Hải quan Quảng Ninh: Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho doanh nghiệp
Thời gian qua, Hải Quan Quảng Ninh đã có những đột phá mạnh mẽ gỡ khó rất nhiều “điểm nghẽn” cho các doanh nghiệp hoạt động XNK qua địa bàn.
>>>Quảng Ninh: Móng Cái tập trung thu hút đầu tư và xuất nhập khẩu hàng hóa
>>>Tại sao Quảng Ninh xây dựng KCN Đông Mai thành điển hình?
Năm 2021 Hải quan Quảng Ninh có sự đột phá trong việc đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, gỡ khó rất nhiều “điểm nghẽn” cho các doanh nghiệp XNK qua địa bàn.
Gỡ điểm nghẽn trong quản lý nhà nước
Theo ông Ngô Xuân Hiệp - Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả chia sẻ: Việc quy định doanh nghiệp tập kết đủ hàng hóa trên các sà lan tại khu vực cảng nổi trước khi tiến hành kiểm tra, lấy mẫu đối với hàng xuất khẩu đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, như: không đủ vị trí neo đậu cho sà lan; khu vực cảng nổi thời tiết có diễn biến rất bất thường hay có sóng to, gió mạnh... không an toàn cho phương tiện... Do đó, công tác giám sát có nhiều khó khăn vướng mắc. Trong khi đó, khu neo đậu hiện hữu tại khu vực này đang quá tải, thậm chí có nhiều thời điểm, phương tiện vận tải XNK phải neo đậu tại phao số 0 để chờ đợi điểm neo tại khu chuyển tải Hòn Nét, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp do bị hãng tàu phạt dôi nhật.
Thực tế cho thấy, tại các khu vực cảng nổi trên địa bàn tỉnh hiện nay thường xuyên có nhiều phương tiện thủy nội địa di chuyển trong khu vực cảng để chở hàng hóa XNK, vận chuyển hàng nội địa. Chính vì vậy, việc tổ chức thực hiện giám sát đối với hàng xuất khẩu được chở trên các sà lan trong khu vực cảng nổi để giao nhận, bốc xếp hàng hóa là rất khó khăn.
Trước những bất cập đó, ngày 16/2/2022, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) thực hiện khảo sát thực tiễn hoạt động XNK hàng hóa, XNC phương tiện tại khu vực Cảng Hòn Nét. Đồng thời, tổ chức hội nghị về công tác quản lý, giám sát đối với hàng hóa XNK, phương tiện vận tải XNC chuyển tải, sang mạn tại các khu vực cảng nổi, khu neo đậu.
Đồng thời, đề xuất phương án kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tại các khu vực cảng nổi, khu neo đậu (Hòn Nét, Cửa Dứa, Vạn Gia...). Cụ thể, với công tác kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu là hàng rời tại các cảng nổi, ngoài việc thực hiện theo quy định hiện hành, nếu phát sinh trường hợp doanh nghiệp không đủ phương tiện sà lan chở hàng đến địa điểm tập kết tại cảng nổi hoặc do điều kiện thời tiết, điều kiện an toàn hàng hải, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tập kết, xuất trình hàng hóa trên tàu biển quốc tế (tàu sẽ chở hàng xuất khẩu) để kiểm tra thì cho phép doanh nghiệp được xếp lên tàu biển quốc tế. Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro khi thực hiện hoạt động giám sát hải quan đối với hàng hóa và phương tiện vận tải trên cơ sở thu thập thông tin về phương tiện, hàng hóa xuất khẩu…
>>>Quảng Ninh vừa sản xuất vừa chống dịch trong Khu công nghiệp như thế nào?
>>>Quảng Ninh xây thêm 750m cầu trên cao tốc để bảo vệ rừng ngập mặn
Trường hợp phương tiện, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, rủi ro thấp thực hiện giám sát cơ động, giám sát theo khu vực, kết hợp với hoạt động tuần tra, kiểm soát địa bàn và phối hợp với lực lượng chống buôn lậu, các lực lượng chức năng trên địa bàn. Cho phép cơ quan hải quan thực hiện giám sát đối với hàng hóa kể từ khi phương tiện nội địa chở hàng hóa xuất khẩu cập mạn tàu biển quốc tế để giao nhận, bốc xếp hàng hóa.
