Đắk Nông: Nông nghiệp khẳng định vị thế
Ngành nông nghiệp Đắk Nông sẽ tập trung vào khâu giống, công nghiệp chế biến sâu, mở rộng kết nối thị trường theo chuỗi… nhằm nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm và vị thế của người nông dân.
Đó là trao đổi của ông Phạm Tuấn Anh, GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông với Diễn đàn Doanh nghiệp.
>>Đắk Nông có thể phát triển bằng “ba chân” vững chắc
Với điều kiện về đất đai, khí hậu, thời tiết thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi gia súc quy mô lớn, những năm qua Đắk Nông chủ động cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi giá trị, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
- Xin ông cho biết kết quả sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đắk Nông?
Đến năm 2021 đã hình thành được một số ngành hàng chủ lực, tiềm năng của tỉnh. Trong đó 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cà phê, hồ tiêu, điều và cao su), 3 sản phẩm tiềm năng (bò thịt, cây dược liệu và mắc ca) và 16 sản phẩm chủ lực địa phương (lúa, ngô, khoai lang, sầu riêng, bơ, gỗ nguyên liệu rừng trồng…).
Bước đầu tỉnh định hướng hình thành được năm vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và hơn 69.500 ha ứng dụng một phần công nghệ cao.
Thông qua quá trình trồng thử nghiệm, tỉnh từng bước xác định lợi thế phát triển cà phê, hồ tiêu, bơ, đặc biệt là mắc ca (đã phát triển hơn 1.500 ha). Bên cạnh đó, tỉnh định hướng chế biến sâu nông, lâm sản, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Có thể nói, sản xuất nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã và đang có những chuyển biến tích cực. Trong đó, nổi bật nhất là sự hình thành, phát triển của các chuỗi giá trị nông sản, nhất là sản phẩm chủ lực.
- Đâu là trụ cột để đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, thưa ông?
Tôi cho rằng, những nhân tố quan trọng để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, đó là sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về kinh tế nông nghiệp. Nhận thức đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý nông nghiệp, doanh nghiệp được nâng cao. Đặc biệt là tư duy của người nông dân trong phát triển nông nghiệp tập trung hàng hoá theo định hướng thị trường; ứng dụng khoa học kỹ thuật; nông nghiệp hữu cơ và sinh thái…, nhằm đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp trong và ngoài nước.
Sản xuất nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đang có những chuyển biến tích cực. Trong đó, nổi bật nhất là sự hình thành, phát triển của chuỗi giá trị nông sản...
Bên cạnh đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá theo nhu cầu của thị trường. Xác định các vùng sản xuất, cây trồng vật nuôi tập trung có tiềm năng, thế mạnh của vùng. Từng bước khắc phục và hoàn thiện các tiêu chí theo quy định để hình thành vùng sản xuất tập trung, hướng đến hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về hàng hoá của các thị trường nhập khẩu.
Đặc biệt, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng liên kết phát triển theo chuỗi giá trị, định hướng thị trường. Tỉnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển thị trường, kênh tiêu thụ tiêu thụ nông sản chất lượng cao...
- Để thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh đã đưa ra những giải pháp nào, thưa ông?
Để thực hiện hiệu quả việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh Đắk Nông hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp.
Cụ thể, tăng đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, phát triển nông thôn, ưu tiên hỗ trợ các chuỗi ngành hàng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tập trung đầu tư có trọng điểm vào các ngành hàng sản xuất ứng dụng công nghệ cao ở các cơ sở sản xuất chế biến để đảm bảo chất lượng xuất khẩu.
Mặt khác, tỉnh đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù để “hút” doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp kí hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao, tham gia xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra huy động nguồn vốn trong dân để phát triển sản xuất theo các cơ chế, chính sách ưu đãi. Nguồn vốn vay từ ngân hàng theo phương thức cho vay không lãi hoặc lãi suất ưu đãi. Nguồn vốn từ các chương trình dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn ODA, viện trợ, hợp tác khoa học kỹ thuật của các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế như UNDP, FAO, ADB, WB...
Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các hướng dẫn về thủ tục pháp lý, quy trình… để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.
-Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm