Lai Châu: Đồng bộ các giải pháp “tiếp sức” doanh nghiệp
Gần hai năm với 4 lần bùng phát dịch bệnh COVID-19 trong nước đã tác động đến mọi mặt của nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp cũng điêu đứng từ cung - cầu đến sản xuất - tiêu dùng.
Trong bối cảnh đó, cùng với Chính phủ thì các địa phương trong cả nước cũng đã hành động kịp thời các giải pháp gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp. Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu xung quanh nội dung này.
-Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, xin ông cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh?
Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện tốt mục tiêu kép vừa bảo vệ vùng xanh vừa đảm bảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 đạt 10,08%. Uớc đến ngày 30/9/2021, thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.432,3 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh có thêm 05 nhà máy thủy điện hoàn thành phát điện với công suất 100 MW; 05 nhà máy đã cơ bản hoàn thành, đang trong quá trình vận hành thử nghiệm với công suất 89 MW; chỉ tiêu trồng mới các cây trồng chủ lực đã vượt kế hoạch giao: Diện tích chè trồng mới vượt 17,3%, trồng rừng mới vượt 9%, mắc ca trồng mới vượt 7,4%; đưa vào hoạt động trang trại nuôi lợn tập trung an toàn sinh học với quy mô lớn nhất tỉnh (khoảng trên 12.000 con)…
Tỉnh thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, động viên, khuyến khích doanh nghiệp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; chỉ đạo tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết. Định kỳ cùng Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức gặp mặt, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; tỉnh cũng đang nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ chợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; đặc biệt, trong tháng 8/2021, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Tuần hỗ trợ kết nối việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 năm 2021 nhằm kết nối cung - cầu lao động, đã kết nối hỗ trợ cho các doanh nghiệp tuyển dụng được 515 lao động.
Tuy nhiên, dịch bệnh cũng đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông sản như chè khô, chuối quả gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, thị trường tiêu thụ nội địa còn rất hạn chế do chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã, vận chuyển khó khăn.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, nhà hàng, lữ hành, điểm du lịch gặp khó khăn hoặc phải đóng cửa; người lao động trong ngành dịch vụ du lịch không có việc làm; các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh thiệt hại lớn về kinh tế và phải cắt giảm việc làm do lượng khách du lịch đến với Lai Châu giảm nhiều; Các doanh nghiệp vận tải hành khách, gặp nhiều khó khăn do phải dừng hoạt động, nguồn thu giảm trong khi vốn đầu tư lớn;… Thông qua buổi gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp về tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp vừa qua, tỉnh quyết tâm sẽ thành lập Hiệp hội chè, Hiệp hội xuất nhập khẩu thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để thống nhất, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản như chè khô, chuối quả.
Đối với lĩnh vực xây dựng, từ đầu năm 2021 đến nay, việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 và giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh.
Bên cạnh đó, một số hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp năm 2021 của tỉnh chưa được triển khai theo kế hoạch; nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ cá thể phải tạm dừng, hoặc hạn chế về quy mô; doanh nghiệp thành lập mới và số dự án thu hút đầu tư không đạt như kỳ vọng trước tác động của dịch COVID-19.
- Trước tình hình đó, tỉnh Lai Châu đã có những giải pháp cụ thể nào để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, thưa ông?
Bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã có những chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, cụ thể:
Kịp thời ban hành Kế hoạch của UBND tỉnh để thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ như: Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19…
Thường xuyên chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, chuyển đổi số; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; thực hiện đầy đủ các chính sách trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
- Thời gian tới, Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp cụ thể để vừa chống dịch vừa ổn định nền kinh tế. Các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch mở cửa, cùng doanh nghiệp thích ứng với diễn biến dịch để phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Một vài chia sẻ của ông về định hướng của tỉnh Lai Châu?
Lai Châu đang là vùng xanh, các hoạt động nội tỉnh đang mở bình thường, thậm chí một số doanh nghiệp hoạt động tích cực hơn. Để tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn nhằm khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng, trong đó:
Thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 105-NQ/CP của Chính phủ; trong đó, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Thành lập Tổ công tác của tỉnh, các huyện, thành phố và bố trí đầu mối chuyên trách, chuyên nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý; trường hợp vượt thẩm quyền, các đơn vị gửi ý kiến về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét theo quy định.
Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo bước chuyển biến thực sự về chất, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; đồng thời sát cánh với nhà đầu tư trong các khó khăn vướng mắc.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, thương hiệu trên môi trường trực tuyến để tiêu thụ và xuất khẩu. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản có lợi thế của địa phương.
Chủ động đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông; tổ chức triển khai hoạt động vận chuyển lưu thông hàng hóa để phục vụ đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, bảo đảm thông suốt và an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, phối hợp với các tỉnh, thành phố để xem xét khôi phục trở lại hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh khi đáp ứng các điều kiện an toàn phòng, chống dịch; Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thường xuyên cập nhật lên hệ thống bộ công cụ tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại địa chỉ http://kcnvietnam.vn để có những phương án phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, tỉnh sẽ nghiên cứu có các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng phương án kết nối cung - cầu lao động; tạo mọi điều kiện thuận lợi để vừa phòng, chống dịch vừa duy trì ổn định sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021
19:42, 05/10/2021
“Chìa khóa” cho phục hồi kinh tế (Bài 1): Những tín hiệu lạc quan
18:59, 05/10/2021
Lai Châu: Hút đầu tư vào chăn nuôi an toàn sinh học quy mô lớn
16:38, 26/09/2021
Lai Châu: Đẩy mạnh liên kết đào tạo nghề
17:13, 25/09/2021
Lai Châu: Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp
02:03, 25/09/2021