Ông Đào Duy Tám - Phó cục trưởng Cục giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) khẳng định: Sau khi đi khảo sát thực tế và lắng nghe ý kiến góp ý của các đơn vị chức năng liên quan, đơn vị sẽ tiếp thu các nội dung đề xuất của Cục Hải quan Quảng Ninh để đưa vào Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38 và Thông tư 39 về công tác quản lý hải quan đối với phương tiện vận tải XN cảng và hàng hóa XNK tại cảng nổi. Từ đó tháo gỡ được những điểm nghẽn trong công tác quản lý, giám sát đối với hàng hoá và phương tiện vận tải sang mạn tại các khu vực cảng nổi, thúc đẩy hoạt động XNK qua khu vực cảng biển của Quảng Ninh được thuận lợi hơn nữa.
Doanh nghiệp chấm điểm cán bộ, công chức
Tháng 5/2021, Cục Hải quan Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên trong toàn ngành chính thức vận hành “Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức hải quan trong quá trình giải quyết thủ tục”. Đây được coi là kênh thông tin quan trọng để doanh nghiệp giám sát, phản ánh chất lượng phục vụ của công chức hải quan tại các chi cục hải quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, tạo động lực để lãnh đạo các cấp và từng công chức hải quan nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tính đến hết tháng 12/2021, toàn cục đã có 1.130 doanh nghiệp tham gia đánh giá, tỷ lệ đạt 88%. Trong đó, đáng ghi nhận một số đơn vị đã có tỷ lệ doanh nghiệp tham gia tăng rất cao so với thời điểm mới triển khai như: Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái đã tăng từ 55% lên 88%; Chi cục Hải quan Cửa khẩu Bắc Phong Sinh đã tăng từ 70% lên 93%; Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hòn Gai đã tăng từ 65% lên 88%.
Ông Ngô Tùng Dương - Trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hòn Gai, cho biết: Nếu từng công chức được doanh nghiệp chấm điểm tốt có nghĩa là chi cục ấy đã làm rất tốt các thủ tục thông quan, hỗ trợ về chính sách, nắm bắt khó khăn cho doanh nghiệp và ngược lại. Vì vậy, chi cục đã yêu cầu từng cán bộ, công chức phải nâng cao trình độ nghiệp vụ, sát sao với doanh nghiệp để đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian thông quan cho doanh nghiệp.
Sự chuyển động của từng chi cục và từng cán bộ, công chức hải quan đã được thể hiện rất rõ thông qua kết quả thống kê của hệ thống. Ghi nhận cho thấy, các doanh nghiệp đã tập trung hầu hết số lượng phiếu đánh giá vào mức đánh giá “Rất hài lòng”. Các mức độ đánh giá còn lại chỉ chiếm tỷ lệ dưới 2% so với tổng lượng phiếu đánh giá. Trong đó, tại cấp chi cục có 3 phiếu “Rất không hài lòng”; cấp đội có 1 phiếu “Rất không hài lòng”; cấp nghiệp vụ có 1 phiếu “Không hài lòng”. Ngay khi tiếp nhận các phiếu đánh giá với kết quả chấm điểm thấp này, bộ phận được giao quản lý, theo dõi, vận hành hệ thống đã thực hiện báo cáo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh và đề xuất phương án xử lý theo đúng quy trình xác minh thông tin.
Ông Hoàng Tuấn Anh - Đại diện Công ty TNHH Cung ứng hàng hoá Thăng Long (TP Đà Nẵng), cho biết: Chúng tôi mở rất nhiều tờ khai ở các tỉnh, thành khác như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, nhưng việc doanh nghiệp được tham gia chấm điểm trực tiếp công chức thì mới chỉ có ở Hải quan Quảng Ninh. Điều này cho thấy, doanh nghiệp luôn được đặt vào vị trí trung tâm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành. Từ đó, phản ánh đúng thực tế chất lượng phục vụ tại các khâu, các đội, đơn vị, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu với môi trường minh bạch, công bằng.
Trên cơ sở thành công bước đầu của “Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức hải quan trong quá trình giải quyết thủ tục”, năm 2022, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh phấn đấu sẽ duy trì tỷ lệ 95% số lượng doanh nghiệp hoạt động XNK qua địa bàn tham gia đánh giá chất lượng phục vụ trên hệ thống. Đồng thời, chuyển hóa các kết quả đánh giá từ hệ thống trở thành một chỉ số thành phần và làm căn cứ đánh giá năng lực cạnh tranh của các chi cục hải quan trực thuộc.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Phát triển Hải Hà thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo
20:44, 22/02/2022
Cục thuế Quảng Ninh thu ngân sách được 4.091 tỷ đồng như thế nào?
19:19, 21/02/2022
Tại sao Quảng Ninh xây dựng KCN Đông Mai thành điển hình?
18:15, 21/02/2022
Quảng Ninh: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong tình hình mới
02:05, 20/02/2022
Quảng Ninh vừa sản xuất vừa chống dịch trong Khu công nghiệp như thế nào?
01:02, 19/02/2022