Bình Phước: Đất sạch cho nhà đầu tư
Nhà đầu tư đến với Bình Phước được ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất... từ 3 thậm chí đến 19 năm tùy từng dự án cụ thể.
>> Bình Phước: Cơ chế mở để đón “đại bàng”
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và nước ngoài đến đầu tư, kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất hiện nay do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ông Nguyễn Minh Chiến cho biết thời gian qua Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã phối hợp các cơ quan hữu quan thực hiện xúc tiến mời gọi đầu tư theo phương châm “xúc tiến đầu tư tại chỗ”; tăng cường công tác “xúc tiến đầu tư trực tuyến”, đặc biệt là trong điều kiện đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến tình hình xúc tiến mời gọi đầu tư.
- Khi đến với Bình Phước nhà đầu tư sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi như thế nào, thưa ông?
Khi đầu tư vào Bình Phước, tùy từng trường hợp cụ thể, nhà đầu tư được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ như được khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Mặt khác, được ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đến 3 năm trong thời gian xây dựng cơ bản và sau thời gian xây dựng cơ bản có thể được miễn 3, 7, 11, 15 năm hoặc thậm chí đến 19 năm tùy từng dự án cụ thể.
Đặc biệt, nếu là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong KCN, cụm công nghiệp theo quy hoạch thì được miễn cho cả thời hạn thuê. Doanh nghiệp cũng có thể được hưởng thuế suất ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… và nhiều hỗ trợ khác như hỗ trợ quảng cáo, cung cấp thông tin, tư vấn về thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, hỗ trợ quảng bá xúc tiến đầu tư, du lịch và hỗ trợ đào tạo lao động.
- Ông nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư trong hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh?
Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với hơn 28.364 ha tại huyện biên giới Lộc Ninh, tiếp giáp nước bạn Campuchia là động lực phát triển mới của một vùng kinh tế năng động của tỉnh Bình Phước. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông và tuyến đường sắt xuyên Á, kỳ vọng thời gian tới, sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư thực hiện dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh biên giới.
Với chủ trương xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư trở thành khu vực thu hút các nhà đầu tư, từ giữa năm 2019, UBND tỉnh Bình Phước tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với Campuchia và các khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, TP.HCM. Đó là Cảng cạn ICD Hoa Lư có diện tích 25ha, công suất 600.000 - 900.000 container/năm, là nơi tập kết hàng hóa nhập khẩu bằng container từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan vào Việt Nam và xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước.
Cuối năm 2020, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn từ ngã 3 Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh) đi Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư dài 12,5km với vốn đầu tư 450 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối thông thương tốt hơn với Campuchia và các khu vực lân cận.
- Bình Phước đã và đang chuẩn bị những gì để đón làn sóng đầu tư mới vào KCN, KKT, thưa ông?
Nhằm chuẩn bị sẵn quỹ đất khu công nghiệp sạch đón đầu làn sóng đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tiến hành quy hoạch mở rộng các KCN và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương mở rộng 1.374,63 ha gồm: KCN Minh Hưng III 577,63 ha; KCN Bắc Đồng Phú 317 ha và KCN Nam Đồng Phú 480 ha. Tại Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Ban cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 2 KCN với tổng diện tích 773 ha, gồm KCN Ledana với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng và KCN Hoa Lư với vốn đầu tư 1.119 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ban đang tham mưu UBND tỉnh tiếp tục quy hoạch mở rộng, quy hoạch mới các KCN, Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ dân cư, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030, gồm: Quy hoạch mở rộng KCN Sikico 1.000 ha; Quy hoạch thành lập mới KCN V.com tại KKTcửa khẩu Hoa Lư 300 ha; Quy hoạch thành lập mới KCN-Đô thị Đồng Phú 6.317 ha; Quy hoạch thành lập mới KCN Bình Phước với diện tích 3.500 ha...
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, đầu tư mới và mở rộng các KCN đã có chủ trương nhằm chuẩn bị sẵn quỹ đất cho nhà đầu tư thứ cấp; tiếp tục rà soát, đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các KCN nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để có mặt bằng tiếp nhận các dự án, Ban Quản lý khu kinh tế cũng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào KCN; tích cực kêu gọi xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động như: nhà ở xã hội cho công nhân, nhà trẻ, trường mầm non, các điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân...
Với tiềm năng, lợi thế về các KCN và KKT tỉnh Bình Phước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể yên tâm, tin tưởng, lựa chọn Bình Phước là “điểm đến” để phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm