Các khu kinh tế cửa khẩu được coi là cơ hội để các địa phương tạo bước đột phá, tuy nhiên để khai thác hiệu quả đang còn không ít vấn đề đặt ra cần khẩn trương giải quyết.
LTS: Theo thống kê, hiện cả nước có 21 tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu tại biên giới với khoảng 25 cửa khẩu được quy hoạch làm khu kinh tế cửa khẩu. Nhưng việc lập quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết trong khu kinh tế cửa khẩu được cơ quan chức năng đánh giá là triển khai còn chậm và chất lượng chưa cao.
Trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Nguyễn Văn Đoàn - Chánh Văn phòng Bộ đã cung cấp một số nội dung.
- Tiêu chí nào tập trung ngân sách đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 cho các Khu kinh tế cửa khẩu, thưa ông?
Việc đánh giá, xếp hạng 26 khu kinh tế cửa khẩu trên phạm vi cả nước để lựa chọn ra 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm tập trung đầu tư từ NSNN giai đoạn 2021-2025 dựa trên cơ sở kết quả tổng kết tình hình thực hiện việc phân bổ nguồn vốn đầu tư nguồn hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2016-2020 và kết quả phát triển các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh của các KKTCK . Việc rà soát và đề xuất lựa chọn 8/26 KKTCK trọng điểm để tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 được dựa trên hai nhóm tiêu chí như sau:
Nhóm tiêu chí thứ nhất mang tính chất định lượng, phản ánh trình độ, kết quả phát triển và mức độ đóng góp của từng khu kinh tế cửa khẩu thông qua các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp như kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách, số lượt người xuất, nhập cảnh... Các chỉ tiêu trên thể hiện trình độ, kết quả phát triển và mức độ đóng góp của khu kinh tế cửa khẩu trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.
Nhóm tiêu chí thứ hai mang tính chất định tính, được xác định trên cơ sở đánh giá vị trí chiến lược của các khu kinh tế cửa khẩu trên các tuyến hành lang, vành đai kinh tế quan trọng trong hợp tác với các nước chung đường biên giới, các nước trong ASEAN và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Về cơ bản, việc xác định vị trí chiến lược của các khu kinh tế cửa khẩu nhằm bảo đảm các điều kiện và phù hợp với quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP như: có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế khu vực, kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia và quốc tế; dễ kiểm soát và giao lưu thuận tiện với trong nước và nước ngoài; có điều kiện thuận lợi và nguồn lực để đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
- Tuy nhiên, điểm hạn chế của các khu kinh tế cửa khẩu hiện nay là hầu như không có khả năng thu hút các nguồn vốn khác như ODA, FDI, PPP... nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách. Làm thế nào để nguồn vốn NSNN thực sự trở thành vốn mồi, thưa ông?
Định hướng trong thời gian tới là phát triển các khu kinh tế cửa khẩu trên các khu vực biên giới trở thành các vùng kinh tế động lực của từng tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế cửa khẩu với bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới đất liền, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu hội tụ đầy đủ thế mạnh phát triển kinh tế, thu ngân sách hàng năm cao và có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, thương mại tại khu vực cửa khẩu.
Trong giai đoạn 2021-2025, cần tập trung đầu tư phát triển từ nguồn NSNN đề cơ bản hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng của khu kinh tế cửa khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư quy mô lớn, hình thành các trung tâm trung chuyển hàng hóa. Để nguồn vốn ngân sách trung ương thực sự trở thành vốn mồi, các địa phương cần nâng cao vai trò định hướng, dẫn dắt nguồn vốn hỗ trợ từ NSTƯ theo phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
- Vậy theo Bộ, làm thế nào để tạo hiệu quả đột phá cho mô hình khu kinh tế cửa khẩu trong thời gian tới ?
Trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, với đường biên giới trải dài khoảng 4.924 km bao gồm nhiều cửa khẩu thông với các nước láng giềng, việc phát triển kinh tế, thương mại tại các KKTCK là quan trọng và cần thiết. Để tạo hiệu quả cho mô hình KKTCK trong thời gian tới cần:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển KKTCK được quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong các KKTCK. Đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Ưu tiên tập trung đầu tư theo phương châm NSTW hỗ trợ mang tính chất “vốn mồi”, đóng vai trò trong định hướng, thu hút các nguồn vốn đầu tư hợp pháp khác.
Tăng cường công tác vận động xúc tiến đầu tư vào KKTCK. Tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch chi tiết, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và các chính sách khuyến khích đầu tư vào KKTCK để các nhà đầu tư và người dân được biết.
Nhận diện những thách thức
Mô hình khu kinh tế cửa khẩu tại đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Đơn cử về hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, do nguồn thu không được giữ lại tại địa phương lên một số khu kinh tế cửa khẩu đã bị ngay chính quyền nơi đó bỏ bê, không quan tâm. Những chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu cũng gặp khó do không phải địa phương nào cũng có những ưu đãi đúng mức và cách làm hiệu quả.
Một nguyên nhân khác mà theo các chuyên gia đánh giá đã làm các khu kinh tế cửa khẩu "sớm nở tối tàn" là vì hình thành ở nơi hẻo lánh, trong khi hạ tầng giao thông còn kém, chưa đồng bộ, tiếp cận đất đai còn khó, yếu tố gián tiếp từ tình hình an ninh biên giới.
Để khắc phục tình trạng trống vắng, dở dang của các KKT cửa khẩu, đã có một số ý kiến đề xuất nên chuyển đổi công năng hoạt động các khu thương mại cửa khẩu sang khu, cụm công nghiệp, kho ngoại quan, làm dịch vụ hậu cần logistics. Giải bài toán các khu kinh tế cửa khẩu đang cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới trong xu thế hội nhập, cạnh tranh; giải quyết tổng thể các vấn đề xuyên biên giới hơn là những đối phó cắt khúc ngắn hạn. Quy hoạch và thực hiện đầu tư phát triển khu vực biên giới cần có "hệ đệm" vững chắc của tuyến dân cư với điều kiện kinh tế - xã hội được ưu tiên đầu tư tốt hơn.
Khu kinh tế cửa khẩu phải góp phần tạo ra những khu được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch, đất đai, cơ chế chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung. Việc gom doanh nghiệp tập trung vào các khu kinh tế cửa khẩu đương nhiên hiệu quả hơn rất nhiều.
Có thể bạn quan tâm
“Trái ngọt” nào đọng lại ở các khu kinh tế Cửa khẩu miền Trung dang dở?
01:55, 12/08/2021
Kiên Giang công bố thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên
13:08, 02/04/2021
Năm 2040: Móng Cái sẽ là Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia
13:48, 17/03/2021
Lai Châu: Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu
06:11, 12/03/2021
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
22:28, 06/12/2019
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái
17:00, 06/12/2019