Chính phủ duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, dự báo năm 2040, dân số toàn TP.HCM khoảng 13-14 triệu người; đất đai phát triển đô thị khoảng 100.000-110.000 ha. Về tính chất, TP.HCM là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương; trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ quan trọng của quốc gia, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
TP.HCM cũng là đầu mối giao thông, hạ tầng số quan trọng trong vùng Đông Nam Bộ, quốc gia và quốc tế; trung tâm liên kết vùng, đầu mối kết nối các loại hình vận tải đa phương thức của vùng phía Nam; một trong những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực miền Đông Nam Bộ, cả nước và khu vực Biển Đông.
Theo đó, Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chung phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng TP.HCM, hướng tới phát triển thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Quy hoạch này nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực trong đô thị...
Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM trên quan điểm phát huy vai trò đầu tàu của thành phố trong mối quan hệ với vùng TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế, đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kinh tế biển gắn với mục tiêu hình thành chuỗi đô thị biển của vùng, kết hợp bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ…
Quy hoạch này còn nhằm khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của thành phố để phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc, tạo sức hấp dẫn của đô thị, từng bước nâng cao chất lượng đô thị, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; hướng tới sự đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Như vậy, đô thị TP.HCM đến năm 2040 sẽ là đô thị loại đặc biệt trực thuộc trung ương; trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ quan trọng của quốc gia, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là một trong những trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Chính phủ giao UBND TP.HCM bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí và phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 theo quy định. Thời gian lập đồ án là 15 tháng.
Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đã trình UBND TP.HCM Hồ sơ Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo Hồ sơ, quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 13-14 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 khoảng 16 triệu người), trong đó bao gồm TP Thủ Đức khoảng 1,9 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 là 3 triệu người), Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người. Quy mô đất đai dự kiến phát triển đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000 - 110.000 ha.
TP.HCM xác định tầm nhìn đến năm 2060 là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức, kinh tế biển và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của châu Á Thái Bình Dương, là thành phố có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về định hướng phát triển các khu đô thị, đối với các khu vực đô thị hiện hữu, TP. HCM sẽ phát triển, chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không gian mở. Cùng với đó là đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển cho từng khu vực như dân số, chiều cao tầng xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất…
Khu vực lõi trung tâm văn hóa lịch sử và các khu vực có giá trị văn hóa lịch sử... sẽ được quy hoạch để tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, xây dựng hệ thống không gian mở, cây xanh, các quảng trường chức năng...
Đối với các khu vực phát triển mới sẽ đề xuất ý tưởng, các mục tiêu, định hướng phát triển và mở rộng đô thị. Đặc biệt là khu vực phía Đông TP.HCM gắn kết với định hướng quy hoạch chung TP Thủ Đức được lập đồng thời.
Các cụm, khu công nghiệp: tiếp tục di dời các xí nghiệp công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành cũ; hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực nội thành phát triển; sắp xếp công nghiệp theo chuyên ngành và thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông và không gây ô nhiễm môi trường.
Còn các khu công viên cây xanh, mặt nước, không gian mở, đặc biệt là hành lang cảnh quan dọc sông Sài Gòn; các điểm và khu cây xanh trong khu vực nội thành cũ: dựa trên nguyên tắc khai thác các trục cảnh quan sông rạch của TP.HCM gắn với phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng như giao thông thủy, điều tiết nước, không gian mở công cộng và tạo dựng bản sắc cảnh quan sông nước đặc trưng.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Shipper được hoạt động liên quận sau ngày 15/9
20:57, 14/09/2021
TP.HCM thí điểm cấp mã QR cho người dân tại 3 quận, huyện
15:00, 14/09/2021
Doanh nghiệp dịch vụ ăn uống TP.HCM "đau đầu" khi được mở cửa trở lại
11:40, 13/09/2021
TP.HCM muốn có thêm 2 tuần chống dịch
18:22, 12/09/2021
Giá nhà TP.HCM tiếp tục tăng
14:21, 11/09/2021
TP.HCM: Lộ trình 3 giai đoạn mở cửa kinh tế sau ngày 15/9
02:00, 11/09/2021