Hải Phòng: Dành hơn 300 tỷ đồng xây dựng chính quyền số
Hải Phòng vừa đồng ý chủ trương đầu tư Dự án xây dựng chính quyền số thành phố giai đoạn 2021-2025 nhằm đưa Hải Phòng vươn lên thuộc nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số.
Tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hải Phòng khoá XVI, HĐND thành phố đã đồng ý chủ trương đầu tư Dự án “Thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 – 2025”. Dự án do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 308 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2024.
Dự án khi triển khai sẽ phát triển hạ tầng số bao gồm: Xây dựng trung tâm dữ liệu, hình thành nền tảng điện toán đám mây dùng chung của các cơ quan nhà nước trên toàn thành phố. Cùng với đó là phát triển dữ liệu số gồm: xây dựng kho dữ liệu dùng chung, cổng dịch vụ dữ liệu mở thành phố; xây dựng hệ thống giám sát, kiểm tra, đánh giá chính quyền số; xây dựng dịch vụ xác thực và định danh điện tử người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) thành phố; xây dựng các ứng dụng trên nhiều nền tảng số để cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp (ứng dụng di động, website, zalo, facebook...)…
Dự án đi vào hoạt động hướng đến mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế xã hội số; 100% người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Hoà – Giám đốc Công ty CP dịch vụ Quảng Đông cho biết, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ 4.0 là rất cần thiết. Trước kia, doanh nghiệp tôi khi muốn làm hồ sơ đăng ký kinh doanh thì phải mất từ 2-3 lần di chuyển nhưng hiện tại, việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã giúp doanh nghiệp chủ động thay đổi, điều chỉnh những thông tin liên quan đến đơn vị mình ở bất kỳ địa điểm nào, vào thời gian nào. Được biết, TP Hải Phòng vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng chính quyền số thành phố giai đoạn 2021-2025. Được biết, dự án sẽ cung cấp dịch vụ dùng chung người dân và tổ chức; giúp công dân, tổ chức quản lý, lưu trú dữ liệu điện tử của mình và cung cấp chia sẻ với các cơ quan nhà nước. Như vậy, sẽ giúp người dân, doanh nghiệp hạn chế việc sử dụng văn bản giấy, cũng như cung cấp lặp lại thông tin cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Đồng thời, đưa Hải Phòng lọt tốp các tỉnh, thành dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc xây dựng chính quyền số sẽ góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chuyển đổi số được coi là “động lực” đưa TP Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, bền vững. Từ đó, tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, với ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại; tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo nền tảng để Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng đã phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ – thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức hội thảo về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng TP Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, bền vững.
Ông Vũ Đại Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng cho biết, hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng TP Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, bền vững. Từ đó, làm cơ sở trình HĐNT TP Hải Phòng xem xét, ban hành nghị quyết để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Nhật Quang, Viện Trưởng viện Khoa học và Công nghệ – VINASA, những thách thức trong phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay và một trong những chìa khóa để giải quyết thách thức này là xây dựng thành phố thông minh với nền tảng là chuyển đổi số. Để xây dựng thành phố thông minh thành công, trước hết cần có quy hoạch thông minh, có cơ sở hạ tầng dữ liệu đồng nhất, kết nối với nhau. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi, khuyến khích, thúc đẩy các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng thông minh cùng các yêu cầu về nhân lực, vật lực khác.
Trước đó, vào năm 2013, TP Hải Phòng đã ban hành nghị quyết về phát triển viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) TP Hải Phòng đến năm 2020. Trên cơ sở đó, hạ tầng viễn thông, CNTT của Hải Phòng được đầu tư khá đồng bộ. 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến (trong đó 33% ở mức độ 4); 90% văn bản được ký số phát hành trên môi trường mạng; 100% doanh nghiệp đang hoạt động khai thác, nộp thuế điện tử; 80% doanh nghiệp có quy mô lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử. Ngành công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020.
Theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 về chuyển đổi số TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP Hải Phòng đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2030: Về phát triển chính quyền số: 100% hồ sơ công việc tại cấp thành phố; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thành cung cấp định danh số, danh tính số trên nền tảng di động cho người dân và doanh nghiệp; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Về phát triển kinh tế số: Phấn đấu kinh tế số chiếm 35% GRDP TP Hải Phòng; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 25%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 16%. |
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Cảng và dịch vụ nghề cá chưa đáp ứng nhu cầu
22:54, 06/11/2021
Cấp bách nước sinh hoạt cho Hải Phòng
13:13, 05/11/2021
Ubofood “đổ bộ” vào Hải Phòng
04:52, 05/11/2021
Hải Phòng cần nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế tập thể
00:32, 01/11/2021
Hải Phòng sắp khởi công 4 bến cảng container hơn 13.000 tỷ đồng
18:54, 30/10/2021