Long An: Tạo sức bật cho ngành nông nghiệp
Ngành Nông nghiệp Long An sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, coi trọng chất lượng, kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ để phát triển bền vững.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với sự chung tay, nỗ lực của toàn ngành, tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì ổn định.
Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, 9 tháng qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số loại nông sản gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nhưng ngành nông nghiệp Long An đã triển khai nhiều giải pháp, tích cực tìm hướng đi mới tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành đạt trên 3%, sản lượng lúa đạt trên 2,7 triệu tấn.Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng là 2.466ha, trong đó chuyển đổi sang cây trồng hàng năm 1.434ha, cây trồng lâu năm 1.032ha.
Cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành nông nghiệp Long An cũng xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình mới, đặc biệt trong thời điểm từ nay đến cuối năm 2021. Theo đó, ngành khuyến cáo nông dân bố trí sản xuất với cơ cấu hợp lý về chủng loại, diện tích phù hợp, tránh rủi ro khi tiêu thụ, trong đó cần chú ý chuyển đổi diện tích từ cây trồng khác đang gặp khó khăn sang cây trồng dễ chăm sóc, bảo quản được lâu và dễ vận chuyển.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Truyền, qua đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp và cả doanh nghiệp, nông dân đều thấy rõ vai trò của việc liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng và sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể. Trong thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp hợp tác xã sản xuất có thể tìm được đầu ra cho nông sản dễ hơn so với các nông hộ sản xuất riêng lẻ. Chính vì thế, việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp, định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và thực hiện hiệu quả công tác dự báo thị trường, sản lượng, thời điểm thu hoạch để điều tiết sản xuất - tiêu thụ hiệu quả nhất là giải pháp quan trọng trong tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Song song đó, ngành thực hiện hỗ trợ người dân theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương và của tỉnh về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo từng giai đoạn. Mặt khác, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả, các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn kết hợp với bao tiêu sản phẩm, đẩy mạnh phát triển chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP… Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức của nông dân trong việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Tăng cường ứng dụng công nghệ cao
Thời gian qua, Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” góp phần làm cho cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực. Qua các giai đoạn phát triển, ngành nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính với tổng giá trị sản phẩm tăng dần, góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực và tạo thu nhập cho người dân. Trên địa bàn tỉnh bước đầu cũng đã hình thành một số vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc sản có giá trị, nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đã ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm. Các mô hình sản xuất nông nghiệp với nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, cách thức tổ chức sản xuất mới đang chứng minh hiệu quả và cho thấy triển vọng. Qua đó, tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Theo Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Long An đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có hơn 60.000 ha lúa, 6.000 ha thanh long, 2.000 ha rau, 100 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp để phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem là hướng đi đúng đắn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xu thế tất yếu để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất trong thời đại khoa học - kỹ thuật tiên tiến đòi hỏi phải ứng dụng các công nghệ mới phục vụ sản xuất. Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần cải thiện đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm