Quảng Ninh: Nhiều giải pháp tạo “lực hút” với nhà đầu tư
Xác định việc thu hút đầu tư sẽ giúp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Vì vậy, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh đã khai thông nhiều giải pháp mới để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.
>>>Quảng Ninh: Phát triển logictisc để tăng cường liên kết vùng
>>>Quảng Ninh: Quyết tâm đứng đầu cả nước về PCI
Linh hoạt các giải pháp xúc tiến đầu tư
Xác định việc thu hút các dự án đầu tư sẽ giúp tăng trưởng kinh tế của tỉnh mạnh mẽ hơn trong giai đoạn hiện nay, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh) đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều giải pháp mới để thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu, triển khai dự án tại tỉnh. Qua đó, đã thu được những kết quả tích cực, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Điển hình phải kể đến việc Ban đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập và triển khai Tổ công tác Hỗ trợ đầu tư (Investor Care) theo Quyết định số 1823/QĐ-UBND ngày 10/6/2021 của UBND tỉnh; tham mưu chủ trương triển khai hoạt động rà soát, bám sát tiến độ triển khai dự án FDI; hỗ trợ các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư; triển khai truyền thông, tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp đang có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và các nhà thầu đầu tư tiềm năng thông qua các phương thức tạo Zalo, mã QR dẫn trực tiếp tới OA Zalo, chatbox...
Hai năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, phương thức xúc tiến đầu tư (XTĐT) cũng đã được đổi mới theo hướng ưu tiên tập trung XTĐT tại chỗ và XTĐT tại điểm đến Quảng Ninh thay vì tổ chức các đoàn ra nước ngoài. Đồng thời, thay đổi phương thức XTĐT từ “trực tiếp” sang “trực tuyến”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác XTĐT như: Tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến; làm việc với nhà đầu tư và cung cấp thông tin qua điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng họp trực tuyến; thường xuyên cập nhật thông tin trên website xúc tiến đầu tư để phát triển website trở thành một kênh tham khảo thông tin hữu ích về đầu tư tại Quảng Ninh.
Cụ thể, ngày 20/4/2022 Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh (IPA) vừa có buổi làm việc trực tuyến với Tổ chức JETRO Hà Nội về các hoạt động tăng cường xúc tiến đầu tư thị trường Nhật Bản. Tại cuộc họp, ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện JETRO Hà Nội chia sẻ: Từ 15/3 du lịch Việt Nam mở cửa lại trong điều kiện mới, mở cửa đối với tất cả hình thức từ đường bộ, đường biển, đường sắt và hàng không tại tất cả các cửa khẩu, do vậy, thời gian tới sẽ có rất nhiều đoàn nhà đầu tư Nhật Bản đến thăm và nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư mới. Do vậy, Quảng Ninh luôn phải trong tâm thế sẵn sàng đón tiếp đối với các nhà đầu tư.
>>>Quảng Ninh kích cầu du lịch “Hạ Long - kỳ quan bừng sáng cùng SEA Games 31”
Trước đó, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh) cũng có buổi làm việc với Ngân hàng Sumitomo (Nhật Bản) về kế hoạch hợp tác và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh. Được biết, SMBC là thành viên của Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) – một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới với hệ thống chi nhánh tại 40 quốc gia – và là một trong ba ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản. SMBC còn là ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ lớn nhất trong các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam (tính tới thời điểm 31/12/2021), cung cấp một loạt các dịch vụ ngân hàng dành cho các doanh nghiệp thông qua các chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ông Shimanuki Kosuke, đại diện phòng kinh doanh Nhật Bản - Hàn Quốc (SMBC) đánh giá cao về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Quảng Ninh cũng như thông tin quảng bá đầu tư của tỉnh thể hiện qua các ấn phẩm tài liệu và Cổng thông tin điện tử xúc tiến đầu tư của tỉnh. Đồng thời chia sẻ mong muốn được hợp tác cùng Quảng Ninh trong công tác xúc tiến đầu tư từ thị trường Nhật Bản.
Tăng cường thu hút vốn FDI
Với mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2045 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, thời gian tới, các dự án FDI thu hút vào tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất các sản phẩm sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện môi trường.
Được biết, hiện nay tỉnh Quảng Ninh có 149 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt xấp xỉ 8,23 tỷ USD. Trong đó, có 89 dự án trên địa bàn các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,27 tỷ USD; 60 dự án ngoài KCN, KKT với tổng vốn đầu tư trên 3,96 tỷ USD. Luỹ kế vốn đầu tư thực hiện ước đạt 5,69 tỷ USD, đạt 70% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Quảng Ninh đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt để khống chế dịch bệnh nhanh chóng, đồng thời, nỗ lực để đảm bảo các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh được diễn ra an toàn và thuận lợi, thực hiện thành công mục tiêu kép.
Quảng Ninh cũng địa phương đã tổ chức rất thành công việc đón các chuyến bay đưa các chuyên gia và kỹ sư nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, giúp cho hoạt động của các doanh nghiệp được ổn định trong tình hình dịch bệnh.
Qua đó, càng làm sâu sắc và gắn bó mối quan hệ giữa Quảng Ninh và các đối tác. Cùng với đó, bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo luôn cầu thị, lắng nghe và không ngừng đổi mới; cùng với việc thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược trong cải cách hành chính, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực đã giúp Quảng Ninh ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đoàn Đình Cường - Phó Trưởng Ban IPA Quảng Ninh cho biết: Thời gian tới, dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh, IPA Quảng Ninh sẽ tiếp tục đổi mới linh hoạt trong hoạt động hỗ trợ, xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Trong đó, sẽ tập trung xúc tiến vào các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Mặt khác, sẽ tiếp tục phối hợp, xây dựng các kịch bản thu hút đầu tư, gắn với công tác tham mưu cho tỉnh; chủ động, hỗ trợ, phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông động lực, tạo chuỗi liên kết trong kết nối logistic, thúc đẩy liên kết vùng.
Qua đó, sẽ giúp khai thác tốt hơn những lợi thế của từng tỉnh, thành phố lân cận, tạo thành mối liên kết tương hỗ, nâng cao hiệu quả xúc tiến và thúc đẩy thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động, linh hoạt, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại
18:29, 17/04/2022
Quảng Ninh: Quyết tâm đứng đầu cả nước về PCI
05:26, 18/04/2022
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến đầu tư doanh nghiệp Hàn Quốc
01:23, 12/04/2022
Quảng Ninh: Vì sao cụm công nghiệp Phương Nam chưa có mặt bằng sạch
00:30, 13/04/2022