Đoàn ĐBQH Bến Tre thống nhất với Chủ trương xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Đoàn ĐBQH Bến Tre đã thảo luận và thống nhất về chủ trương đầu tư Dự án XD công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Dự thảo NQ thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
>> Bến Tre phát triển bền vững về hướng Đông
Chiều ngày 06/01/2022, Tổ đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre tiến hành thảo luận tại Tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Trúc Sơn chủ trì buổi thảo luận. Tại buổi thảo luận, các đại biểu QH đều thống nhất với Chủ trương và Dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình, thống nhất cao đối với Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.
Cần Thơ là thành phố đầu tiên trong khu vực ĐBSCL được Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành một số chính sách đặc thù. Cần Thơ đóng vai trò là trung tâm, hội tụ đủ các điều kiện về liên kết vùng; là trung tâm công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế; trung tâm đầu mối chế biến sản phẩm nông sản của vùng, kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực và vùng kinh tế động lực phía Nam như TP. Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết số 59 về ban hành chính sách phát triển TP. Cần Thơ. Do đó, về chủ trương, quan điểm đã được Đảng, Nhà nước cân nhắc, đủ điều kiện để TP. Cần Thơ được Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù. Khi TP. Cần Thơ phát triển sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh trong khu vực ĐBSCL phát triển, tạo cơ hội tăng cường kết nối, làm gia tăng hơn giá trị sản xuất, đặc biệt đối với kinh tế nông nghiệp.
Theo quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, toàn khu vực ĐBSCL sẽ có 8 trung tâm đầu mối. Đề nghị QH cân nhắc, xem xét, xác định rõ trung tâm đầu mối ở Cần Thơ là khu công nghiệp chế biến nông sản hay chỉ đơn thuần là trung tâm đầu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; nếu chỉ dành riêng ưu đãi cho Cần Thơ, mà không tính đến các trung tâm đầu mối khác ở các tỉnh đã đưa vào quy hoạch sẽ tạo ra cán cân đầu tư, tiêu thụ hàng nông sản không cân bằng giữa các tỉnh, thành trong khu vực cho cùng mặt hàng như lúa gạo, thủy sản, trái cây, dừa… Để các trung tâm không có sự chênh nhau về chính sách, cần hết sức cân nhắc làm sao cho các doanh nghiệp đầu tư vào các trung tâm để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi tương tự nhau trong khu vực, nhất là khi chúng ta phát triển hệ thống đường cao tốc, hệ thống hạ tầng, điều kiện vận chuyển của khu vực sẽ tương tự nhau.
Về dự thảo một số chính sách đặc thù của Cần Thơ cũng giống các tỉnh được Quốc hội thông qua như: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Về thẩm quyền, từ mức dư nợ vay, chính sách phí, lệ phí, quản lý đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thẩm quyền điều chỉnh cục bộ, quy hoạch chung, xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, mức thu nhập tăng thêm cho CBCC không khác nhau. Tuy nhiên, QH nên cân nhắc, xem xét việc trong cả nước có nhiều tỉnh, thành phố ở những vùng, miền khác nhau nhưng không khác nhau về chính sách đặc thù, không gắn đặc trưng từng khu vực thì cũng nên có đánh giá thêm. Ví dụ, ĐBSCL có điều kiện hạ tầng, thế mạnh về kinh tế nông nghiệp (thủy sản, lúa gạo, trái cây…) sẽ khác so với một số tỉnh khu vực miền Trung, phía Bắc, nên trong chính sách của TP. Cần Thơ cần xoáy mạnh vào việc thúc đẩy phát huy giá trị cho nền kinh tế nông nghiệp, làm sao có những chính sách ưu đãi để nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu mang dáng vóc thực sự của vùng ĐBSCL mà trung tâm là TP. Cần Thơ.
Việc chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng phải đảm bảo diện tích đất lúa thật, giữ vững vùng đất lúa hiệu quả, còn những vùng đất lúa không thật sự mang lại hiệu quả kinh tế, đất nhiễm mặn, đất sử dụng cho trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản tốt hơn cũng nên gắn liền với đặc thù này, do đó cần nên phân tích xem xét thấu đáo.
