Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới hành trình không có điểm dừng
Với mục tiêu phấn đấu cuối năm 2022 hoàn thành các tiêu chí để trở thành tỉnh NTM. Việc xác định hành trình này chỉ có bắt đầu, không có kết thúc đã giúp cho Quảng Ninh nỗ lực hơn để cán đích.
>>>Quảng Ninh: Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội
Hành trình không có điểm dừng
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2010. Chương trình này đã mang lại nhiều dấu ấn, cho các vùng nông thôn Quảng Ninh. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn trên toàn tỉnh đạt 52,5 triệu đồng/người/năm, tăng 25,87 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 17,25% năm 2010 xuống còn 0,1%.
Theo ông Bùi Hải Sơn - Chủ tịch UBND xã Dương Huy (TP Cẩm Phả), cho biết: Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, cuối năm 2021 xã Dương Huy đã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó có 2 HTX hoạt động hiệu quả, doanh thu của mỗi HTX từ 1,5-2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7-15 lao động địa phương; thu nhập bình quân trong xã đạt 71,7 triệu đồng/người/năm; xã không còn hộ nghèo.
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Quá trình triển khai đã góp phần đưa 26 xã, 65 thôn vùng miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt nhất, từ chương trình này, Quảng Ninh đã triển khai thành công chương trình OCOP, qua đó đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân, từ sản xuất lạc hậu tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế trên địa bàn tỉnh. Từ sự tiên phong của Quảng Ninh, chương trình OCOP cũng đã được Chính phủ chọn làm mô hình nhân rộng ra các tỉnh, thành trên cả nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo nông thôn mới của tỉnh, quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Kết quả thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa thực sự bền vững; vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng ở nhiều địa phương chưa được chủ động, thường xuyên; sản xuất chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; đời sống người dân vùng nông thôn mặc dù có cải thiện song vẫn ở mức thấp so với bình quân chung của tỉnh.
>>Quảng Ninh: Ì ạch, chậm tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công
>>Quảng Ninh: Thương mại điện tử “cầu nối” cho xuất nhập khẩu
Được biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022, Quảng Ninh đã khẩn trương rà soát để đánh giá khách quan tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng địa phương, đơn vị, kiểm điểm tiến độ theo từng tháng, quý.
Trong đó, kế hoạch tập trung vào việc hoàn thành các chỉ tiêu như: 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; ít nhất 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; ít nhất 70% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến...
Nỗ lực để về đích
Thực tế cho thấy, Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh. Do đó, tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của năm 2022, bố trí 500 tỷ đồng ngân sách tỉnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, tập trung hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguồn vốn này sẽ được đầu tư thực hiện các dự án như: Cải tạo, nâng cấp cầu tràn thác Hoen (xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ); đường từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); đường từ trung tâm huyện Đầm Hà đi xã Quảng An; tuyến kênh mương sau đập Chăn Cái đến đê rừng xanh thôn 7, xã Quảng Phong (huyện Hải Hà); trường THCS&THPT Đường Hoa Cương (huyện Hải Hà); nhà văn hóa xã Đại Dực gắn với Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ (huyện Tiên Yên)… Các dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thành các tiêu chí cứng trong xây dựng nông thôn mới.
Xóa bỏ tâm lý trông chờ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều chủ động nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. TP Hạ Long có diện tích rộng, nhiều xã nằm ở khu vực vùng cao, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, khắc phục những khó khăn, năm 2022 thành phố đặt mục tiêu hoàn thành chương trình nông thôn mới. Là địa phương tự chủ trong thu, chi ngân sách, thực hiện mục tiêu này, TP Hạ Long đã ban hành nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2022-2025; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022…
Thành phố sẽ ưu tiên đầu tư một số dự án như: Nâng cấp tuyến đường từ thôn Trại Me (xã Sơn Dương) đến chân đèo Dài (thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm), nâng cấp tuyến đường từ ngã 3 thôn Mỏ Đông (xã Sơn Dương) đi trung tâm xã Đồng Sơn, khảo sát lập hồ sơ GPMB tuyến đường đấu nối tỉnh lộ 342 đi qua trung tâm xã Sơn Dương đến QL279… Tổng kế hoạch nguồn vốn dành cho chương trình xây dựng nông thôn mới của TP Hạ Long là trên 613 tỷ đồng.
Khác với TP Hạ Long, Bình Liêu là huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, huyện đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa. Từ đầu năm đến nay, huyện tiếp nhận 4,3 tỷ đồng tiền mặt, 900 tấn xi măng, 24.000 viên ngói và 200.000 viên gạch từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng nông thôn mới.
Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Theo rà soát, huyện có 6/9 chỉ tiêu và 17/36 tiêu chí chưa đạt theo Bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện sẽ tiếp tục huy động nguồn lực của hệ thống chính trị, nhất là xã hội hóa chung tay xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phát động phong trào xây dựng đô thị văn minh, ra quân thực hiện tiêu chí môi trường, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế tại tất cả cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Chính quyền địa phương tăng cường giám sát các công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công, huy động người dân cùng vào cuộc để đảm bảo nguồn vốn xã hội hóa được sử dụng đúng mục đích, minh bạch, hiệu quả.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong giai đoạn này, Quảng Ninh cũng phấn đấu xây dựng nông thôn mới phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại tiệm cận với đô thị”. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, tạo liên kết theo chuỗi giá trị; coi trọng KH&CN, công nghệ cao, công nghệ sinh thái.
Với mục tiêu đưa đời sống người dân nông thôn ngày càng khá giả, người dân có môi trường sống tốt đẹp, dần được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ như đô thị, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền. Với sự đồng lòng, quyết tâm vào cuộc của chính quyền và nhân dân, Quảng Ninh đang nỗ lực để về đích.
Có thể bạn quan tâm