Bến Tre: Khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế biển
Bến Tre sẽ phát huy hơn nữa tinh thần Đồng Khởi năm 1960, làm nên cuộc "Đồng Khởi mới" trong giai đoạn mới, viết tiếp những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
>>Bến Tre: Đón thời cơ từ dự án giao thông chiến lược
Cách đây 60 năm, sự kiện mở đường Hồ Chí Minh trên biển và “Đoàn tàu không số” xuất phát tại bến A101, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã làm nên huyền thoại trong cuộc đấu tranh chống xâm lược.
Kế thừa và phát huy những giá trị to lớn trong lịch sử, Bến Tre đã và đang định hướng phát triển về hướng Đông, mở ra không gian phát triển về hướng biển, tạo động lực mới để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre xung quanh vấn đề này.
Mục tiêu phát triển về hướng Đông là phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Trong đó, kinh tế biển là trọng tâm gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực qua tuyến động lực ven biển, mở ra không gian phát triển của tỉnh và toàn vùng.
Từ đó, hình thành khu kinh tế ven biển với những ngành, lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
- Xin ông cho biết những định hướng chiến lược của tỉnh trong phát triển về hướng Đông?
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tạo ra bước chuyển mới; tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của địa phương được phát huy; tài nguyên biển được khai thác, sử dụng hiệu quả.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Bến Tre xác định định hướng phát triển của Bến Tre là hướng Đông. Đây được xem là tư duy mang tính đột phá, dựa trên sự kế thừa những giá trị to lớn trong lịch sử. Đồng thời, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của ba huyện duyên hải.
Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã cụ thể hóa từ việc chuyển đổi về tư duy, khát vọng phát triển Bến Tre, với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Theo đó, phát triển Bến Tre về hướng Đông nhằm cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương và của khu vực, thúc đẩy liên kết trong toàn vùng, là động lực tạo sự đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển Bến Tre về hướng Đông cũng là để khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực; mở rộng không gian phát triển nhằm tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó có hoạt động lấn biển; Đẩy mạnh đầu tư, phát triển các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo; cảng biển – logistics; công nghiệp chế biến - chế tạo; phát triển các khu, cụm công nghiệp ven biển; hình thành các khu đô thị, dân cư ven biển; sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp, phát triển hơn 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương...
- Cụ thể, trong phát triển kinh tế biển được Bến Tre triển khai ra sao, thưa ông?
Với lợi thế bờ biển dài 65km, kinh tế biển của tỉnh trong thời gian qua đã có bước phát triển tích cực. Lĩnh vực thủy sản phát triển mạnh. Diện tích nuôi tôm biển 41.200ha, trong đó nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh 11.030ha. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao 2.200 ha. Sản lượng 70.280 tấn/năm.
Khai thác thủy sản được quan tâm đầu tư, với 2.132 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng đạt 210 ngàn tấn/năm. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 cảng cá tại các huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Du lịch sinh thái vùng ven biển phát triển khá nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là 3 huyện ven biển. Năng lượng tái tạo thu hút được nhiều nhà đầu tư với quy hoạch phát triển 1.008MW điện gió. Tỷ lệ đô thị hóa khu vực ba huyện biển cao hơn mặt bằng chung của tỉnh (26/20%). Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên biển và vùng ven biển giữ vững ổn định.
Hiện nay, Bến Tre đang lập Đề án phát triển khu kinh tế ven biển dựa trên 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Theo đó, khu kinh tế ven biển bao gồm phần đất nội địa, ven biển và hướng ra biển. Nhiều dự án sẽ phát triển từ trục này, hoặc là hạ tầng này sẽ phục vụ nhiều dự án khác phát triển; tạo động lực dẫn dắt cho các dự án khác.
- Thưa ông, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương, Ở Bến Tre vấn đề này được giải quyết như thế nào?
Bến Tre đã và đang tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, theo hướng đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư, nhất là các công trình liên vùng, góp phần tạo động lực phát triển.
Trọng tâm là tập trung triển khai đầu tư, hoàn chỉnh các công trình: Đê bao ngăn mặn nối liền 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú - giai đoạn 2; cầu Rạch Miễu 2; Đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1)... nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư các cảng bốc xếp và tập trung hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, tuyến đường bộ ven biển khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông từ TP. Hồ Chí Minh qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng nhằm mở rộng không gian phát triển mới, tạo động lực đột phá cho phát triển tỉnh. Bổ sung quy hoạch và thu hút đầu tư 1 cảng nước sâu, chú trọng đầu tư phát triển mạnh giao thông thủy, nâng cấp cảng Giao Long, mỗi khu, cụm công nghiệp xây dựng 1 cảng trung chuyển.
Giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến giao thông động lực ven biển, nâng cấp 3 quốc lộ: QL.60, QL.57B, QL.57C lên cấp III hoặc cấp II đồng bằng. Đầu tư hoàn chỉnh cảng nước sâu và cảng trung chuyển điện khí (LNG), đảm bảo tính kết nối và thông suốt.
- Liên kết vùng là một trong những yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi địa phương. Với Bến Tre, vấn đề này được triển khai như thế nào, thưa ông?
Bến Tre định hướng phát triển về hướng Đông sẽ mở ra không gian phát triển trên thực địa về hướng biển, tạo ra động lực mới để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh việc tăng cường liên kết với các tỉnh trong tiểu vùng để triển khai các hoạt động đã ký kết, Bến Tre cũng tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong khu vực để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của từng địa phương, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thủy, bộ.
Việc liên kết với các tỉnh giáp ranh, gồm Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang đã triển khai hiệu quả các hoạt động về “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL”. Thời gian tới, Bến Tre sẽ tiếp tục phối hợp với Tiền Giang để triển khai đầu tư tuyến động lực ven biển, nhất là xác định vị trí đấu nối, giải phóng mặt bằng… để sớm triển khai đầu tư xây dựng cầu Bình Thới 1 và cầu Bình Thới 2; phối hợp tích cực với Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận để đẩy nhanh tiến đố thi công công trình cầu Rạch Miễu 2.
Với Trà Vinh, tỉnh sẽ phối hợp để xác định vị trí đấu nối tuyến động lực ven biển giữa, đề xuất Trung ương ưu tiên bổ sung nguồn vốn để sớm đầu tư đoạn tuyến này. Bến Tre cũng sẽ phối hợp với Vĩnh Long đồng kiến nghị với Trung ương đưa công trình cầu Đình Khao (thay thế phà Đình Khao) nối 2 tỉnh vào quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030 và bố trí vốn đầu tư để thi công trong giai đoạn 2026-2030.
Ngoài việc tăng cường liên kết với các tỉnh trong Tiểu vùng để triển khai các hoạt động trong 8 lĩnh vực mà các địa phương đã ký kết, Bến Tre cũng tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh qua tuyến hành lang ven biển, mở ra không gian phát triển mới, rộng hơn so với điều kiện hiện tại của tỉnh và toàn vùng, để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thủy/bộ, logistics, du lịch, năng lượng sạch, chế biến thủy sản, khai thác cảng biển… phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của cả vùng ĐBSCL.
Bến Tre cũng sẽ tích cực và chủ động tham gia các hoạt động liên kết Vùng với vai trò là thành viên Hội đồng điều phối vùng, nhằm góp phần cùng với các địa phương phát triển vùng đất “chín rồng” thành khu vực năng động và thịnh vượng trong thời gian tới.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Với mục tiêu “phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng khởi, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre”, trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030. Đặc biệt, định hướng phát triển về hướng Đông sẽ mở ra không gian phát triển trên thực địa về hướng biển, tạo ra động lực mới để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Có thể bạn quan tâm