Hải Phòng phấn đấu thu ngân sách trên 100 nghìn tỷ đồng vào năm 2022
Năm 2022, Hải Phòng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 13% trở lên, thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt trên 100 nghìn tỷ đồng.
>>>Để Hải Phòng thành cực tăng trưởng kinh tế: Cơ chế mới - Tầm vóc mới
>>>Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Cần giải pháp thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế bền vững
Nội dung này vừa được công bố tại Kỳ họp thứ 4 khoá XVI nhiệm kỳ HĐND TP Hải Phòng khai mạc sáng 8/12.
Năm 2021 tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước
Theo báo cáo của UBND TP Hải Phòng, trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, TP Hải Phòng vẫn hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế thành phố tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, hầu hết các chỉ số kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thành phố ước tăng 12,38%, mức tăng này tuy không đạt kế hoạch nhưng đứng đầu và gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước (1,5-1,9%) khi so với các thành phố trực thuộc TW như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ có mức tăng trưởng từ âm 6,7% đến 2,9%; các địa phương khác có tốc độ tăng trưởng như: Quảng Ninh (10,28%), Gia Lai (9,71%), Hải Dương (8,6%), Vĩnh Phúc (8,02%).
Về thu ngân sách, tổng thu ngân sách của thành phố đạt trên 90.400 tỷ đồng, tăng trên 7% so với năm 2020, vượt trên 17% so với dự toán TW giao và vượt dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, riêng thu nội đạt 35.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2020; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 54.000 tỷ đồng, tăng trên 13% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI của Hải Phòng đạt trên 3,14 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2020, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng, năm 2021 thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị và triển khai các dự án như: đã hoàn thành việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai xây dựng Đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên, trực thuộc thành phố Hải Phòng; tập trung thi công hoàn thiện chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình; xây dựng 8 công viên cây xanh trên địa bàn các phường; sẽ hoàn thành cải tạo hè đường tại 6 tuyến đường trung tâm thành phố trước tết Nguyên đán 2022; chuẩn bị khởi công dự án cải tạo sông Tam Bạc từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ…
>>Để Hải Phòng thành cực tăng trưởng kinh tế: Cơ chế mới - Tầm vóc mới
>>Để Hải Phòng thành cực tăng trưởng kinh tế
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng còn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như: lượng khách du lịch đạt trên 3,6 triệu lượt khách, giảm trên 51% so với 2020, bằng trên 44% kế hoạch năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 174.000 tỷ đồng, tăng 1,32% so với năm 2020, bằng trên 85% kế hoạch năm. Việc triển khai, thực hiện một số chủ trương, nghị quyết, nhiệm vụ trọng tâm còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tiến độ giải phòng và thi công một số dự án còn chậm; tình hình khiếu nại, tố cáo về thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.
Mục tiêu năm 2022
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, năm 2022, Hải Phòng sẽ chọn chủ đề “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – Thực hiện chuyển đổi số”. Nhằm hiện thực hóa chủ để này bên cạnh cần thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Hải Phòng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển dựa trên 3 trụ cột chủ yếu đó là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
UBND thành phố Hải Phòng cũng đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện trong năm 2022. Trong đó, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn chi.
Theo đó, Hải Phòng đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 13% trở lên, GRDP bình quân đầu người đạt 7.300 USD, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 2,5- 3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2 trăm nghìn tỷ đồng… đặc biệt, trong công tác thu ngân sách nhà nước, Hải Phòng sẽ phấn đấu đạt trên 100 nghìn tỷ đồng.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Trần Lưu Quang nêu rõ, tại kỳ hợp thứ 2, Quốc hội khoá 15, Quốc hội có những quyết sách rất quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết số 35 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35 Bí thư Thành uỷ đề nghị HĐND thành phố cần chủ động, kịp thời nghiên cứu, ban hành các Nghị quyết theo thẩm quyền để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách trong năm 2022. Đồng thời đề nghị Thường trực HĐND và các Ban của HĐND thành phố, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố, các sở, ngành thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt nghị quyết của kỳ họp.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp phát triển Hải Phòng thành trung tâm logistics mang tầm vóc khu vực
11:00, 10/12/2020
Đà Nẵng bàn nhiều vấn đề nóng tại kỳ họp hội đồng nhân dân
18:00, 08/12/2020
Để Hải Phòng thành cực tăng trưởng kinh tế: Cơ chế mới - Tầm vóc mới
11:00, 20/11/2021
Để Hải Phòng thành cực tăng trưởng kinh tế: Vì mục tiêu chung của quốc gia
04:00, 20/11/2021
Để Hải Phòng thành cực tăng trưởng kinh tế
01:17, 20/11/2021