“Trái ngọt” nào đọng lại ở các khu kinh tế Cửa khẩu miền Trung dang dở?

NGỌC THÁI 12/08/2021 01:55

“Tiến thoái lưỡng nan” là câu chuyện mà không ít nhà đầu tư đang bị “mắc kẹt” ở các dự án tại các Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu dang dở là thực trạng tồn tại lâu nay chưa thể tìm được lối thoát.

Bởi từ hơn 10 năm trước, để tạo hành lang kết nối Đông – Tây giữa Việt Nam với Lào – CamPuChia và xa hơn nữa là vùng Đông Bắc Thái Lan, Myanma… và tiểu vùng sông Mê Kông thì các đề án xây dựng KKT khu vực Cửa khẩu miền Trung đã Chính phủ, Bộ, ngành quan tâm đốc thúc triển khai. Cùng với đó, hàng nghìn tỷ đồng đã được “rót” vào KKT Cửa khẩu Cầu Tre (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Bờ Y (Kon Tum)… để đầu tư hạ tầng, kiến thiết hệ thống giao thông, tạo điều kiện cho phương tiện vận tải hàng hoá qua lại dễ dàng hơn.

Các dự án xây dựng nhà máy, kho bãi, chế xuất, bảo quản… cũng được thu hút với mức thuế ưu đãi để doanh nghiệp thuận lợi cho đầu tư nhằm góp phần tạo tăng trưởng kinh tế - xã hội cho các KKT Cửa khẩu.

Vậy nhưng, sau một thời gian ngắn, các KKT Cửa khẩu lại rơi vào cảnh “sớm nở, tối tàn”, hoang lạnh, đìu hiu khi nhiều dự án dở dang, bỏ hoang cho đến tận bây giờ. Doanh nghiệp “xót của”, cơ quan quản lý Nhà nước thì loay hoay tìm hướng giải quyết, tháo gỡ nhưng vẫn chưa có đáp số như kỳ vọng ban đầu.

Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo sau gần 20 năm vẫn chưa thể phát triển tương xứng như quy hoạch ban đầu

Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo sau gần 20 năm vẫn chưa thể phát triển tương xứng như quy hoạch ban đầu

Không chỉ vậy, hạ tầng cơ sở được đầu tư theo nguồn vốn Ngân sách của Nhà nước với hệ thống trụ sở làm việc, khu phi thuế quan… cũng chung cảnh phải “đắp chiếu”, gây lãng phí tiền bạc. Lý giải cho thực trạng này, nhiều nhà quản lý cho rằng do tác động của cơ chế chính sách, do biến động về chủ trương… nhưng cái nguyên nhân sâu xa vẫn chưa thể đưa ra khắc phục được.

Nhiều nhà đầu tư sớm nhận phải “trái đắng” vì chủ trương phát triển KKT khu vực Cửa khẩu ở miền Trung không thể thành hiện thực nên rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, thậm chí rơi vào trạng thái đóng cửa, phá sản. Hàng nghìn héc ta đất lâm nghiệp được quy hoạch để xây dựng, mở rộng các KKT Cửa khẩu rơi vào số phận phải “treo” chênh vênh bên sườn Đông của dãy Trường Sơn.

Một doanh nghiệp (xin được dấu tên) cho rằng, vấn đề xây dựng, phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ ở khu vực Cửa khẩu các tỉnh miền Trung là chủ trương được ban hành từ gần 20 năm nay đang rơi vào bế tắc.

“Sớm nở, tối tàn. Nhiều nhà đầu tư không thể nằm chờ động thái từ cơ quan có thẩm quyền khi chưa biết đến bao giờ chủ trương mới có hiệu quả trên thực tế nên sớm tìm đường thoát thân, bỏ của chạy lấy người.

Cũng tại khu vực KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, một trong 8 KKT được Thủ tướng đồng ý lựa chọn để tập trung đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn Ngân sách giai đoạn 2021-2025, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đặt kỳ vọng sắp tới sẽ đổi khác, không trì trệ, ì ạch như trong thời gian qua

Cũng tại khu vực KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, một trong 8 KKT được Thủ tướng đồng ý lựa chọn để tập trung đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn Ngân sách giai đoạn 2021-2025, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đặt kỳ vọng sắp tới sẽ đổi khác, không trì trệ, ì ạch như trong thời gian qua

Ngay như tại khu vực KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) thì bao năm nay vẫn trong tình trạng “dậm chân tại chỗ” vì đề án thành lập các khu công nghiệp, thu hút xây dựng nhà máy, xí nghiệp trên diện tích hàng trăm héc ta rơi vào dở dang rồi bỏ hoang. Hạ tầng xuống cấp, hàng hoá vận chuyển theo mô hình logistics qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng thường xuyên ách tắc, gặp khó trăm đường…” – đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Thực trạng này cũng là cảnh mà các KKT Cửa khẩu khu vực miền Trung đang gặp phải khiến nhiều nhà đầu tư “sống dở, chết dở”. Bởi sự kỳ vọng của họ đặt ra bao nhiêu thì sớm nhận phải sự thất vọng bấy nhiêu.

Được biết, để có hướng đầu tư hiệu quả trong thời gian tới, vào cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương, đồng ý lựa chọn 8 KKT cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, các KKT được lựa chọn gồm: Cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; Cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai; Cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh; KKT-thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị; Cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và Cửa khẩu tỉnh An Giang.

Đáng chú ý là trong tổng số 8 KKT Cửa khẩu được lựa chọn thì khu vực miền Trung chỉ “góp mặt” 02 Cửa khẩu để tập trung giải ngân nguồn vốn Ngân sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục liên quan.

Và, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng kỳ vọng rằng, 02 KKT Cửa khẩu đại diện cho khu vực miền Trung được lựa chọn để đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 sẽ được sớm “khoác áo mới”, không rơi vào cảnh quy hoạch “treo” rồi bỏ hoang hoá, dở dang nhiều hạng mục như trong thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Hoang hoá quỹ đất vàng Khu kinh tế Dung Quất

    Hoang hoá quỹ đất vàng Khu kinh tế Dung Quất

    04:30, 13/07/2021

  • Nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế: Thực trạng và giải pháp

    Nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế: Thực trạng và giải pháp

    14:00, 06/07/2021

  • “Vốn mồi” phát triển khu kinh tế cửa khẩu: Vì đâu khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ “sớm nở, tối tàn”?

    “Vốn mồi” phát triển khu kinh tế cửa khẩu: Vì đâu khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ “sớm nở, tối tàn”?

    20:03, 10/08/2021

  • “Vốn mồi” phát triển khu kinh tế cửa khẩu: Đầu tư tập trung, trọng điểm

    “Vốn mồi” phát triển khu kinh tế cửa khẩu: Đầu tư tập trung, trọng điểm

    19:58, 10/08/2021

NGỌC THÁI