Xúc tiến, mời gọi đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương cùng tham gia quảng bá, giới thiệu tiềm năng thu hút các nhà đầu tư đến với Bến Tre.
Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần Đồng Khởi, quyết tâm hành động, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá, đưa Bến Tre phát triển nhanh và bền vững.
Ông Trần Ngọc Tam cho biết, những năm qua Bến Tre đã được nhiều nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn với nhiều dự án có quy mô lớn. Bên cạnh tiềm năng, lợi thế về địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, tài nguyên thiên nhiên... thì yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư chính là sự tin cậy về cơ chế, chính sách; môi trường đầu tư thông thoáng theo hướng cởi mở, thân thiện và minh bạch.
- Thưa ông, trong điều kiện vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 nhưng tỉnh vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư. Vậy ông có thể chia sẻ đôi nét về vấn đề này?
Với quyết tâm hành động, tạo đột phá để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bến Tre theo hướng nhân văn, bền vững; tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với cuối năm 2020, GRDP thuộc nhóm khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đến năm 2030, GRDP thuộc nhóm đầu của khu vực ĐBSCL và vào nhóm 30 tỉnh phát triển khá của cả nước.
Để thực hiện mục tiêu trên, Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án số 03-ĐA/TU ngày 29/1/2021 về huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre, đây là một trong những đề án quan trọng, có vai trò nòng cốt trong định hướng phát triển của địa phương. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp huy động nguồn lực phục vụ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tập trung mời gọi, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh triển khai các công trình, dự án, ưu tiên kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, cụ thể như các dự án năng lượng (6 nhà máy điện gió đã và đang triển khai xây dựng, với tổng công suất 179,7MW), đô thị (có 4/19 dự án đô thị đã chọn được nhà đầu tư), công nghiệp, hạ tầng phát triển hướng Đông… Song song đó, việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, phát triển tại tỉnh góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên bản địa là nhu cầu thiết thực thúc đẩy tiến trình phát triển chung của tỉnh.
Đặc biệt, mới đây tỉnh Bến Tre cũng đã tổ chức ký kết hợp tác toàn diện, chiến lược với 09 tập đoàn, doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần tập đoàn Thaco, Tập đoàn Sovico, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop), Công ty cổ phần Việt Oil, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư địa ốc Nova, Tổng công ty xây dựng số 1 - CTCP và Công ty cổ phần thương mại đầu tư phát triển Do Holdings. Các lĩnh vực ký kết hợp tác bao gồm: Chuyển đổi số, năng lượng, bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp, xử lý nước sạch và cung cấp nước sạch, logistics, hạ tầng giao thông, phát triển khu công nghiệp, đô thị, dân cư; thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, du lịch sinh thái…
Những hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ góp phần tạo sự phát triển đột phá của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
- 4 năm gần đây, Bến Tre luôn đứng trong TOP 10 bảng xếp hạng chỉ số PCI, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt. Vậy đâu là những biện pháp căn cơ giúp tỉnh xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và nổi bật so với trong khu vực, thưa ông?
Từ năm 2017 trở lại đây, tỉnh Bến Tre luôn đứng trong TOP 10 bảng xếp hạng chỉ số PCI. Năm 2020, Chỉ số PCI của Bến Tre xếp vị trí thứ 8 cả nước và thứ 4 ở đồng bằng sông Cửu Long.
Để cải thiện chỉ số PCI, thời gian qua, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư với quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Bến Tre cũng tiếp tục triển khai Bộ chỉ số DDCI để thúc đẩy, tạo sự thi đua, cải cách và nâng cao chất lượng điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong toàn tỉnh.
Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai tính minh bạch đối với các định hướng, quy hoạch, đề án, chiến lược phát triển của tỉnh để mọi tổ chức, cá nhân biết và tham gia thực hiện, giám sát. Lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục nêu gương, khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt của các ngành, các cấp trong chỉ đạo thực hiện các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư; xây dựng nhiều kênh đối thoại với doanh nghiệp - tạo sự gần gũi, thân thiện và tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Xác định công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương cùng tham gia thực hiện nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến với Bến Tre…
- Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, Bến Tre đã đưa ra chương trình hành động ra sao, thưa ông?
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài làm cho nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn. Với mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cùng với việc tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng chống dịch COVID-19, đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, Bến Tre cũng thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội…
>>Bến Tre: Ông Trần Ngọc Tam được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021
>>Bến Tre: Phát huy hơn nữa tinh thần Đồng Khởi
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, Bến Tre tiếp tục đánh giá, rà soát cụ thể các chỉ số thành phần, các chỉ tiêu, đối chiếu với từng năm, để xây dựng giải pháp hành động đúng mục tiêu. Đối với các chỉ số hiện đang trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, tiếp tục nỗ lực duy trì kết quả các chỉ số đột phá trong thời gian tới.
Bến Tre cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tinh thần phát huy những kết quả đã đạt được, nhanh chóng khắc phục hạn chế đã được chỉ ra, tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng hóa các hình thức đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp.
Vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện chỉ số PCI thể hiện rất rõ vai trò, sự vào cuộc đồng bộ, tinh thần đồng lòng quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Do vậy, ngoài tiềm năng của địa phương, các cấp chính quyền Bến Tre phải lấy sự thân thiện, tận tụy phục vụ doanh nghiệp làm kim chỉ nam… qua đó tạo sự chuyển biến tích cực, thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên những thực chứng từ chính doanh nghiệp địa phương....
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cùng với việc đồng hành cùng doanh nghiệp để chống đỡ khó khăn tiếp tục có những chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
- Ông có thể chia sẻ ngắn gọn về định hướng của Bến Tre trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022?
Năm 2022, là năm thứ hai tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong bối cảnh và điều kiện Bến Tre có nhiều cơ hội và thời cơ mới. Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống cách mạng, đặc biệt là phong trào Đồng Khởi năm 1960 và phong trào thi đua “Đồng khởi mới” hôm nay, Bến Tre đã đặt ra lộ trình cụ thể, tạo sự phát triển mạnh mẽ và bứt phá trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Thực hiện Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh ủy, với phương châm “Đồng thuận - Sáng tạo và Phát triển", các cấp, các ngành đã và đang triển khai một cách đồng bộ, để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Trong năm 2022, tỉnh tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu đặt ra là mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 từ 8-8,5%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đi đôi với phát triển kinh tế Bến Tre cũng tập trung phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cùng với việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong năm 2022 và đó cũng là cơ sở rất quan trọng để tập trung các nguồn lực, thời gian cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đào tạo, tạo nguồn cán bộ, để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh hiện nay và lâu dài. Bến Tre cũng đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, áp dụng rộng rãi trong tất cả các cấp, các ngành, địa phương, trong quản lý và vận hành xã hội, để đưa công nghệ số vào trong công tác lãnh, chỉ đạo và điều hành công việc, coi đây là một trong những động lực rất quan trọng để thúc đẩy phát triển tỉnh.
Bến Tre tiếp tục phát huy sự “Đồng thuận", thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong triển khai thực hiện nghị quyết; quyết tâm lãnh đạo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
- Ông có thông điệp nào muốn gửi đến các các doanh nghiệp, nhà đầu tư?
Bến Tre cam kết sẽ luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, luôn sát cánh và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển ổn định. Sắp tới, bên cạnh các diễn đàn, đối thoại, họp mặt doanh nghiệp, tỉnh Bến Tre sẽ đẩy mạnh chương trình “Cà phê doanh nghiệp" hàng tháng để kịp thời lắng nghe, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Tỉnh Bến Tre cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua Tổ dịch vụ công đặt tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Khởi nghiệp, nhằm giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm