Cục thuế Hải Phòng: Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chính sách thuế
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, Cục Thuế Hải Phòng đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chính sách thuế.
>>>Giảm thuế giá trị gia tăng: Ngành thuế Hải Phòng nói gì?
>>>Cục Thuế Hải Phòng: Giải đáp thắc mắc về chính sách thuế cho doanh nghiệp
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Thực hiện nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ banh hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% trong năm 2022 với nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ. Song, thời gian đầu áp dụng giảm thuế suất GTGT phát sinh nhiều lúng túng, vướng mắc trong doanh nghiệp, người nộp thuế. Cục thuế thành phố chủ động đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
Theo lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng cho biết: cơ quan đã tăng cường hỗ trợ người nộp thuế, doanh nghiệp bằng các phần mềm ứng dụng trực tuyến qua internet như TeamViewer, Zalo; công bố đường dây nóng, tăng cường số điện thoại hỗ trợ, để kịp thời hỗ trợ người nộp thuế một cách nhanh chóng nhất để người nộp thuế yên tâm. Đồng thời, ngành thuế giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử nhanh, gọn ngay từ khi có dịch. Bên cạnh đó, Cục Thuế còn chỉ đạo quyết liệt công tác thanh, kiểm tra; triển khai kịp thời và giao nhiệm vụ thu nợ tới từng đơn vị. Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Tăng cường quản lý đối tượng thu, theo dõi sát tiến độ thu ngân sách ngay từ những ngày đầu năm để kịp thời triển khai các giải pháp quản lý thu, khai thác tăng thu.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS code khi nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu. Một yếu tố khách quan nữa là do Nghị định 15/ 2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2022, thời điểm Tết Nguyên đán, nên việc tiếp cận nội dung quy định của doanh nghiệp, người nộp thuế còn hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp thắc mắc về thời điểm áp dụng khi hàng hóa được bàn giao, dịch vụ hoàn thành trước đó, nhưng đến thời điểm nghị định có hiệu lực mới xuất hóa đơn. Với doanh nghiệp sản xuất lại băn khoăn trong vấn đề áp dụng thuế suất giá trị gia tăng đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, nhất là trong trường hợp nguyên vật liệu nhập khẩu không được giảm thuế, trong khi đó sản phẩm của doanh nghiệp lại không ở danh mục không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Do vướng mắc khi áp dụng Nghị định 15, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân gửi văn bản, ý kiến đến Cục thuế TP Hải Phòng để được giải đáp. Có trường hợp băn khoăn về việc lập hóa đơn, kê khai khấu trừ thuế khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải và các dịch vụ khác cho khách hàng mà không thể tách riêng được doanh thu từ hoạt động vận tải và doanh thu từ các hoạt động khác. Hay Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, trụ sở tại quận Hải An có văn bản đề nghị Cục thuế TP Hải Phòng hướng dẫn về việc thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng của các đơn vị phụ thuộc.
>>>Cục thuế Hải Phòng: Kiểm tra gần 1800 doanh nghiệp tăng thu thêm 323 tỷ đồng
Vừa qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn logistics Highpass Việt Nam, trụ sở quận Hải An lại có những băn khoăn về quy định các đối tượng được áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng, nhất là với hoạt động dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải mà doanh nghiệp đang thực hiện. Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực hay kinh doanh dịch vụ hoa tiêu hàng hải cung cấp cho tổ chức nước ngoài hoặc thông qua đại lý tàu biển, thắc mắc và đề nghị hướng dẫn về chính sách thuế giá trị gia tăng về khấu trừ thuế; về hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; về quy định xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa…
Giải đáp cụ thể…
Được biết, Cục thuế TP Hải Phòng vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để hướng dẫn tra cứu theo tên sản phẩm hoặc mã ngành sản phẩm; xác định hàng hóa, dịch vụ có thuộc hay không thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng. Những ý kiến, thắc mắc của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được Cục thuế TP Hải Phòng có văn bản trả lời, giải đáp cụ thể trên cơ sở các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung, tài liệu hướng dẫn được Cục thuế TP Hải Phòng đăng tải công khai trên website, hướng dẫn trên các kênh YouTube, zalo của đơn vị. Số điện thoại hỗ trợ của Cục thuế TP Hải Phòng và các cục thuế khu vực được đăng tải công khai để doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh liên hệ khi cần thiết.
Trước đó, Tổng Cục thuế cũng có thông báo về việc nâng cấp giải pháp lập hóa đơn điện tử, đồng thời đề nghị các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử thực hiện nâng cấp giải pháp hóa đơn điện tử để hỗ trợ người nộp thuế áp dụng lập hóa đơn theo quy định.
Song, Cục thuế TP Hải Phòng cũng lưu ý người nộp thuế tra cứu sản phẩm xuất bán theo mã sản phẩm quy định tại Quyết định số 43/ 2018/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam và đối chiếu với các sản phẩm, dịch vụ không được giảm quy định tại các phụ lục ban hành kèm Nghị định 15 để không áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng nếu trùng khớp.
Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng; trường hợp không lập hóa đơn riêng thì không được giảm thuế.
Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ 1% để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điện điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
Trường hợp cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết (nếu có) và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì cơ sở kinh doanh thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 2 % thuế suất thuế giá trị gia tăng hoặc giá đã giảm 20 % mức tỷ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.
Theo ông Nguyễn Trung Tuyên - TGĐ Công ty CP tư vấn và ĐT xây dựng CDS cho biết: Dịch COVID-19 đã khiến cho hoạt động của Công ty bị chững lại. Từ tháng 2/2022 doanh nghiệp được giảm thuế VAT 2%, tuy không nhiều, nhưng đó là nguồn động viên, giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn vượt qua đại dịch.
Chủ trương của lãnh đạo Cục thuế TP Hải Phòng luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hải Phòng trong việc kê khai, áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là chủ trương lớn của Chính phủ tác động sâu rộng tới cả doanh nghiệp, người dân, là giải pháp kích cầu, từ đó phục hồi kinh tế sau những tác động từ đại dịch COVID- 19. Do đó, bên cạnh hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân, ngành thuế TP Hải Phòng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hải Phòng gặp vô vàn khó khăn, nhưng với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, cục thuế Hải Phòng đã kịp thời triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả, gỡ khó cho doanh nghiệp trong thời COVID.
Có thể bạn quan tâm