Quảng Ninh: DDCI- Chỉ dẫn cải cách!

LÊ TRANG 30/07/2021 05:28

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên đưa ra sáng kiến mới xây dựng chỉ số DDCI theo cách thức chuyên nghiệp và bài bản nhất.

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh cho rằng, Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) không chỉ là thước đo chất lượng điều hành mà còn là cơ sở để UBND tỉnh xác định các biện pháp phù hợp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Theo ông Phạm Văn Thể, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên đưa ra sáng kiến mới xây dựng chỉ số DDCI theo cách thức chuyên nghiệp và bài bản nhất. Việc Quảng Ninh triển khai DDCI liên tục trong 6 năm qua đã thể hiện một cam kết mạnh mẽ, bền bỉ của chính quyền, mang lại niềm tin rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời góp phần giúp Quảng Ninh bứt phá và liên tiếp giữ vững vị trí quán quân về PCI trong 4 năm liên tiếp(2017- 2020).

- Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả cũng như tác động của DDCI đến chất lượng điều hành góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Ninh sau 6 năm triển khai thực hiện?

Với những cải tiến, đổi mới liên tục, đến nay, Bộ chỉ số DDCI đã dần khẳng định vai trò là chỉ dẫn tin cậy để tỉnh Quảng Ninh đưa ra những chương trình hành động thiết thực, sát đúng tình hình thực tiễn phát triển. Chẳng hạn, năm 2020, DDCI Quảng Ninh đã có một số điều chỉnh nội dung của một số chỉ số thành phần để phản ánh tốt hơn các yêu cầu mới đặt ra với các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt Bộ chỉ số bổ sung nội dung đánh giá hiện tượng “Đùn đẩy công việc giữa các sở, ban, ngành hoặc đùn đẩy công việc lên cấp có thẩm quyền cao hơn” vào phần Chi phí thời gian đối với khối sở ban ngành.

Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đánh giá rất cao nỗ lực của các sở, ban, ngành, với 87% số doanh nghiệp cho rằng các chương trình hỗ trợ là thực chất; 81% cho rằng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã cải thiện nhiều hoặc rất nhiều.

Trong thời gian tới, Bộ chỉ số DDCI sẽ tiếp tục là thông tin đầu vào quan trọng để chính quyền các cấp của Quảng Ninh triển khai các chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

 TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trao đổi với ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Ninh tại Hội nghị công bố DDCI Quảng Ninh 2020

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trao đổi với ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Ninh tại Hội nghị công bố DDCI Quảng Ninh 2020

- Cùng với bộ chỉ số DDCI, ông đánh giá như thế nào về các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây?

Các giải pháp, chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đã đi vào thực chất, gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Cụ thể, do ảnh hưởng của COVID-19, hoạt động xúc tiến đầu tư “tại chỗ” được các cấp, các ngành tập trung triển khai hiệu quả. Các hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được tích cực triển khai như: Tổ chức hội chợ, hội nghị kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh....; Tạm dừng thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2020 để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Quảng Ninh cũng đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, điển hình như chính sách kích cầu du lịch, chính sách tiêu thụ sản phẩm nông sản, gia hạn, giãn nợ cho doanh nghiệp.

- Trong bối cảnh dịch COVID- 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, theo ông đâu là nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp trong thời gian tới?

Những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 vẫn còn rất nhiều. Doanh nghiệp rất cần những cơ chế, chính sách mới từ tỉnh, Trung ương để sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng. Theo khảo sát trong DDCI Quảng Ninh 2020, trong số hoạt động hỗ trợ của chính quyền cho doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh có nhu cầu cao nhất là về các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh với 54,9%. Tiếp đến là nhu cầu giảm lãi suất, giãn thời hạn trả các khoản tín dụng (48,8%) và hỗ trợ tiếp cận vay vốn (46,9%).

Ở góc độ Hiệp hội, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát huy vai trò là cầu nối kịp thời tập hợp ý kiến và các vấn đề doanh nghiệp quan tâm để đề xuất với chính quyền nhằm xây dựng các chính sách có hiệu quả nhất, tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hội viên phát huy khả năng cạnh tranh, tồn tại và phát triển trong tình hình mới. Hiệp hội tổ chức thực hiện liên kết và hỗ trợ giữa các hội viên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau, trung gian nghiên cứu khảo sát, điều tra thị trường, giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm và phát triển thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hiệp hội sẽ tăng cường cung cấp thông tin, dịch vụ, tư vấn cho doanh nghiệp về các lĩnh vực kinh tế, các tiến bộ kỹ thuật; huấn luyện kỹ năng quản trị doanh nghiệp.

- Cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Nâng cấp CDCI, tạo điều kiện cho doanh nghiệp

    Quảng Ninh: Nâng cấp CDCI, tạo điều kiện cho doanh nghiệp

    12:48, 23/07/2021

  • Quảng Ninh: Đóng cửa mỏ khoáng sản để tập trung phát triển du lịch

    Quảng Ninh: Đóng cửa mỏ khoáng sản để tập trung phát triển du lịch

    08:28, 22/07/2021

  • Quảng Ninh: Điều chuyển hàng loạt vốn dự án đầu tư công

    Quảng Ninh: Điều chuyển hàng loạt vốn dự án đầu tư công

    04:20, 21/07/2021

LÊ TRANG