Đà Nẵng: Mở rộng cửa thu hút nhà đầu tư công nghệ thông tin - viễn thông
TP Đà Nẵng xác định, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư.
>>Đà Nẵng tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Hạ tầng đi trước đầu tư
Trong những năm qua, doanh thu ngành công nghệ thông tin (CNTT) tại Đà Nẵng tăng trưởng bình quân 20%/năm. Từ đó, ngành này cũng dần trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của TP Đà Nẵng.
Đặc biệt, xuất khẩu phần mềm tăng trưởng bình quân 25%/năm. Trong đó, Nhật Bản (36%) và Mỹ (36%) là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin khá đồng bộ. Trong đó, địa phương này đã quy hoạch rõ 2 vành đai phát triển gồm vành đai phát triển công nghệ cao ở phía Bắc và vành đai đổi mới sáng tạo ở phía Nam.
Tại khu công nghệ thông tin tập trung thứ 2 được Chính phủ công nhận của TP Đà Nẵng nay cũng đã được đầu tư đồng bộ, sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật cho nhà đầu đến và làm việc. Hiện tại, đã có 3 nhà đầu tư đang hoạt động và còn nhiều nhà đầu tư khách cũng đang có ý định đến để phát triển.
Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư Trung tâm Đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, diện tích 17ha tại quận Cẩm lệ, với mục tiêu phát triển các khu nghiên cứu và phát triển (R&D), khu sản xuất phần mềm, văn phòng, căn hộ, khu dân cư, biệt thự và các dịch vụ liên quan.Cùng với đó, thiết lập cổng quốc tế cho các trung tâm kết nối và lưu trữ dữ liệu với hạ tầng trạm trao đổi Internet hiện đại và Trung tâm Dữ liệu lớn, đưa Đà Nẵng trở thành Trung tâm kỹ thuật số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 12.000 tỷ đồng.
Ông Lê Sơn Phong - Phó Giám đốc Sở Thông tin &Truyền thông Đà Nẵng cho biết một trong những lợi thế thu hút nhà đầu tư của địa phương là cơ chế, chính sách được bổ sung, cập nhật đầy đủ, kịp thời và thường xuyên. Theo ông Phong, thành phố đang triển khai Đề án thành phố thông minh với lộ trình rõ ràng, kỹ lưỡng, được các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận là một điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư.
“Hạ tầng phải đi trước, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông phải sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, ông Phong cho hay.
Là một đơn vị đầu tư lớn tại Đà Nẵng, trong năm 2021 Tập đoàn TrungNam Group đã đầu tư vào khu vực Đà Nẵng hơn 2.579 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 845 tỷ đồng. Chỉ trong quý 2/2022 đơn vị tiếp tục nộp ngân sách hơn 402 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2022 Trung Nam Group tiếp tục đầu tư tại khu vực Đà Nẵng với giá trị đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị sẽ hiện thực hóa Dự án Data Center theo tiêu chuẩn Tier 3 Plus với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 triệu USD.
Đồng thời, phía đơn vị sẽ đưa vào vận hành tối thiểu 2 nhà máy sản xuất điện tử tại Khu Công nghệ thông tin tập trung. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các nhà máy xây sẵn theo chuẩn quốc tế, đầu tư và phát triển khu R&D phục vụ cho nghiên cứu phát triển góp phần vào việc biến Đà Nẵng thành một trong những điểm kết nối hiệu quả trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thu hút nhà đầu tư tiềm năng
Ông Phạm Trường Sơn - Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) thông tin trong năm 2022 đơn vị sẽ tập trung thu hút đầu tư và lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, thân thiện, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,... Ngoài ra, các lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao F&D, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí,... cũng sẽ được ưu tiên mời gọi.
Theo ông Sơn, Đà Nẵng chú trọng thu hút đầu tư các dự án lớn sản xuất hàng xuất khẩu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, thành phố sẽ không tiếp nhận các dự án có sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, không thân thiện với môi trường, đặc biệt các dự án ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh.
“Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian tới sẽ đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng như các thị trường, đối tác hiện tại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Đồng thời, chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500) và doanh nghiệp tại các nước phát triển (khối G7, OECD)”, ông Phạm Trường Sơn cho hay.
Cũng theo ông Sơn, đối với đầu tư trong nước địa phương sẽ tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Đồng thời khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính và công nghệ từ người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực R&D, công nghệ thông tin, công nghệ cao.
Trước đó, tại lễ ra quân đầu năm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay Đà Nẵng sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức để khắc phục hậu quả dịch bệnh. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ sớm hoàn thành các dự án và triển khai các dự án trọng điểm, mang tính chất đột phá để góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Chinh cho biết TP Đà Nẵng vẫn còn dư địa và còn nhiều tiềm năng lớn nên các nhà đầu tư có thể yên tâm đến để sản xuất và phát triển. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cam kết hỗ trợ hết sức mình để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư có hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm