Quảng Ninh: Tăng cường nỗ lực trong việc chống khai thác thủy sản trái phép

MINH HUỆ 04/07/2022 18:50

Thời gian qua, Quảng Ninh có nhiều nỗ lực trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, từ đó chung tay cùng ngành Thủy sản Việt Nam quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng” về IUU.

>>>Cẩm Phả (Quảng Ninh): Nguy cơ xâm hại cảnh quan, môi trường từ dự án nghìn tỷ

Tăng cường “phạt”

Quảng Ninh đưa ra mục tiêu trong chiến lược phát triển của ngành Thủy sản là phải chuyển đổi số với phần mềm quản lý đội tàu, nhân sự, khai thác của các tàu.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT: Trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 8.064 tàu cá, trong đó có 209 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Các ngành chức năng, địa phương tăng cường tuyên truyền các tàu có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Qua vận động, tuyên truyền, đến nay cả 209 tàu cá đã thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Huyện Hải Hà xử lý nghiêm đối với các trưởng hợp vi phạm trong khai thác thuỷ sản

Huyện Hải Hà xử lý nghiêm đối với các trưởng hợp vi phạm trong khai thác thuỷ sản (ảnh báo QN)

Cùng với đó, các đơn vị chức năng thường xuyên tra cứu, cập nhật trên phần mềm giám sát hoạt động của tàu cá để kịp thời cảnh báo đối với các tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài qua các phương tiện truyền tin. Cụ thể như: Tháng 11/2021, qua theo dõi hệ thống giám sát hành trình tàu cá, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1 tàu (địa chỉ tại TP Hải Phòng) 20 triệu đồng vì không chấp hành nghiêm quy định bật thiết bị VMS liên tục trong quá trình hoạt động; tháng 1/2022, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, nhắc nhở 2 chủ tàu khắc phục sự cố VMS không kết nối trong quá trình hoạt động.

Tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng. Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 1/2022, Văn phòng Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) đã kiểm tra, giám sát, hướng dẫn 757 lượt tàu cá cập cảng, 861 lượt tàu cá rời cảng; thu 745 quyển nhật ký khai thác, nhật ký thu mua truyền tải thủy sản với tổng sản lượng thủy sản qua cảng hơn 2.172 tấn.

Trước đó, huyện Hải Hà Quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm khai thác thuỷ sản tại khu vực bãi triều. Tại xã Quảng Minh đã phát hiện 12 hộ tái phạm trong việc sử dụng trái phép các cọc tre, lưới vây, đăng đáy để khai thác thuỷ sản.

Còn tại Móng Cái, địa phương đã tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 2 tàu khai thác thủy sản trái phép. 2 tàu đã bị tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vạn Gia bắt giữ tại khu vực vùng biển Đầu Tán, xã Vĩnh Thực vào ngày 6/3 và được bàn giao cho TP Móng Cái vào ngày 9/3 để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Vạn Gia và chính quyền thành phố Móng Cái kiểm tra hành chính trên tàu hàng

Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Vạn Gia và chính quyền thành phố Móng Cái kiểm tra hành chính trên tàu hàng

Khi được đưa về cảng Thác Hàn, phường Ninh Dương, UBND TP Móng Cái đã ra quyết định tiếp nhận và tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép chứng chỉ hành nghề với 2 tàu này.

Theo lãnh đạo UBND TP Móng Cái: Để tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, TP Móng Cái đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn. Theo đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng và các địa phương đã bắt giữ, xử lý hàng chục vụ khai thác thủy sản trái phép. Trong đó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vạn Gia bắt giữ 18 vụ với 19 đối tượng; Đồn Biên phòng Trà Cổ bắt giữ 9 vụ, tịch thu 5 bộ kích điện và hơn 570m lồng bát quái; xã Hải Tiến tịch thu tiêu hủy 6 khẩu lưới săm và vận động được 2 hộ tự tháo dỡ lưới lưới săm trên vùng biển.

Hỗ trợ để đẩy lùi vi phạm

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT những năm qua, rất nhiều tàu cá của tỉnh vẫn vi phạm và thường xuyên tái diễn vi phạm, như: Khai thác thủy sản không có giấy phép; khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định…

Với những giải pháp quyết liệt, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện trên 6.000 vụ vi phạm các quy định quản lý khai thác, bảo vệ NLTS; thu phạt nộp ngân sách nhà nước gần 30 tỷ đồng.

TP Móng Cái đã ban hành quyết định tịch thu 2 phương tiện khai thác thủy sản trái phép. (ảnh báo QN)

TP Móng Cái đã ban hành quyết định tịch thu 2 phương tiện khai thác thủy sản trái phép. (ảnh báo QN)

Tuy nhiên theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản, còn một số khó khăn, tồn tại. Nguyên nhân chính là do vùng biển Quảng Ninh rộng, có nhiều đảo, bến bãi, vụng, vịnh, luồng lạch, có đường biên giới nên khó kiểm soát du nhập các phương pháp, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt NLTS; còn tàu cá chưa  đăng ký, đăng kiểm...

Từ năm 2021 đến hết tháng 1/2022, các sở, ban, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 1.860 vụ vi phạm trong khai thác, bảo vệ NLTS; qua đó xử phạt 1.822 vụ với số tiền hơn 6,936 tỷ đồng. Riêng trong tháng 1/2022, các cơ quan chức năng đã tịch thu, tiêu hủy 3 bộ kích điện, 180m ống hơi, 3 bộ quần áo lặn.

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính tại các địa phương. Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tàu cá. Đến nay, 95% tàu cá thuộc diện đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Các ngành, địa phương, lực lượng chức năng triển khai đường dây nóng, tăng cường tiếp nhận thông tin bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS); tích cực kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác và bảo vệ NLTS. Năm 2021, các sở, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, xử lý 432 tin báo về lĩnh vực khai thác thủy sản, qua đó xử lý các vụ vi phạm với số tiền 440,5 triệu đồng.

Quảng Ninh đưa ra mục tiêu trong chiến lược phát triển của ngành Thủy sản là phải chuyển đổi số với phần mềm quản lý đội tàu, nhân sự, khai thác của các tàu.

Quảng Ninh đưa ra mục tiêu trong chiến lược phát triển của ngành Thủy sản là phải chuyển đổi số với phần mềm quản lý đội tàu, nhân sự, khai thác của các tàu.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh: Nhờ các giải pháp trên, ý thức của ngư dân trong khai thác, bảo vệ NLTS và công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp. Ngư dân có ý thức hơn trong việc đưa tàu cá về cảng để thực hiện việc khai báo, bốc dỡ sản phẩm thủy sản; 100% tàu cập cảng ghi chép nhật ký khai thác. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Tỉnh tập trung công tác quy hoạch, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản nhằm bảo vệ bền vững NLTS. Năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 21.300ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 80.000 tấn, tăng 12% so với năm 2020.

Được biết, trong năm 2022 tỉnh sẽ thiết lập 10 điểm kiểm soát tàu cá tại 9 địa phương trên địa bàn tỉnh, thu hồi nhật ký của tất cả các tàu cá cập các bến cảng được công bố; tăng cường hạ tầng của các bến cảng; tổ chức các đoàn đến cấp xã để hỗ trợ ngư dân rà soát, hoàn thiện thủ tục đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận ATTP cho những tàu cá chưa có giấy chứng nhận.

Với những mục tiêu cụ thể, Quảng Ninh đang tạo bước tiến đáng kể trong phòng, chống khai thác thủy sản trái phép, hướng tới phát triển bền vững ngành Thủy sản.

Có thể bạn quan tâm

  • Cẩm Phả (Quảng Ninh): Nguy cơ xâm hại cảnh quan, môi trường từ dự án nghìn tỷ

    Cẩm Phả (Quảng Ninh): Nguy cơ xâm hại cảnh quan, môi trường từ dự án nghìn tỷ

    11:00, 27/06/2022

  • Quảng Ninh phòng chống tham nhũng: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

    Quảng Ninh phòng chống tham nhũng: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

    15:30, 22/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Tăng cường nỗ lực trong việc chống khai thác thủy sản trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO