Hải Dương: Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp để phát triển kinh tế

HẢI NGÂN 24/01/2022 01:03

Chuyển đổi số là động lực để thực hiện mục tiêu đưa Hải Dương bứt phá. Hải Dương rất mong các doanh nghiệp có tiềm năng về công nghệ thông tin, viễn thông sẽ cùng địa phương thực hiện mục tiêu này.

>>>Hải Dương: Vượt bão COVID để về đích sớm

>>>Hải Dương: Doanh nghiệp trẻ cần tích cực chuyển đổi số

Đó là khẳng định của ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương khi nói về định hướng chuyển đổi số của tỉnh Hải Dương trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp tại Hải Dương đang rất nỗ lực chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Các doanh nghiệp tại Hải Dương đang rất nỗ lực chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp còn loay hoay

Dù được cho là xu hướng tất yếu để hội nhập song nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tỉnh Hải Dương còn đang “loay hoay” khi khi tiếp cận công nghệ để thực hiện chuyển đổi số.

Theo ông Vũ Đình Bẩy - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vũ Công, đơn vị chuyên thu mua, chế biến nông sản, gia vị, rau củ qua cho biết, nhiều khâu trong quá trình sản xuất đã được hiện đại hóa để giảm phụ thuộc vào công nhân. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khi ứng dụng công nghệ hiện đại vào công đoạn thu mua nông sản từ người nông dân do nguồn vốn và nhân lực kỹ thuật có hạn.

>>>Hải Dương: Cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp mới thành lập

>>>Hải Dương: 53 sản phẩm được xếp hạng OCOP

Còn tại Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục Hải Dương, năm 2021, công ty này sử dụng phần mềm "Hebec School" hỗ trợ phụ huynh học sinh đặt sách và đồ dùng học tập trực tuyến qua app, thí điểm tại nhiều trường học ở TP Hải Dương và thị xã Kinh Môn. Tuy nhiên, vì số lượng học sinh nhiều, doanh nghiệp thiếu nguồn lực để hỗ trợ, phổ biến các tính năng của ứng dụng đến phụ huynh học sinh và cán bộ, giáo viên.

Theo ông Vũ Chí Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục Hải Dương, thời gian đầu thử nghiệm, có những lúc có hàng trăm lượt phản hồi trên ứng dụng nhưng nguồn lực để giải quyết thì còn hạn chế. Công ty hiện có chuyên viên kỹ thuật nhưng những công việc như lập trình, xử lý lỗi ứng dụng thì phải thuê, mua từ nguồn lực bên ngoài với chi phí đắt đỏ. Đây cũng là vướng mắc chung nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số.

Năm 2022 Hải Dương phấn đấu kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)

Năm 2022 Hải Dương phấn đấu kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, "chìa khóa vàng" để các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển bền vững. Để đồng hành với doanh nghiệp, Hải Dương đã và đang tích cực triển khai thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ và Đề án "Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tăng cường hợp tác

Ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hải Dương sẽ có nhiều cơ hội để phát triển trong thời gian tới. Một số hiệp định thương mại, đầu tư ký kết giữa Việt Nam và quốc tế với nhiều chính sách có hiệu lực giúp các doanh nghiệp có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Làn sóng chuyển dịch đầu tư đến Việt Nam tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hải Dương tham gia vào chuỗi cung ứng và cung cấp lao động, việc làm. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với kinh tế số, chuyển đổi số đang mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp bứt phá, phát triển.

Tỉnh Hải dương hiện có khoảng 17.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Việc ứng dụng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thích ứng an toàn trong mùa dịch COVID-19

Tỉnh Hải dương hiện có khoảng 17.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Việc ứng dụng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thích ứng an toàn trong mùa dịch COVID-19

Mới đây, tỉnh Hải Dương cùng Liên minh Công ty Cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) và Công ty Cổ phần thiết bị và truyền thông NGS đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi số. Việc ký kết nhằm huy động nguồn lực để đề xuất lộ trình chuyển đổi số toàn diện cho Hải Dương và phối hợp triển khai một số giải pháp tiến bộ về chuyển đổi số, giải pháp Trung tâm Đổi mới Sáng tạo. Đặc biệt, tăng cường hợp tác giữa Hải Dương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đưa Hải Dương sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số.

Đại diện Liên minh SAIGONTEL-NGS cho biết, doanh nghiệp sẽ triển khai các giải pháp phù hợp với Hải Dương, có lộ trình cụ thể, đồng hành cùng Hải Dương để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.

Ông Phạm Xuân Thăng cho biết: Hải Dương xác định chuyển đổi số là động lực để thực hiện mục tiêu đưa tỉnh phát triển bứt phá trong thời gian tới. Vì vậy, tỉnh rất mong muốn các doanh nghiệp có tiềm năng về công nghệ thông tin và viễn thông sẽ góp phần cùng Hải Dương thực hiện mục tiêu này. Đồng thời mong muốn Liên minh SAIGONTEL-NGS sẽ mang những giải pháp sáng tạo nhất, phù hợp với Hải Dương để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó có nội dung hình thành và phát triển Trung tâm Đổi mới Sáng tạo của tỉnh.

Hải Dương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số và đã triển khai một số nội dung. Hải Dương cam kết tạo thuận lợi nhất về cơ chế, lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực để triển khai các nội dung hợp tác. Trong đó, tập trung vào xây dựng xã hội số và phát triển Trung tâm Đổi mới Sáng tạo tư nhân của tỉnh. Trung tâm này sẽ là tác nhân thúc đẩy sự chuyển đổi sang nền công nghiệp có giá trị gia tăng lớn hơn nhờ công nghệ và trí tuệ nhân tạo”, ông Thăng nhấn mạnh.

Về kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số, năm 2022 Hải Dương phấn đấu kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền internet cáp quang băng rộng đạt 70%; bảo đảm toàn tỉnh không có vùng lõm trong phổ cập dịch vụ mạng di động

4G; bước đầu triển khai dịch vụ mạng di động 5G tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 70%; tối thiểu mỗi thôn, khu dân cư có 1 điểm truy cập wifi miễn phí. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử và chữ ký số cá nhân lần lượt đạt 70% và 20%. Tỷ lệ dân số có kỹ năng số cơ bản đạt 30%. Bước đầu triển khai xây dựng TP Hải Dương, TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn là đô thị thông minh.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh - Hải Dương - Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng lên tầm cao mới

    Quảng Ninh - Hải Dương - Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng lên tầm cao mới

    00:53, 23/01/2022

  • Hải Dương: Vượt bão COVID để về đích sớm

    Hải Dương: Vượt bão COVID để về đích sớm

    13:11, 18/01/2022

  • Hải Dương đề xuất thực hiện 800 dự án quy mô 6.000 ha

    Hải Dương đề xuất thực hiện 800 dự án quy mô 6.000 ha

    05:00, 16/01/2022

  • Hải Dương: Doanh nghiệp trẻ cần tích cực chuyển đổi số

    Hải Dương: Doanh nghiệp trẻ cần tích cực chuyển đổi số

    15:27, 15/01/2022

  • Hải Dương: Cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp mới thành lập

    Hải Dương: Cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp mới thành lập

    01:36, 13/01/2022

HẢI NGÂN