Cơ chế, chính sách đặc thù không chỉ nhằm phát triển riêng cho Hải Phòng mà gánh vác sứ mệnh là đầu tàu của khu vực phía duyên hải phía Bắc.
>>Vì mục tiêu chung của quốc gia
Tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 17/11 tại Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết 45 đặt Hải Phòng trong một “tầm vóc” khác, không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực phát triển cho khu vực và cả nước. Hải Phòng trở thành một thành phố hiện đại, hoàn thành sớm công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có vị thế không chỉ trong nước mà cả khu vực và quốc tế.
Áp dụng cơ chế chính sách này, nguồn vốn đầu tư hàng năm của Hải Phòng sẽ tăng lên hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương. Chưa kể, nếu thành phố được quyết định hoặc điều chỉnh một khoản phí và lệ phí thì nguồn thu cho ngân sách thành phố cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể, trước đây Hải Phòng tiến hành thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển, mỗi năm ngân sách thành phố đã thu về từ 1.500 đến 1.800 tỷ đồng từ nguồn thu này. Như vậy, khi được vận dụng cơ chế này, Hải Phòng sẽ có thêm hàng chục tỷ đồng cho ngân sách thành phố. Đây sẽ là điều kiện để thành phố tập trung hơn nữa vào đầu tư hạ tầng. “Với việc đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, nếu có thêm được nguồn tài chính thì hạ tầng Hải Phòng sẽ còn mức phát triển vượt bậc hơn nữa. Đây cũng là tiền đề để thành phố tiếp tục thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển kinh tế với vai trò là đầu tàu” – một cán bộ nguyên là lãnh đạo thành phố Hải Phòng chia sẻ.
“Nếu như trước đây thành lập 1 khu công nghiệp khoảng 400 ha, thành phố phải mất rất nhiều thời gian, thủ tục để trình Chính phủ cho phép chuyển đổi diện tích. Thế nhưng với cơ chế đặc thù việc chuyển đổi sẽ rút ngắn đi rất nhiều và tận dụng được cơ hội thu hút đầu tư” – một chủ đầu tư khu công nghiệp cho biết.
Có thể bạn quan tâm