Hiện nay, khu vực ĐBSCL đang được quy hoạch các tuyến đường bộ, đường thủy, đường cao tốc cơ bản đảm bảo cho giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, với tuyến hành lang ven biển (gần 700km từ TPHCM về Kiên Giang) thì kiến nghị Chính phủ cũng nên xem xét làm sao cho vùng ĐBSCL có chính sách đặc thù trong tiếp cận nguồn vốn, nhất là nguồn vốn ODA, Chính phủ vay hòa vào ngân sách để cung cấp thêm, tăng thêm nguồn lực ngân sách đầu tư cho 13 tỉnh, thành (một phần vay lại) để đầu tư tuyến đường ven biển này trong giai đoạn 2021-2030, qua đó phát huy giá trị kinh tế biển, không chỉ riêng cho Cần Thơ mà cho cả vùng.
Kiến nghị Quốc hội đề xuất Chính phủ sớm tổng kết các chính sách đặc thù đã được thông qua trong cả nước thời gian qua (như TP. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và 4 tỉnh, thành trong kỳ họp thứ 2 QH XV). Các chính sách đặc thù nào phù hợp với cả nước thì sớm trở thành chính sách chung cho cả nước. Chính sách phải phù hợp thực tiễn, phải thống nhất để phục vụ cho sự phát triển, đảm bảo đồng bộ.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn tán thành, ủng hộ đối với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Tập trung tuyến đường xương sống, tạo tuyến đường huyết mạch, hoàn thiện cả tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đến Cà Mau là chính sách đúng, cần được đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành. Nhất là khu vực ĐBSCL chỉ có gần 40km đường cao tốc từ TPHCM về đến Trung Lương. Trong năm 2022 hoàn thành đến Mỹ Thuận, sau đó tiếp tục triển khai đến Cần Thơ, Cà Mau. Đây là trục huyết mạch của ĐBSCL để về TP. HCM, giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, nhất là nông sản, phát triển kinh tế vùng.
Tuy nhiên, đây là dự án chuyển sang dự án đầu tư công với 12 dự án thành phần, tổng vốn đầu tư hơn 146 nghìn tỷ đồng. Chính phủ cần cân nhắc xem xét, cân đối nguồn lực, không ảnh hưởng đến nguồn vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 đã được QH thông qua; làm rõ chi phí, cơ chế phân bổ vốn, giải ngân được đến 2025.
Về nguồn khoáng sản, nhất là nguồn cát phục vụ công trình, Chính phủ phải có chính sách rất rõ ràng về khai thác cát phục vụ cho tuyến đường huyết mạch này. Khu vực ĐBSCL hiện nay với cơ chế kiểm soát khoáng sản, nhất là cát rất chặt chẽ gắn liền với BĐKH, chống sạt lở. Nếu không đánh giá được tác động môi trường, khả năng cung ứng nguồn cát san lấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ. Thực tế nhiều công trình dự án trọng điểm, nhất là đầu tư công triển khai chậm là do không có nguồn cát san lấp, vấn nạn khai thác cát lậu vốn nhức nhối, phức tạp.
Quan tâm khả năng phân cấp, phân quyền cho các tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện khi đường cao tốc đi; mạnh dạn giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các địa phương đủ điều kiện để đẩy nhanh tiến độ, trách nhiệm rõ ràng. Về kỹ thuật, điều kiện thi công đòi hỏi phức tạp thì Trung ương, Bộ Giao thông vận tải đóng vai trò là đầu mối dẫn dắt, không quá ôm đồm sẽ chậm tiến độ khi năm 2025 cũng không phải còn xa.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đánh giá, trong công tác triển khai, nhất là với thời gian rất ngắn 2022-2025, thì đòi hỏi quy trình đầu tư, mua sắm, đấu thầu, tổ chức triển khai thực hiện, giám sát phải hết sức đặc biệt và làm nhanh hơn mức bình thường so với các dự án đầu tư công hiện nay mới có thể hoàn thành theo dự kiến.
Có thể bạn quan tâm
Bến Tre: Đối ngoại phục vụ kinh tế, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại
13:57, 14/12/2021
Bến Tre phát triển bền vững về hướng Đông
21:25, 02/11/2021
Phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển, phát triển Bến Tre về hướng Đông
01:00, 31/10/2021
Bến Tre: Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng bối cảnh mới
15:39, 15/10/2021