đầu tư khiến cảnh quan, môi trường bị phá vỡ. Một nghịch lý tại Quảng Ninh.

Những “quả bom đất”

Người dân xã Dương Huy (TP Cẩm Phả) không thể quên trận “đại hồng thủy” năm 2015 khi toàn bộ thôn bị cô lập, nhiều nhà cửa, vườn tược bị cuốn bay theo lũ. Anh nguyễn Mạnh tuyên, xã Dương Huy chia sẻ: “Đó là ngày không thể quên khi nước lũ đã cuốn mất ngôi nhà của gia đình. Thiên tai thì khó lường, nhưng nguyên nhân phần lớn cũng do việc khai thác than, đất đá thải quá nhiều đã trôi xuống làm ách tắc dòng chảy dẫn đến thảm cảnh ngày hôm đó cho người dân chúng tôi”, anh Tuyên nói.

Mặc dù vậy, đến nay qua nhiều năm thì bãi thải này cũng chẳng được xử lý tích cực hơn. Thậm chí nó còn cao hơn, chân bãi thải thì ngày một vươn gần đến khu dân cư.

Chị Đ.T.Mùi, thôn Tân Tiến, xã Dương Huy cho biết: “Sự tồn tại của bãi thải này được bao lâu thì từng ấy thời gian người dân chúng tôi sống trong cảnh ô nhiễm do bụi đất. Nhiều hôm gió cuốn bụi tung mịt mù cả một vùng rất khủng khiếp” .

  Bà Thân chỉ về phía bãi thải gây ô nhiễm môi trường cách khu dân cư không xa cho biết, những ngày gió nam người dân hứng đủ bụi đất.  ảnh lê cường

Bà Thân chỉ về phía bãi thải gây ô nhiễm môi trường cách khu dân cư không xa cho biết, những ngày gió nam người dân hứng đủ bụi đất. ảnh lê cường

“Không hiểu sao bãi thải này cao như thế và đang lan rộng ra mà người ta không khống chế, cho dừng lại. Theo tôi được biết, quy định đổ thải là phân tầng, cắt lớp, đổ hết tầng nào thì phải hoàn nguyên, phủ xanh tầng đó, nhưng bãi thải khổng lồ này thì không. Mỗi năm gần đến mùa mưa là người dân chúng tôi rất lo sợ, lo sợ sự đổ ập của đất đá xuống bất cứ lúc nào”, chị Mùi bức xúc và kiến nghị: “Rất mong, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xem việc xử lý đất đá tại bãi thải này của các công ty than về độ cao và quy định đổ thải đã đúng hay chưa? Và cho người dân chúng tôi biết, khi nào thì chấm dứt tình cảnh ô nhiễm như thế này?”.

Người dân phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) cũng bị bãi thải tra tấn không kém. Bà Trần Thị Thân, Khu 1, phường Mông Dương cho biết: “Hàng bao năm nay vẫn vậy, môi trường sống của chúng tôi có bao giờ được trong lành đâu. Chỉ sau 1 ngày thôi, là bụi than, bụi đất đá thải lại phủ kín. Sợ nhất là những hôm gió nam, bụi cứ như mưa ào ào khiến cuộc sống của người dân rất khổ sở”.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Được biết, hiện nay trên địa bàn Quảng Ninh có 6 bãi thải mỏ lớn đang hoạt động tập trung tại các địa bàn: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và Đông Triều. Quy hoạch các bãi thải có độ cao từ 200m đến 300m. Theo tính toán, khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý (chủ yếu nằm trên địa bàn Quảng Ninh) khoảng 1.210 triệu m3.

Bên cạnh đó, khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tổng Công ty Đông Bắc quản lý vào khoảng 268 triệu m3. Một số bãi thải có độ cao từ 200 đến 300m như Bàng Nâu, Đông Cao Sơn không thực hiện việc phân tầng, cắt lớp phủ xanh như kiến nghị của người dân nên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao, nhất là ở khu vực giáp ranh dưới chân bãi thải sau các đợt mưa lũ kéo dài.

Giải quyết thực trạng này là việc làm cấp thiết và tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương dùng toàn bộ số đất đá thải trên làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, đã hơn năm nay chủ trương này chưa thể đi vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất.

Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Văn Trường-Thường trực BCĐ 1642, Công ty Kinh doanh than Quảng Ninh, đơn vị duy nhất được giao quản lý và bán nguồn đất đá thải cho các dự án san lấp cho biết: “Ngoài giá chưa được xác định, thì có một nguyên nhân khác khiến việc chậm tiến độ nói trên là do quy định đất, đá thải mỏ là hoạt động khoảng sản đi kèm than. Chính vì vậy, việc quản lý như là khoáng sản thông thường, thẩm quyền xử lý thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), muốn sử dụng được nguồn đất đá nói trên, UBND tỉnh Quảng Ninh phải báo cáo xin ý kiến Bộ TNMT”, vị này cho biết.

“Đặc biệt, mỗi một mỏ khai thác cũng như dự án đổ thải đều được đánh giá tác động môi trường và phê duyệt trước đó. Cho nên, giờ sử dụng đất đá từ các bãi thải mỏ sẽ phải làmthay đổi cách đánh giá tác động môi trường của từng đơn vị ngành than, các thủ tục về môi trường sẽ phải thay đổi khi sử dụng đất đá cho các dự án san lấp, việc này sẽ tốn kém thời gian rất nhiều”, ông Trường cho biết.

Khi thực hiện phương án, các đơn vị sẽ phải lập quy hoạch sử dụng đất, thuê đất với các bãi tập kết, tuyến băng tải, bến cảng… Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ đơn vị thực hiện nhanh các thủ tục nêu trên và các thủ tục khác trong thẩm quyền”. “Cùng với đó là chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ đầu tư có nhu cầu đất đá san lấp sớm làm việc, đàm phán với TKV để cam kết và phối hợp khi triển khai các thủ tục pháp lý về khai thác và sử dụng đất đá thải”, ông Trường kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghịch lý san lấp  dự án ở Quảng Ninh

    Nghịch lý san lấp dự án ở Quảng Ninh

    04:06, 18/07/2021

  • Quảng Ninh: Điều chuyển hàng loạt vốn dự án đầu tư công

    Quảng Ninh: Điều chuyển hàng loạt vốn dự án đầu tư công

    04:20, 21/07/2021

  • Bãi Cháy (Quảng Ninh): Giấc mơ buồn xóm trọ

    Bãi Cháy (Quảng Ninh): Giấc mơ buồn xóm trọ

    13:36, 15/07/2021

LÊ CƯỜNG