Hải Phòng: Thức ăn tăng “phi mã”, người chăn nuôi tìm cách xoay xở
Thức ăn chăn nuôi đã có 10 lần điều chỉnh tăng giá, người chăn nuôi đang xoay xở tìm cách thích ứng phù hợp để giảm thiểu chi phí, rủi ro.
>>>Chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Từ cuối năm 2020 đến nay, thức ăn chăn nuôi đã có 10 lần điều chỉnh giá liên tiếp, tăng khoảng 40%. Hiện nay, giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt khoảng 12.500 đồng đến gần 13.000 đồng/kg. Giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt khoảng 12.300 đồng/kg.
Người chăn nuôi đối mặt với thua lỗ
Ông Ngô Văn Đón (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho biết, hơn 2 năm trước ông đã xây dựng 3.500m2 bể và 2.000m2 ao nuôi tôm theo công nghệ cao Israel và đầu tư vào đó gần 20 tỷ đồng nhưng từ năm trước đến năm nay đã lỗ mất 1,3 – 1,4 tỷ đồng.
Ông Đón cho biết thêm, có thời điểm thức ăn chăn nuôi ghi nhận tăng tới 5-6%. Không chỉ thức ăn chăn nuôi tăng tăng, tất cả các chế phẩm sinh học đều tăng, như: men tiêu hoá, sản phẩm tăng kiềm cho tôm cứng vỏ… đều tăng trong khi giá tôm thương phẩm thì giảm sâu, giảm đến 100 nghìn đồng/kg. Tôm loại 30 con/kg giá bán chỉ còn 120.000 đồng – 130.000 đồng/kg (trước kia là 220.000 – 250.000 đồng/kg).
"Đợt vừa rồi gia đình tôi nuôi được mớ tôm lớn nhưng 6 tấn tôm bán lỗ gần 40 triệu đồng. Miền Bắc không có nổi một nhà máy mua tôm chế biến, xuất khẩu, người nông dân đành phải bán cho thương lái, bị ép giá xuống rất thấp. Biết rằng càng nuôi càng lỗ nhưng đã đầu tư số tiền lớn giờ cũng không thể bỏ không nuôi. Người nông dân quá khó khăn" – ông Đón ngậm ngùi.
Ông Đỗ Văn Đích – chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi tại Thuỷ Nguyên cho biết, từ tháng 11/2020, giá cám chăn nuôi bắt đầu tăng, đến nay đã tăng 9 lần giá, trong đó tăng mạnh từ tháng 4 đến tháng 6/2021. So với thời điểm tháng 7/2020, hiện nay giá mỗi bao cám tăng gần 100.000 đồng.
Gia đình ông Vũ Văn Chính - Đông Hưng cho biết, hiện gia đình ông đang nuôi 50 con lợn nái, 150 lợn thịt và 50 con lợn sữa. Trung bình mỗi tháng gia đình ông tiêu thụ trên 800 bao cám. So với thời điểm tháng 7/2020, hiện nay giá mỗi bao cám tăng từ 50.000 - 70.000 đồng, chi phí cho chăn nuôi của gia đình ông tăng thêm khoảng 50 triệu đồng/tháng. Với tình hình như hiện nay, những trang trại chăn nuôi tự cung cấp được con giống thì còn có lãi chút ít, những hộ phải đi mua lợn giống ở ngoài thì sẽ bị lỗ nếu giá lợn hơi duy trì hoặc giảm nữa.
Ông Đặng Quang Hào cho biết, hiện đang có trang trại nuôi gà 3.000 con, chuyên cung cấp gà sạch cho Đông Hưng, TP Thái Bình và các địa phương lân cận. Đã từng có thời điểm gia đình ông phất lên bằng việc nuôi gà nhưng gần đây lại đang phải chịu áp lực rất lớn về vấn đề giải quyết thức ăn cho chúng. Thay vì nuôi từ 5-6 tháng là xuất bán, đến nay nhiều con gà nhà ông Hào đã phải nuôi tới 10 tháng. Để duy trì đàn gà, ông phải cắt giảm thức ăn cám, thay vào đó là cho ăn rau, cây chuối, bèo…
Ông Hào cho biết, những năm trước vào thời điểm mùa cưới hỏi, thương lái đến thu mua chục ngày là hết mấy nghìn con gà. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng tiêu thụ giảm, thương lái cũng chẳng thấy tới, mang ra chợ thì cũng chỉ bán cầm chừng với số lượng rất ít, mà giá lại rẻ, giảm mỗi ngày (hôm trước 70.000 đồng/kg, hôm sau đã xuống 60.000 đồng/kg). Hiện, nhà tôi còn hơn 2.000 con đã quá kỳ xuất bán nhưng không có người mua. Trong khi đó, mỗi ngày gia đình vẫn phải chi hàng triệu tiền thức ăn.
Xoay sở tìm giải pháp
>>Thị trường thức ăn chăn nuôi có đang bị thao túng?
>>Cần có chiến lược phát triển nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm từ 65 - 70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Trước tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi giá sản phẩm chững lại, người chăn nuôi hiện đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ và đứt gãy chuỗi sản xuất. Do đó, việc thắt chặt chi phí đầu tư, cắt giảm đàn, sử dụng phế phẩm nông nghiệp... đang là lựa chọn của nhiều hộ chăn nuôi.
Nhờ sản xuất thức ăn viên khô từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương nên ông Trần Văn Hoạt, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) vẫn duy trì được quy mô đàn gà từ 1.000 - 2.000 con/lứa.
Theo ông Hoạt, năm 2017, gia đình ông Hoạt được tham gia mô hình sản xuất thức ăn viên khô tự chế từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương cho chăn nuôi gia cầm thương phẩm. Khi sử dụng thức ăn viên khô tự chế gia đình ông có thể giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/kg thức ăn so với thức ăn công nghiệp trên thị trường.
Thức ăn do gia đình tự sản xuất bảo đảm chất lượng kết hợp với nuôi gà thả vườn thay vì nuôi nhốt nên gà có chất lượng thịt thơm ngon, xuất bán được giá và được thị trường ưa chuộng, tránh được cảnh giảm đàn, trống chuồng. Nhờ áp dụng quy trình nuôi bằng thức ăn khô gia đình tự chế nên sau khi trừ tất cả chi phí thu lãi khoảng 50 triệu đồng/lứa. Năm 2021, gia đình tôi nuôi 2 lứa gà thịt thương phẩm đã bán và thu lãi khoảng 100 triệu đồng – ông Hoạt cho biết.
Chưa khi nào người chăn nuôi bị dồn vào thế khó như hiện tại. Để hướng tới chăn nuôi bền vững, gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín theo hình thức công nghiệp. Trung bình mỗi ngày, lợn nái tiêu tốn khoảng 2,5kg cám/con; lợn thịt tiêu tốn từ 1 - 5kg cám/con tùy theo tuổi lợn. Một tháng gia đình tôi mất khoảng 8 - 9 tấn cám. Với giá lợn hơi 55.000 đồng/kg, tôi chịu lỗ khoảng 10.000 đồng/kg. Đây là mức lỗ khi trang trại của tôi tự túc được con giống, còn các hộ chăn nuôi phải mua cả con giống thì mức lỗ còn cao hơn. Không thể để trống chuồng, lứa tới tôi dự định giảm đàn để bớt lỗ đồng thời hy vọng giá lợn sẽ tăng lên để người chăn nuôi có thu nhập – ông Nguyễn Văn Bắc, (Đông Hưng) chia sẻ.
Theo ông Dương Tất Thắng, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, rõ ràng, nông dân đang phải chịu cảnh “một cổ ba tròng” gia súc, gia cầm, thuỷ sản quá tuổi nhưng không xuất bán được nhưng vẫn phải nuôi để cầm cự, tốn chi phí, vốn ứ đọng, lại không thể vào lứa mới. Trước tình hình chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra khó tiêu thụ, nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là ưu đãi về vốn, lãi xuất vay, gỡ khó trong tiêu thụ sản phẩm để người nông dân tiếp tục sản xuất.
Theo khuyến nghị của ngành nông nghiệp, dự kiến giá thức ăn chăn nuôi thời gian tới vẫn tiếp tục tăng, vì vậy bên cạnh sự chủ động của người chăn nuôi, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường cập nhật thông tin cho người dân về tình hình chăn nuôi và thị trường các sản phẩm chăn nuôi; trên cơ sở quy hoạch các vùng chăn nuôi, khuyến khích người dân phát triển các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến để tạo nên sự ổn định về giá cả, sản phẩm và tạo thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi để hướng dẫn người dân sử dụng cám gạo, ngô, sắn, các loại cây làm thức ăn cho gia súc để tận dụng hết các phụ phẩm nông sản tại chỗ, giảm tỷ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Liên kết chuỗi doanh nghiệp nông dân trong hướng đi bền vững cho cây sắn
12:02, 09/04/2022
Nghịch lý giá thức ăn chăn nuôi tăng, thịt lợn hơi giảm mạnh
04:00, 26/08/2021
Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, nông dân lỗ nặng
09:00, 03/08/2021
Thức ăn chăn nuôi tăng cao: Doanh nghiệp đề xuất giảm thuế nhập khẩu
03:00, 28/07/2021