Bến Tre: Xoay trục về hướng đông

LÊ ĐỨC THỌ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre 24/06/2022 11:38

Phát triển kinh tế biển là trọng tâm của chiến lược phát triển về hướng Đông của tỉnh Bến Tre.

>>Bến Tre: Khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu Rạch Miễu 2

Phát triển Bến Tre về hướng đông, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững là một trong những nội dung lớn của Đại Hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, là một chủ trương quyết định sự phát triển đột phá cho bến tre trong giai đoạn tới.

Phát triển kinh tế biển là trọng tâm của chiến lược phát triển về hướng Đông của tỉnh Bến Tre.

Chiến lược phát triển

Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được hợp thành bởi 03 dãy cù lao: An Hóa, Bảo và Minh, do phù sa 04 nhánh sông Cửu Long (Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên) bồi tụ. Tỉnh có diện tích tự nhiên 2.394,8 km2, dân số 1.289,1 nghìn người, mật độ dân số là 538 người/km2 ; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 03 huyện biển: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.

Với vị trí địa lý khá thuận lợi, khoảng cách đường bộ từ Bến Tre đến TP. Hồ Chí Minh 88 km và từ Bến Tre đến thành phố Cần Thơ 110 km, hệ thống giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện và phân bố đều khắp trong tỉnh; từ khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên hoàn thành đưa vào sử dụng, Bến Tre đã phá được thế biệt lập và tạo tuyến đường bộ thông suốt đi TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và các tỉnh, thành trong khu vực.

Mặt khác, Bến Tre thuộc khu vực tam giác hệ thống sông Tiền nên thuận lợi về đường thủy, với 04 hệ thống sông chính hướng ra biển Đông và hệ thống kênh rạch là các trục giao thông đối ngoại quan trọng gắn kết kinh tế tỉnh Bến Tre với các tỉnh vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó tạo điều kiện để khơi dậy và phát triển mạnh mẽ tiềm năng kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tiếp thu và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bến Tre đã xác định: Phát triển kinh tế biển là trọng tâm của chiến lược phát triển về hướng Đông của tỉnh, qua đó, tạo trục động lực mới với những ngành, lĩnh vực đột phá như: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển đô thị, du lịch, nông nghiệp giá trị gia tăng cao, đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, dịch vụ logistic, cảng biển…

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ (thứ ba từ trái qua) và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (bìa phải) khảo sát Khu vực Bến thủy Khu công nghiệp An Hiệp

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ (thứ ba từ trái qua) và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (bìa phải) khảo sát Khu vực Bến thủy Khu công nghiệp An Hiệp

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, ngày 29/01/2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Phát triển Bến Tre về hướng Đông là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, được tập trung lãnh đạo, quán triệt và nâng cao nhận thức toàn diện ở các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận cao nhất của nhân dân nhằm chuyển bộ và tạo động lực cho sự phát triển tỉnh.

Đặc biệt, Bến Tre sẽ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng biển, thúc đẩy tích cực cho sự phát triển của cả khu vực, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới biển. Gắn kết liên kết vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh qua tuyến hành lang ven biển, mở ra không gian phát triển mới, rộng hơn so với điều kiện hiện tại của tỉnh và toàn vùng…

Huy động các nguồn lực đầu tư

Với lợi thế bờ biển dài 65 km, kinh tế biển của tỉnh đã có bước phát triển tích cực. Lĩnh vực thủy sản phát triển mạnh, diện tích nuôi thủy sản khoảng 45.000ha, khai thác thủy sản được quan tâm đầu tư với 2.132 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng đạt 210.000 tấn/năm. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 cảng cá tại các huyện biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Du lịch sinh thái vùng ven biển phát triển khá nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là 3 huyện ven biển. Năng lượng tái tạo thu hút được nhiều nhà đầu tư với quy hoạch phát triển 1.008 MW điện gió... Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên biển và vùng ven biển giữ vững ổn định.

  Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Lữ đoàn 125 tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề

Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Lữ đoàn 125 tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển, phát triển Bến Tre về hướng Đông".

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế biển và vùng ven biển chưa được khai thác và phát huy đúng mức, chưa tạo động lực tăng trưởng toàn diện đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh đi kịp các tỉnh. Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế và đời sống người dân ngày càng nghiêm trọng, cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức và định hướng phát triển trong bối cảnh thích ứng mới.

Nhằm tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng nói riêng và của vùng ĐBSCL nói chung, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cả nước, tỉnh Bến Tre đã và đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030, sẽ hoàn thành đầu tư tuyến giao thông động lực ven biển khu vực tỉnh Bến Tre kết nối thông suốt liên tỉnh Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh; hoàn thiện đầu tư cơ bản phần lớn hạng mục trong hành lang kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre như đường ven biển, hệ thống hạ tầng logistics, khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch lấn biển; khởi động xây dựng cảng nước sâu; triển khai xây dựng khu kinh tế biển; Hình thành được trung tâm năng lượng sạch tỉnh Bến Tre, hoàn thành đầu tư các dự án điện ngoài khơi (điện gió, điện khí,...), đưa vào vận hành ít nhất 3.000MW.

Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp đạt 70% trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp các huyện biển chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; phát triển mạnh các khu đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khu vực 3 huyện biển đạt 48% trở lên. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản có giá trị gia tăng cao. Phát triển mạnh ngành du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của địa phương; phấn đấu đưa Bến Tre trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại khu vực ĐBSCL và nằm trong nhóm khá các tỉnh ven biển của Việt Nam.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh Bến Tre đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương nghiên cứu lập Đề án quy hoạch phát triển Khu kinh tế ven biển. Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh đã được cập nhật vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Cảng Bến Tre có 4 khu bến, gồm: Khu bến Giao Long; Khu bến Hàm Luông; Khu bến Thạnh Phú; Khu bến Bình Đại và các bến vệ tinh…

Nhằm tiếp tục phát triển bền vững kinh tế về hướng Đông, trong năm 2022, tỉnh Bến Tre tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8 - 8,5%, giúp tạo nguồn thu cho ngân sách và nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, tổ chức huy động nguồn lực và ưu tiên triển khai 11 dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh Bến Tre chủ động liên hệ các bộ, ngành Trung ương để trình bổ sung các dự án điện khí LNG của tỉnh vào quy hoạch quốc gia, tạo bước đột phá mới cho tỉnh. Đồng thời, xây dựng chương trình phát triển nghề khai thác thủy sản phù hợp với tình hình mới, nâng cao hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển, triển khai mạnh đề án 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao…

Bến Tre tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để sớm triển khai đề án phát triển khu vực kinh tế biển tỉnh, trong đó, có hoạt động lấn biển. Tích cực và chủ động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư, nhất là về thủ tục, quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng… để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị, điện gió đã cấp chủ trương đầu tư... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Điều chỉnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận, Bến Tre

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Điều chỉnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận, Bến Tre

    21:49, 27/05/2022

  • Bến Tre Phát huy tinh thần Đồng Khởi

    Bến Tre Phát huy tinh thần Đồng Khởi

    13:17, 25/03/2022

  • Bến Tre: Đồng hành cùng doanh nghiệp

    Bến Tre: Đồng hành cùng doanh nghiệp

    12:26, 25/03/2022

LÊ ĐỨC THỌ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre