Đối với nhiều người, Dự án khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh (Cẩm Phả) là một nỗi lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của nó với môi trường và cảnh quan vịnh Bái Tử Long.
>>Kỷ luật nhiều cán bộ thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh)
Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã đặt câu hỏi về Công ty Đỗ Gia Capital và dự án trên vịnh này với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cẩm Phả, tuy nhiên câu trả lời là “anh sẽ thông tin”, đến nay đã 2 tuần trôi qua, mặc dù PV đã nhắc lại nhưng vẫn chỉ nhận lại sự im lặng?
Liệu có đi ngược chủ trương?
Theo tìm hiểu của DĐDN, tại Quyết định 4720/QĐ-UBND ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả. Khu đất có phía Đông giáp biển; phía Tây giáp núi đá vôi, đầm cây Giang; phía Nam giáp suối Lộ Phong và vịnh Bái Tử Long; phía Bắc giáp núi đá vôi.
Quy hoạch được phê duyệt, diện tích khu đất đấu giá là hơn 31,8ha, trong đó diện tích khu vực cây xanh cách ly là hơn 4,9ha; đất ở, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật là hơn 26,8ha. Quy mô đầu tư của dự án là đầu tư xây dựng thô và hoàn thiện mặt ngoài 52 căn biệt thự, cao 4 tầng với tổng diện tích đất 17.636,8 m2; đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình thương mai dịch vụ và các hạng mục phụ trợ tại các lô ký hiệu TM-DV1, TM-DV2, TM-DV3 cao 7 tầng với tổng diện tích lô đất 21.129 m2.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, xác định vị trí của dự án, thật ngạc nhiên khi PV biết được đó lại là một trị mặt biển, nằm cách khá xa đất liền. Về cảnh quan, đây là một vùng thiên nhiên rất đẹp, cảnh sắc khoáng hoạt với màu xanh của rừng sú, của núi non, của mặt vịnh êm đềm và sát cạnh con đường bao biển Hạ Long - Cẩm phả được đánh giá là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam. Có thể nói, những năm gần đây, việc san rừng, lấp biển để làm đô thị đã khiến Hạ long, Cẩm Phả mất đi khá nhiều diện tích rừng ngập mặn và mặt nước ven vịnh.
Nhiều vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên đã không còn nữa. Chính vì vậy còn lại một nơi đẹp như mơ sát mặt vịnh như thế này là một điều quý giá, tự thân nó đã tô đậm cho một vùng non nước hữu tình của nơi cửa ngõ tiếp giáp hai thành phố. Vậy mà vùng non nước với vẻ đẹp hoang sơ hiếm hoi còn lại đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ dành chỗ cho một dự án đô thị có diện tích 31,8 ha với hàng trăm căn biệt thự và liền kề được xây dựng trên một vùng vốn là mặt nước Vịnh và rừng ngập mặn.
Người dân Quảng Ninh cảm thấy khó hiểu và vô cùng bức xúc với quyết định chấp nhận dự án này của tỉnh Quảng Ninh dành cho Đỗ Gia Captival?
Phải chăng Cẩm Phả, nơi vốn ít "vốn liếng" cảnh sắc thiên nhiên so với Hạ Long đã thiếu quỹ đất đến độ phải phá rừng ngập mặn, san lấp vịnh, bỏ đi một vùng thiên nhiên kỳ thú nhường ấy để làm đô thị? Chắc chắn là không! Bởi địa phương này những năm qua đã có nhiều dự án đô thị ra đời trong đó có những đô thị mật độ xây cất còn thưa thớt, vẫn còn nhiều lô đất bỏ trống. Quỹ đất trong dân cũng tương đối dồi dào trong khi sự gia tăng dân số là không đáng kể.
Vậy thì tại sao Cẩm Phả lại quyết định cho làm dự án đô thị ở nơi đây mà không một chút tiếc nuối? Có người nói đến giá trị kinh tế của khu đất này khi nó được chia lô, xây nhà để bán. Quả thật, với vị trí "vàng" sát vịnh, sát đường bao biển, việc sở hữu được một lô đất ở đây là điều mà nhiều người, trong đó có nhiều đại gia đất mỏ mong muốn và chắc chắn khoản tiền để sở hữu được một căn biệt thự hoặc nhà liền kề sẽ là con số không nhỏ.
Sẽ có lợi cho ai đó, thậm chí là rất lớn. Còn về cái chung, sẽ là sự mất đứt một diện tích mặt vịnh đẹp, mất đứt những ha rừng ngập mặn hiếm hoi còn lại, mất đứt tầm nhìn ra vịnh khi không gian bị bao phủ bởi nhà cửa. Cảnh quan, môi trường bị ảnh hưởng là điều có thể nhìn thấy. Nhưng chẳng phải chủ trương của nhà nước đã được thủ tướng chính phủ và nhiều lãnh đạo từ trung ương đến địa phương nhiều lần khẳng định là: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế vì bất cứ lý do gì đó sao? Tại sao Cẩm Phả lại đi ngược?
>>Kỷ luật nhiều cán bộ thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh)
>>Quảng Ninh: Không đánh đổi môi trường để đổi lấy dự án
Ông vũ Hòa, người dân phường Hà Phong, thành phố Hạ Long chia sẻ: “Ngày trước khu vực này là những cánh rừng ngập mặn xanh tốt, rất nhiều thủy sản trú ngự là nguồn kinh tế lớn cho người dân Cẩm phả và Hạ Long đánh bắt. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn giúp người dân an toàn trước những trận bão lớn, triều cường hàng năm”.
“Mặc dù tuyến đường bao biển đi qua đã lấy mất phần nào rừng, nhưng đó cũng là sự đánh đổi chấp nhận được, vì giao thông tốt sẽ giúp người dân phát triển kinh tế tốt hơn. Nhưng khi nghe có dự án khu đô thị ở ngoài xa kia, đằng sau cả những dãy núi thì tôi rất ngạc nhiên. Tại sao ngoài biển lại xây đô thị, nếu xây chắc chắn sẽ lại là một cuộc san lấp khổng lồ, vịnh biển lại ô nhiễm, thu hẹp. Nhiều người dân ở đây nghe tin cũng đều vô cùng bức xúc”, ông Hòa nói.
Lời cầu cứu từ biển
Xu hướng đô thị hóa đang lan rộng rãi với cơn sốt đất đai trong nhiều trường hợp đã phá hỏng cảnh quan, làm biến mất các di tích, phá vỡ nhiều mối quan hệ tự nhiên.
Những cánh rừng ngập mặn xanh tốt có tác dụng ngăn sóng, làm sạch môi trường nước biển rất cần thiết cho việc bảo vệ, gia tăng giá trị di sản và là“ căn cứ” lí tưởng cho các loài tôm, cá, nhuyễn thể sinh sôi, phục vụ đặc sản cho nhu cầu thực phẩm của người dân và khách du lịch đang bị đe dọa, biển nhiều chỗ bị san lấp... cho sự ra đời của những dự án.
Như vậy, nỗ lực chuyển từ “nâu” sang “xanh” để bảo vệ tài nguyên, môi trường và sự bền vững của tỉnh Quảng Ninh liệu có đạt được mục tiêu cao nhất? Bởi những “cuộc san bằng tất” đang lan rộng với quy mô lớn như hiện nay và dường như chưa có dấu hiệu dừng ở nhiều nơi, như dự án tại khu đô thị Quang Hanh, Cẩm Phả này, nó có đáng đánh đổi như thế không?
Biển không thể tiếp tục bị tàn phá, bị xâm lấn như vậy, nhất là đối với những dự án không mang đến những giá trị cao cho phát triển kinh tế, cho đời sống dân sinh. Mở rộng không gian đô thị là điều cần thiết với những thành phố đang phát triển. Nhưng mở rộng bao nhiêu thì đủ, mở rộng ở khu vực nào thì hợp lý, đó là điều phải cân nhắc thấu đáo. Nó đòi hỏi người lãnh đạo có tầm nhìn đủ xa và cái tâm thực sự vì mục tiêu phát triển của địa phương.
Nên nhớ đã có những dự án xuất phát từ lợi ích nhóm tàn phá môi trường, chiếm dụng quỹ đất vàng, chia chác lợi nhuận, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Cũng nên nhớ rằng, Đảng ta đang chủ trương xử mạnh mẽ tham những, lợi ích nhóm, nhất là nhóm liên quan đến cấp đất sai, cấp vì lợi ích cá nhân. Hàng loạt cán bộ bị xử lý, ngay cả Quảng Ninh thời gian qua cũng rất nhiều cán bộ liên quan đất đai bị xử lý kỷ luật…
Bài học nhắc lại, chắc chưa quá muộn và câu hỏi vì sao Cẩm Phả lại cấp xây đô thị ở một vùng non nước, rừng ngập mặn cần bảo tồn khi việc thiếu đất mở rộng đô thị không phải là lý do chính đáng để ra đời dự án này đang cần một câu trả lời thỏa đáng từ phía lãnh đạo thành phố.
Công ty Đỗ Gia Capital là ai mà được ưu ái một dự án đẹp trên mặt vịnh như vậy? Cuộc đấu giá dự án này diễn ra như nào?
Có thể bạn quan tâm
Đã đến lúc “khai tử” cụm cảng Km6, Cẩm Phả - Quảng Ninh (Kỳ I): “Bức tử” môi trường vịnh Bái Tử Long
04:50, 17/12/2020
Cụm công nghiệp ngăn dòng chảy Bái Tử Long?
11:05, 18/08/2019
Rừng ngập mặn Hạ Long - Cẩm Phả "kêu cứu"
02:33, 29/05/2022
Đừng để rừng ngập mặn vịnh Cửa Lục biến mất
11:47, 06/03/2020