Vụ lấn sông Hàn Đà Nẵng: Đừng để sai lầm lịch sử kéo dài
Theo các chuyên gia, nếu TP Đà Nẵng tiếp tục giữ nguyên các khu vực lấn chiếm sông Hàn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường cho mai sau, vì vậy không thể kéo dài thêm.
>>Đà Nẵng cần quy hoạch phát triển không lệ thuộc vào đất đai
Sau nhiều năm, TP Đà Nẵng vẫn chưa thể tìm ra phương án giải quyết thấu đấu đối với dự án được cấp phép lấn sông Hàn là dự án Bất động sản và Bến du thuyền (Marina Complex) do Công ty CP Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư và dự án Olalani do Công ty CP Mỹ Phúc làm chủ đầu tư gây xôn xao dư luận.
Đe dọa vùng trũng
Từ tháng 5/2019, dự án Bất động sản và Bến du thuyền (Marina Complex) do Công ty TNHH Bất Động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng thực hiện đã thi công phần bờ kè và san nền dọc theo bờ sông Hàn Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau đó dự án này phải tạm dừng thi công vì bị người dân cũng như dư luận, các nhà khoa học phản đối.
Theo nhiều người, việc thi công bờ kè bê tông cứng sẽ gây ảnh hưởng đến dòng chảy, thu hẹp khả năng thoát lũ tại cửa sông và gây mất mỹ quan khi thi công phần bờ kè lấn ra sông Hàn. Sau đó, TP Đà Nẵng cũng đã yêu cầu tạm dừng triển khai dự án để rà soát các vấn đề liên quan về pháp lý và quy hoạch, yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến phản biện liên quan đến việc triển khai các dự án lấn sông Hàn này.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại địa phương vẫn chưa thể tìm ra phương án xử lý dứt điểm khiến sự nhức nhối vẫn kéo dài. Nếu không sớm giải quyết, hậu họa sẽ đến sớm với các vùng trũng cũng như quy hoạch chung của địa phương.
Theo kiến trúc sư Hoàng Sừ - Hội phát triển quy hoạch đô thị Việt Nam Cửa Hàn tại vị trí tiếp nối với biển rộng khoảng 700m. Năm 2009 TP Đà Nẵng tiến hành mở đường Như Nguyệt (quận Hải Châu) đã lấn ra sông hơn 100m. Đến năm 2018 lại cấp phép làm Marina Complex lấn thêm 100m nữa gây ảnh hưởng rất nhiều đến dòng chảy.
“Mất 200m cửa sông (30%) thì hậu họa rất khôn lường. Với tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay ,với nạn phá rừng tràn lan, đặc biệt là tình trạng lấp hàng ngàn ha đồng ruộng trũng làm biến mất các hồ chứa tự nhiên, đổ đất lấn hẹp lòng sông hàng trăm met làm khu đô thị.... đang diễn ra dữ dội với qui mô lớn ở TP Đà Nẵngtrong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão lũ như “đại hồng thủy” năm 1964, 1999, lúc đó thành phố sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan”, kiến trúc sư Hoàng Sừ nhận định.
Cũng theo người này, việc thành phố dừng mà không gỡ bỏ dự án thì nguy cơ ngập lụt, phá hủy bờ và các kết cấu xung quanh khi lũ lịch sử ào đến là khó tránh khỏi. Khi đó, các vùng phía Nam Đà Nẵng “bất đắc dĩ” trở thành các hồ chứa, như thế đời sống của người dân lại bị ảnh hưởng tiêu cực.
“Nếu thành phố xác định gỡ thì phải tính đến phương án thế nào khi các bên đã có những công trình kiên cố. Đà Nẵng cần sớm tìm ra phương án giải quyết, không nên kéo dài mãi gây thêm các hậu họa”, ông Hoàng Sừ nói thêm.
Không nên kéo dài sai lầm
Đã 2 lần TP Đà Nẵng tổ chức phản biện về 2 dự án lấn sông Hàn, tuy nhiên các kết quả phản biện vẫn chưa đưa ra được một phương án chung nhất về việc giải quyết vấn đề. Theo nhiều chuyên gia, việc lấn sông Hàn làm dự án là một sai lầm, và sai lầm ấy cần được gỡ bỏ sớm, không nên kéo dài.
Ông Hồ Duy Diệm – Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam cho rằng cần phải đặt vấn đề việc lấn đất sông Hàn là sai luật bảo vệ môi trường tại sao mãi không thể giải quyết? Theo ông Diệm, việc làm mất cân bằng sinh thái của dòng sông sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho cả nhân dân và quy hoạch.
“Ngay tại Đà Nẵng cũng đã ký một quy định để thực hiện luật bảo vệ môi trường vào năm 2015, nhưng 2016 lại ký quyết định cấp đất để làm dự án. Việc này rất nguy hiểm, như vậy sẽ đẩy dòng nước qua phía Tây sông Hàn làm bở kè đường Như Nguyệt xói lở, làm ngập khu Thuận Phước và kéo dài sẽ lan rộng ra các khu vực khác và thực tế đã diễn ra đúng như vậy”, ông Hồ Duy Diệm nói.
Cũng theo đánh giá của ông Diệm, tại cuộc họp phản biện đầu tiên đã có nhiều nhà khoa học cho rằng đó là sai lầm cần được tháo dỡ là một kết quả khả thi. Nhưng tại cuộc họp thứ 2, vấn đề mới xuất hiện là nếu tháo dỡ phải bồi thường cho doanh nghiệp một số tiền lớn khiến việc giải quyết trở nên lủng củng.
“Thành phố vẫn không xác định rõ người vi phạm là ai dẫn đến việc phải bồi thường cho doanh nghiệp, như thế lại phải chấp nhận cho tồn tại. Nhưng nếu tồn tại thì tại khu vực đó sẽ xây dựng nhà cao tầng, lấn sông thì lại ảnh hưởng tiêu cực đến thành phố. Nếu quyết liệt, thành phố cần cho gỡ bỏ dự án trả lại cửa sông, không nên để sai lầm lịch sử kéo dài thêm. Nếu không làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức đã tham gia vào dự án trên, thì đồng nghĩa với việc Đà Nẵng đồng thuận với sai lầm”, Chủ tịch Hội bảo vệ lưu vực và dải biển nói thêm.
Vào tháng 11/2021 vừa qua, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo lần hai phản biện xã hội về phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn. Đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng với lần điều chỉnh mới nhất thì địa phương phải bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để bồi thường cho hai chủ đầu tư do đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với đất ở và đất thương mại, dịch vụ trước đó.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin
Có thể bạn quan tâm